Đại học FPT nằm trong top các trường có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao

Đại học FPT nằm trong top các trường có tỷ lệ sinh viên (SV) ra trường có việc làm cao của cả nước. Hạng mục tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp được nhận mức đánh giá cao nhất – 5 sao theo chuẩn quốc tế của QS, Đại học FPT chính thức khẳng định chất lượng đào tạo gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường nhân sự chất lượng cao. Vậy đâu là bí quyết giúp SV của trường ĐH FPT nhanh chóng có được việc làm ngay sau khi ra trường?

Đào tạo theo nhu cầu

Trong lĩnh vực CNTT, ĐH FPT là trường tiên phong trong việc đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp (DN). ĐH FPT được hình thành trong lòng 1 DN CNTT hàng đầu là FPT nên SV của trường được đào tạo trước hết là để phục vụ cho nhu cầu của FPT. Mỗi năm FPT cần tuyển đến hàng ngàn cán bộ nhân viên, chuyên gia công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực phần mềm. Đơn cử như Công ty Phần mềm FPT riêng trong năm 2018 cần tuyển 7.000 người. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tới năm 2020, Việt Nam thiếu hụt hơn 500.000 nhân sự IT. Cách mạng 4.0 đang đến gần với sự lên ngôi của công nghệ đã thực sự tạo nên cơn “khát” nhân lực CNTT.

Tăng cường trải nghiệm thực tế

DN thường yêu cầu tuyển dụng ứng viên có kinh nghiệm, chính vì vậy nhiều SV ra trường thường không đáp ứng được. Để giải quyết bài toán này, Đại học FPT đã thiết kế một chương trình đào tạo khác biệt là SV năm thứ 3 sẽ phải tham gia kỳ thực tập bắt buộc tại DN (On The Job Training – OJT). Khác với kỳ thực tập thường thấy là “pha trà rót nước” mà SV của nhiều trường đã trải qua, thì các bạn SV của ĐH FPT trong kỳ thực tập OJT được lăn xả, giao nhiệm vụ như nhân viên thực sự, tham gia vào các dự án thực tế và lĩnh hội nhiều bài học “không có trong sách vở”. SV khối ngành Quản trị Kinh doanh thực tập tại các DN Việt Nam và hơn 300 công ty, DN là đối tác quốc tế của tập đoàn FPT. SV khối ngành Công nghệ thông tin được làm việc như một nhân viên thực thụ trong các dự án phần mềm với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là đối tác Nhật Bản tại FPT Software.

Đặc biệt, mô hình Tổ hợp Giáo dục và Công viên Phần mềm (bao gồm DN và trường ĐH) của FPT đã tạo ra môi trường thực tế để SV vừa học tập, vừa được tham gia vào thực tiễn ngành công nghiệp phần mềm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với ưu điểm đó, FPT đã không ngừng nỗ lực mở rộng xây dựng mô hình Tổ hợp Giáo dục và Công viên phần mềm ở nhiều địa phương trên cả nước, mà mới đây nhất là ở Cần Thơ nhằm tạo nền tảng quan trọng giúp các SN thực sự trở thành nguồn nhân lực giàu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, nhanh chóng bắt kịp với tốc độ phát triển xã hội trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0..

Đẩy mạnh đào tạo ngoại ngữ và trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên

Ngoài việc đào tạo chuyên sâu ngành nghề, các trường cũng chú trọng đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cho SV. Bởi lẽ, theo báo cáo của TIATA Search cho thấy SV mới tốt nghiệp thông thạo ngoại ngữ có nhiều cơ hội việc làm tốt và nhận mức lương khởi điểm cao hơn từ 6-22% so với người không giỏi tiếng Anh. Đặc biệt, một số ngành đặc thù như công nghệ thông tin (IT) thì mức thu nhập cao hơn đến 50% nếu giỏi tiếng Anh (theo khảo sát của Vietnamwork năm 2017).

Hồ Vĩnh Thịnh – cựu sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm Đại học FPT làm trong team youtube tại “đại bản doanh” Google, song song với việc học Thạc sĩ tại Đức. Cậu còn là thành viên của trường nghiên cứu quốc tế về khoa học máy tính Max Planck trực thuộc hiệp hội Max Planck vì sự Phát triển Khoa học của Đức. Thịnh chia sẻ: “Phương pháp dạy học không chỉ lý thuyết mà còn được thực hành rất nhiều, giúp mình dễ dàng thu nhận kiến thức mới. Hơn nữa, chương trình học bằng tiếng anh ở ĐH FPT là một trong những tiền đề giúp mình không bị bỡ ngỡ khi học và làm việc trong môi trường quốc tế như hiện nay.”

Hồ Vĩnh Thịnh đánh giá cao môi trường ĐH FPT

Tại Đại học FPT, trong lộ trình học 4 năm, năm đầu tiên SV được học Tiếng Anh nền tảng trước khi vào chuyên ngành. SV học tập với giảng viên quốc tế cùng giáo trình tiếng Anh 100% được nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài. Không chỉ được trang bị tiếng Anh thông thạo, SV khối ngành Công nghệ thông tin tại Đại học FPT còn được học thêm ngôn ngữ thứ 2 là tiếng Nhật. SV khối ngành kinh tế được trang bị tiếng Anh – tiếng Trung.

Nhờ được đào tạo tốt về chuyên ngành, ngoại ngữ và các kỹ năng mềm mà nhiều SV đã được mời đi làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong khi không ít cử nhân lo lắng về tình trạng thất nghiệp khi tốt nghiệp thì Trần Minh Tuấn (Đại học FPT) đã có được 3 công ty mời về làm. “Bốn năm ở ĐH FPT mình phải học rất nhiều, cả tiếng Anh cả tiếng Nhật, giáo trình thì toàn bằng tiếng Anh, rồi còn phải đi thực tập ở DN chứ không ngồi xơi nước chè hay rửa ấm pha trà. DN còn hay đến tận trường FPT để tuyển sinh. Bạn mình đều có việc làm tốt, mình là dạng rất bình thường thôi”, Tuấn chia sẻ.

Theo đánh giá các nhà tuyển dụng, SV tốt nghiệp ĐH FPT nắm bắt và tiếp nhận công việc nhanh hơn nhiều so với SV trường khác. Ông Trần Trung Hiếu – CEO công ty cổ phần Top CV cho biết: “Rất ưng ý khi tuyển dụng SV Đại học FPT vì các bạn bên cạnh sự chăm chỉ, nhiệt huyết với công việc là khả năng có thể làm được việc ngay vì có kiến thức nền tảng tốt, nắm bắt công nghệ mới nhanh, kỹ năng cơ bản hành thục, tư duy nhanh, khả năng phản biện, thuyết trình ý tưởng tốt nên không mất nhiều thời gian trainning.”

Kể từ khi có lứa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp, Đại học FPT luôn duy trì tỉ lệ việc làm của sinh viên ở mức cao. Theo thống kê, có 96% sinh viên Đại học FPT có việc làm sau tốt nghiệp với mức lương khởi điểm trung bình 8,3 triệu đồng/tháng, 19% cựu sinh viên làm việc tại các quốc gia phát triển: Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Canada, Philippines… 100% sinh viên có cơ hội làm việc tại Tập đoàn FPT.  Nhiều sinh viên ĐH FPT lựa chọn làm việc ở các công ty công nghệ thông tin lớn trong nước và quốc tế khác như: Viettel, VNPT, Mobifone, CMC, Samsung, LG, Intel, Microsoft, IBM, Google… Từ câu chuyện đào tạo của ĐH FPT có thể thấy việc các trường đẩy mạnh đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, trang bị kinh nghiệm làm việc thực thế, nâng cao ngoại ngữ và các kỹ năng mềm… là chìa khóa quan trọng trong việc giảm tỷ lệ thất nghiệp của SV sau khi ra trường.

Theo Báo Người lao động