Phần mềm được xây dựng để chấm thi thực hành code của bộ môn DBI202 (Database system – Sql Server), đảm bảo độ chính xác 100%.
Mới đây, nhóm sinh viên ĐH FPT đã mang đến phòng bảo vệ đồ án tốt nghiệp học kỳ Spring 2019 phần mềm chấm thi tự động mang tên DBI202 Automation. Họ gồm 4 sinh viên Nguyễn Quốc Bảo, Nguyễn Dương Minh, Hoàng Trung Đức và Phạm Minh Hiếu.
Sản phẩm ra đời khi cả nhóm nhận thấy việc chấm bài là một công việc vất vả, tốn nhiều thời gian, đôi khi lại thiếu chính xác… Để giải quyết những bất cập này, nhóm đã nghiên cứu và tạo ra một phần mềm chấm thi tự động để giúp đỡ các giảng viên bộ môn DBI202. Với tốc độ nhanh, chính xác, phần mềm đã được hội đồng chấm thi đánh giá cao.
DBI202 Automation được thiết kế dựa trên Net framework 4.0 với mục đích chấm thi thực hành code của bộ môn DBI202 (Database system – Sql Server) tại ĐH FPT. Nhóm mất khoảng 3 tháng để có được sản phẩm cuối cùng và kịp thử nghiệm vào kỳ thi gần nhất. Phần code hoàn toàn do nhóm tự mày mò làm.
Phần mềm được xây dựng bằng những công nghệ đơn giản và có sẵn giúp tool có thể chạy dễ dàng trên gần như mọi máy tính. Đây chính là một trong những điểm lợi của phần mềm mà nhóm muốn mang đến cho người dùng. Tuy nhiên, để phù hợp với đặc thù của bộ môn DBI202 nhóm cần nhờ đến sự hỗ trợ của thầy Bùi Ngọc Anh, giảng viên CNTT ĐH FPT. Sản phẩm sau đó đã được đưa vào chạy thử nghiệm thành công trong một lần tổ chức thi thử và 2 lần thi chính thức.
Quá trình vận hành của phầm mềm gồm 4 bước: Tạo 2 Databases, một cho Answer của sinh viên, một cho Solution của người ra đề; Execute lần lượt các query của sinh viên trên Answer database và query của người ra đề trên Solution database; Execute Test query (nếu cần thiết) trên cả 2 databases; So sánh các data trả về từ các câu query trên.
Thông thường, phầm mềm sẽ mất 5 giây để chấm xong 1 bài thi. Tuy nhiên, tốc độ chấm thi có thể thay đổi không đáng kể tùy thuộc vào cấu hình của máy tính. Sau khi thực hiện chấm thi xong, kết quả sẽ được xuất ra file excel. Các lỗi sai trên bài thi cũng được ghi chi tiết trên file. Dựa trên file excel này, phòng Khảo thí của trường sẽ chuyển kết quả đến từng sinh viên.
Trưởng nhóm Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ: “Độ chính xác của phần mềm đạt 100% đã được các thầy cô đánh giá sau khi cho chạy thử. Mục tiêu ban đầu của nhóm là phải tạo ra tool có độ chính xác và tin cậy ở mức tuyệt đối bởi điểm số sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập của sinh viên nên không thể thiếu chính xác và minh bạch”.
Với sản phẩm có tính ứng dựng cao, nhóm sinh viên đã nhận được quyết định khen thưởng của ĐH FPT ngay sau khi công bố và chạy thử nghiệm. Mỗi sinh viên trong nhóm nhận được 1.000.000 đồng tiền mặt.
Theo Chungta