Từ ngày 22/01 – 10/03/2015, Đại học FPT tổ chức Workshop mang tên “Private Room” và Triển lãm cho ngành thiết kế đồ họa tại Trụ sở của trường – Khu Giáo dục và Đào tạo – Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Chương trình là dịp để các bạn sinh viên Đại học FPT có cơ hội tìm hiểu ngành học Graphic Design và đào sâu vào “căn phòng bí mật” trong chính bản thân mình.
Tại sao con người muốn làm nghệ thuật? Điều gì khiến nghệ sĩ mang trong mình đầy năng lượng sáng tạo?
Câu hỏi này đã tồn tại hàng thế kỷ. Nó dường như là một mệnh đề trong nghệ thuật và một phần nào đó nói về ý nghĩa cuộc sống trong mỗi con người. Nghệ sĩ có thể có hàng ngàn lý do cho những lựa chọn của mình, nhưng mục đích chung họ hướng tới là nghệ thuật.
Chúng ta bắt đầu một lựa chọn với hàng loạt câu hỏi. Design cũng vậy…
Có thể gọi Design là một mảnh đất, design là một không gian, nơi mà bạn đứng tại đường chân trời giữa hai thế giới – kỹ thuật về tính năng sử dụng và sự cảm biến của mỗi con người để tạo nên những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống ngày một tươi đẹp hơn. Khoảng không gian này là nơi hai thế giới đó nhập vào làm một.
Chia sẻ với sinh viên Đại học FPT, thầy Christofer nhấn mạnh “Thiết kế đồ họa là ngành đào tạo đòi hỏi tính nghệ thuật và sáng tạo không ngừng. Khi chọn một ngành nào thì phải hiểu được lý do tại sao chọn. Với ngành Thiết kế đồ họa thì đây là điểm quyết định và định hướng nghề nghiệp quan trọng đối với sinh viên”.
Với kinh nghiệm công tác tại Đại học Stockholm (Thụy Điển), thầy Christofer nhấn mạnh vào việc khơi nguồn cảm hứng sáo tạo tiềm tàng trong mỗi sinh viên. Chương trình giảng dạy cũng được thay đổi phù hợp hơn với 60% thời lượng dành cho kỹ thuật sử dụng các công cụ và 40% thời gian để khơi nguồn cảm hứng, năng lực sáng tạo của sinh viên. Đây là cách giảng dạy mới, là xu hướng đã được áp dụng trên thế giới. “Thiết kế không đơn giản là thị giác nhìn mà còn ẩn chứa sứ mệnh “Làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì vậy, mỗi sản phẩm được thiết kế ra không được đơn điệu, khuân mẫu mà phải thể hiện sự sáng tạo, cá tính của người thiết kế” – thầy nói.
Workshop “Private Room” được hình thành dựa trên những câu hỏi của các bạn sinh viên ngành học Graphic Design – Trường Đại học FPT. Thời gian diễn ra Workshop không dài, chỉ trong 4 ngày của tháng 2 (22,26,28,30/02). Với tiêu chí “hãy design thời gian của bạn một cách thích hợp nhất”, cùng với sự hướng dẫn tận tình của thầy Christofer Fredriksson, Chairman of the Board, International Realation Coordinator/ Stockholm University of the Arts, Concept Director of Frost – Digital Agency các bạn sinh viên đã và đang sử dụng từng phút từng giây cho niềm đam mê của mình.
Trên 20 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và design, làm việc với 4 trường đại học tại châu Âu, ông muốn cùng sinh viên đào sâu và phát hiện những nhân tố ẩn sâu trong mỗi người, nơi tồn tại căn phòng riêng tư và bí mật.
37 sinh viên của 2 lớp Graphic Design khoá 9 – Đại học FPT- 37 câu chuyện riêng – Điều gì đã đưa các bạn đến với Graphic Design?
Trở thành một designer đồng nghĩa với sự sáng tạo và cập nhật không ngừng. Để tạo điều kiện học tập và làm việc tốt nhất cho sinh viên, chương trình học của ngành Graphic Design của Trường Đại học FPT với 60% thời lượng dành cho kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ design và 40% còn lại là thời gian cùng sinh viên khơi dậy niềm đam mê và nguồn năng lượng sáng tạo.
Chương trình hệ đại học ngành Graphic Design của Đại học FPT với những khoá học bài bản hướng tới sự thống nhất giữa thiết kế đồ hoạ, truyền thông và những kỹ năng phối hợp cần thiết khi làm những dự án lớn. Thông qua những hoạt động đa dạng trong quá trình học, thực hành được kết hợp giữa truyền thông thị giác và các chuyên ngành media đem lại cho sinh viên kiến thức sâu rộng về thị giác, truyền thông thị giác. Sinh viên được chuẩn bị những kỹ năng làm việc căn bản trong các dự án cũng như quản lý sản phẩm, trình bày vấn đề rõ ràng, đơn giản, với tiêu chí: “Nếu bạn không nói được một vấn đề theo cách đơn giản và dễ hiểu nhất, có nghĩa bạn chưa thực sự hiểu sâu về nó”.
Sinh viên luôn được học tập và làm việc trong môi trường có sự tương tác với những nhóm ngành nghề cũng như trình độ khác nhau trong và ngoài nước tạo ra sự cọ sát, học hỏi và liên kêt nhằm mục đích đem lại những thiết kế cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sau Workshop, chương trình Triển lãm khai mạc vào ngày 10/3/2015 tại sảnh chính Trường Đại học FPT sẽ trưng bày các sản phẩm thiết kế của Hội thảo, các sản phẩm thiết kế được ứng dụng thật của các giảng viên khoa Thiết kế đồ họa và hệ thống bài tập của ba học kỳ cơ bản, giới thiệu chuyên sâu về ngành Thiết kế đồ họa, một ngành mới tại Đại học FPT. Triển lãm đưa tới cho các bạn yêu thích thiết kế đồ hoạ một các nhìn tổng quan và chính xác nhất về hoạt động cũng như phương pháp đào tạo của chúng tôi.
“Chúng tôi hướng đến ba yếu tố tiên quyết để hướng sinh viên trở thành những nhà thiết kế đồ hoạ chuyên nghiệp, tính toàn cầu hoá, sự liên kết cùng các ngành nghề khác để tạo nên một cuộc sống chất lượng và định hướng phát triển nghề nghiệp lâu dài.” – Ông Christofer Fredriksson chia sẻ.