Ngày 4-4, sau một tháng tổ chức chương trình giao lưu, biểu diễn nhạc cụ dân tộc do Trường ĐH FPT TP HCM khởi xướng, Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TP HCM đã tổ chức chương trình ra mắt CLB Nhạc cụ dân tộc, đánh dấu sự thành công từ mô hình gieo mầm trong việc học và biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại các trường phổ thông ở TP HCM.
Nghệ sĩ đàn tranh Vũ Kim Yến cho biết đây là tin vui đối với các nghệ nhân, nghệ sĩ, giảng viên âm nhạc dân tộc tại TP HCM, qua việc truyền dạy 5 loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, sáo và đàn bầu cho học sinh THCS, THPT.
CLB Nhạc cụ dân tộc của Trường THPT Nguyễn Công Trứ hiện thu hút khá đông học sinh đăng ký học các loại nhạc cụ: sáo trúc (16 học sinh), đàn tranh (37 học sinh), tỳ bà (6 học sinh) và đàn bầu (2 học sinh); một số trường khác, số lượng học sinh đăng ký học cũng đủ để mở lớp. Các nghệ nhân, nghệ sĩ và giảng viên sẽ đến trường giảng dạy miễn phí, Trường ĐH FPT TP HCM tài trợ tiền lương cho các nghệ sĩ, giảng viên và tặng nhạc cụ cho các em học sinh.
Thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, cho biết: “Nhân dịp trường tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, CLB Nhạc cụ dân tộc cũng chính thức ra đời với khá nhiều học sinh đăng ký theo học. Hoạt động này rất có ý nghĩa, cũng là cách để thế hệ trẻ hôm nay chung sức giữ gìn cội nguồn văn hóa, trong đó có nhạc cụ dân tộc mà ông cha đã dày công sáng chế”.
Từ tháng 3/2022, Trường Đại học FPT bắt đầu thực hiện dự án cộng đồng “Đưa Bộ môn Nhạc cụ dân tộc đến các trường THPT” hưởng ứng theo đề án “Giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường học trên địa bàn TP. HCM” do UBND TP. HCM ban hành. Mục đích của chương trình nhằm đồng hành cùng các trường THPT trong việc triển khai giảng dạy nhạc cụ dân tộc tại trường, góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống của Việt Nam đến với thế hệ trẻ.
Với các nhiều hình thức triển khai như: Tổ chức giảng dạy Nhạc cụ dân tộc (Nhạc cụ Sáo trúc, Đàn bầu, Đàn tranh hoặc Đàn tỳ bà) miễn phí cho học sinh tại các trường THPT trên địa bàn TP. HCM; Tổ chức các hội thảo, buổi biểu diễn Nhạc cụ dân tộc tại các trường THPT hoặc tại Trường Đại học FPT, giao lưu về Nhạc cụ dân tộc và tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc, tìm hiểu thêm về bộ môn đặc sắc này. Chương trình dự kiến kéo dài từ 12 – 15 buổi.