Tối 19/01/2022, Đại học FPT TP.HCM đã tổ chức buổi chia sẻ và định hướng chọn lựa loại nhạc cụ phù hợp cho sinh viên các khóa. Chương trình được dẫn dắt bởi MC Lê Mai – sinh viên khoá 15.
Nhạc cụ dân tộc đã không còn xa lạ gì với các bạn sinh viên nhà F bởi lẽ đây là môn học bắt buộc mà trong đời sinh viên ai cũng phải trải nghiệm. Nhưng không vì thế mà nhạc cụ dân tộc mang lại cảm giác áp lực hay bắt buộc mà ngược lại nó luôn tạo cho sinh viên cảm giác hứng thú và giải tỏa những căng thẳng cũng như áp lực trong cuộc sống.
Mở đầu buổi chia sẻ không khí rộn ràng hẳn lên khi tiết mục hòa tấu đến từ các giảng viên vang lên, âm thanh đến từ những loại nhạc cụ khác nhau cùng tạo nên một bản nhạc vô cùng hấp dẫn và độc đáo. Mỗi nhạc cụ là một loại âm thanh riêng từ đó cũng giúp các bạn sinh viên thưởng thức và thích thú với một loại nhạc cụ nhất định
Các giảng viên cùng hòa tấu tiết mục “Giai điệu mùa xuân”
Sau tiết mục mở màn đầy thú vị là phần chia sẻ của cô Kim Yến về những vấn đề cơ bản và tổng quan nhất về bộ môn nhạc cụ dân tộc như: Thời gian học, số lượng tiết học, mô hình các lớp học, số lượng giảng viên… Bên cạnh đó cô còn tâm tình: “Khi biết được thông tin trường Đại học FPT mở lớp dạy nhạc cụ dân tộc lúc đó cô rất xúc động bởi vì cô nhìn thấy được tương lai của nền nhạc cụ dân tộc nước nhà. Cô rất lấy làm tự hào khi các bạn sinh viên – thế hệ trẻ của đất nước biết đến nhạc cụ dân tộc và cô hi vọng sau khi học tập các bạn sẽ hứng thú và xem nó như một sở thích của bản thân chứ không dừng lại ở việc pass môn”.
Giảng viên đàn tranh trong phần giới thiệu của mình
Tiếp theo đó là phần trình bày của các giảng viên về từng loại nhạc cụ để cung cấp cho các bạn sinh viên nhiều hơn những thông tin về cấu tạo đàn, cách chơi căn bản, tên gọi và đặc biệt là màn thị phạm tại chỗ vô cùng thú vị.
Để chương trình thực tế và gần gũi hơn thì sau phần chia sẻ của các giảng viên đã có sự góp mặt của các bạn sinh viên khóa trước với những kinh nghiệm thực tế và tips gần gũi nhất giữa các gen z. Bạn Lưu Xuân Hiệp – sinh viên K16 chia sẻ về bộ môn sáo trúc: “Các bạn hãy đi học với một tinh thần thoải mái nhất bởi vì các giảng viên sẽ dẫn dắt chúng ta từ những bước đầu tiên nhất. Tuy nhiên để có kết quả tốt thì trên lớp hãy lắng nghe bài giảng và đặc biệt là phải thường xuyên luyện tập để nâng cao kỹ năng”.
Tập thể giảng viên nhạc cụ của trường Đại học FPT TP.HCM
Không chỉ dừng lại ở chia sẻ mà bạn Dương Thúy Vy – sinh viên K17 còn thể hiện sự tự tin khi trình diễn một đoạn nhạc nhỏ trước mọi người.
Khép lại buổi định hướng là phần hỏi đáp, đây là thời gian mà các bạn sinh viên đặt những câu hỏi để được những giảng viên giải đáp từ các vấn đề chung hay cá nhân như: “Cột hơi trong sáo trúc có quan trọng không?”, “Một kỳ có bao nhiêu lớp nhạc cụ dân tộc vậy?”, “Con trai học đàn tranh có kỳ không?”, “Có trang web nào giúp chúng em tự tìm hiểu thêm về nhạc cụ dân tộc không?”.
Minh Ngọc