Cóc đọc – Có nên học lớp quốc tế hay không? Học tiếng Anh bằng cách nào để hiệu quả? Tất cả các thắc mắc của sinh viên Đại học FPT đã được cô Nguyễn Thị Thúy Nga (Giảng viên tiếng Anh) và cô Hoàng Thị Thu Hương (Phó Giám đốc Khối Phát triển sinh viên Quốc tế) giải đáp.
PV: Vừa rồi, Khối Giáo dục FPT có chia sẻ clip sinh viên bảo vệ khóa luận tốt nghiệp bằng tiếng Anh rất ấn tượng. Sau đó, bạn Thanh Hà – nữ sinh thuyết trình trong clip đã chia sẻ về bí quyết học tiếng Anh của mình là chăm chỉ, tích cực trò chuyện cùng các bạn sinh viên quốc tế ngay tại trường. Hai cô nghĩ sao về cách “cày” tiếng Anh này?
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga: Đây là cách rèn luyện Tiếng Anh hiệu quả và thuận lợi vì các bạn sinh viên quốc tế ở trường mình rất nhiều và đều có mong muốn kết bạn. Nếu có một người bạn quốc tế thân thiết thì sự tiến bộ trong việc học ngoại ngữ là vô cùng lớn. Mình nghĩ là sinh viên ai cũng biết điều này nhưng các em vẫn còn rụt rè và ngại giao tiếp.
Nếu các bạn đã từng lên Bờ Hồ và Văn Miếu với mục đích rèn luyện Tiếng Anh với người bản ngữ, các bạn sẽ thấy vô cùng khó khăn vì khách nước ngoài không cộng tác, thậm chí còn khó chịu vì họ nghĩ mình bị làm phiền. Vậy, tại sao chúng ta có môi trường thuận lợi tại lớp học và Hòa Lạc campus mà lại không tận dụng nhỉ?
Cô Hoàng Thị Thu Hương: Mình nghĩ đây là cách học tiếng Anh rất hiệu quả, vừa được rèn luyện khả năng nghe nói, vừa học được cách phát âm của người nước ngoài ở các quốc gia khác nhau. Hơn nữa, khi trò chuyện trực tiếp, sinh viên nhà mình còn có thể bắt được ý nghĩ của người đối diện. Từ đó, kỹ năng giao tiếp cũng nâng cao hàng ngày.
Cô Hoàng Thị Thu Hương (ngoài cùng bên phải) và các cán bộ ĐH FPT, sinh viên quốc tế chụp ảnh lưu niệm nhân dịp đầu năm mới.
PV: Được biết là ở trường mình đang có các lớp quốc tế với tỷ lệ 50% sinh viên ngoại quốc. Là giáo viên trực tiếp đứng lớp dạy các bạn sinh viên quốc tế, cô đánh giá thế nào về khả năng cải thiện tiếng Anh khi học cùng các bạn?
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga: Mình thấy là, trong lớp quốc tế, bạn nào chịu khó làm việc nhóm với sinh viên quốc tế, làm bạn và giao tiếp nhiều với các bạn ấy thì sẽ tiến bộ nhanh, bắt kịp bài giảng của giảng viên. Còn nếu bạn nào chưa tự tin, ngại hoặc không dám giao tiếp thì sẽ bị thụt lùi vì không hiểu bài và không theo kịp bài giảng.
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga và sinh viên Đại học FPT chụp ảnh lưu niệm cùng Hiệu trưởng Trường Đại học Adamson ngay trong khuôn khổ chương trình giao lưu tại Philippines.
PV: Trước đây, hai cô từng dẫn sinh viên đi semester abroad ở nước ngoài trong hẳn một học kỳ, cô có so sánh gì giữa giảng đường bên đó và lớp quốc tế của mình?
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga: Mình có dịp dẫn sinh viên đi Philippines cho kì học Tiếng Anh Summit 2 và chỉ ở cùng các bạn 2 trong tổng số 6 tuần thôi. Ở đó, trường bạn xếp lớp học riêng cho đoàn FPT nên mình không rõ về sự khác biệt giảng đường lắm. Nhưng khi mình đi qua và nhìn vào thì thấy cũng bình thường, giống hoặc kém bên mình.
Sinh viên được ném vào môi trường ngoại ngữ sẽ nỗ lực giao tiếp, vận dụng cả ngôn ngữ hình thể nữa. Hầu hết các em đều trưởng thành hơn và có nhiều bạn quốc tế thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa. Điển hình là sau buổi biểu diễn Vovinam và múa nón của trường mình thì các bạn quốc tế chủ động đến làm quen khá nhiều (cười).
Cô Hoàng Thị Thu Hương: Khi mình dẫn sinh viên sang Ấn Độ thì nhận thấy là điều kiện sinh hoạt bên đó cũng bình thường, hoặc có thể vùng đất mình đến không phải là vùng có điều kiện tốt nhất. Thế nhưng, các bạn sinh viên ở trường đó lại rất chăm chỉ trong học tập. Sinh viên nhà mình học 5-6 môn đã kêu ầm ĩ “sao trường mình học dài thế, học nhiều thế?”. Đến lúc sang nước bạn rồi mới thấy là các bạn bên đó thậm chí còn học nhiều hơn.
Hai tuần đầu tiên, sinh viên FPT chỉ nghe câu được câu chăng khi ở giảng đường nước bạn. Sau đó, bạn nào bạn nấy đều cố gắng, chăm chỉ và đọc thêm tài liệu vì sợ thua kém bạn bè quốc tế. Không những thế, các bạn còn chăm chỉ tìm hiểu trước bài học nên khi lên giảng đường, sinh viên nhà mình hiểu bài rất nhanh. Ngoài ra, các bạn còn được đi tham quan các danh lam thắng cảnh, các công ty, tập đoàn… nên khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cũng được nâng cao.
Sinh viên quốc tế, sinh viên Việt Nam trong lễ khai giảng năm học mới.
PV: Nhiều sinh viên nhà mình vẫn hơi e dè với sinh viên ngoại quốc vì rất nhiều lí do nên cơ hội học lớp quốc tế rộng mở mà sinh viên vẫn ngần ngại. Hai cô có chia sẻ gì không ạ?
Cô Nguyễn Thị Thúy Nga: Lời khuyên của mình: Hãy cởi mở hơn trong suy nghĩ, tự tin hơn trong hành động và hãy dám trải nghiệm những điều mới mẻ trong một môi trường quốc tế tại chính ao làng mình.
Cô Hoàng Thị Thu Hương: Mình nghĩ trường Đại học là môi trường rất tốt để rèn luyện ngoại ngữ. Nếu bạn không tận dụng thì các bạn đã đánh mất cơ hội của chính mình.
Điều quan trọng nhất là các bạn hãy thoát ra khỏi rào cản văn hóa. Khi bạn tôn trọng thói quen, hành vi, cách cư xử của người khác thì họ sẽ tôn trọng bạn. Ngược lại, nếu bạn rè bỉu người khác thì bạn cũng sẽ nhận lại thái độ, cách cư xử tương tự từ họ.
PV: Hạn đăng ký tham gia lớp quốc tế chỉ kéo dài đến thứ 6 tuần này, như vậy liệu có đủ thời gian để các sinh viên đang lăn tăn lựa chọn nộp hồ sơ không ạ? Có thể gia hạn thêm thời gian cho các bạn không?
Cô Hoàng Thị Thu Hương: Đúng là hạn nộp chỉ đến 24/4 này, nhưng nếu các bạn vẫn có nhu cầu thì có thể đăng ký trước 6/5 (sau khi các bạn có điểm thi Summit 2).
Các bạn đăng ký tại đây. Có thêm thắc mắc hoặc câu hỏi gì thì có thể liên hệ với chị Nguyễn Phương Thảo, điện thoại:0983.093.637, email: [email protected].
PV: Cảm ơn hai cô đã chia sẻ rất nhiều thông tin hay ho ạ!