Buổi chia sẻ về Thương mại điện tử và Cổng thanh toán của anh Nguyễn Trường An đến từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương Saigonbank diễn ra tại Toà nhà Innovation, trường Đại học FPT thu hút nhiều sinh viên tham gia.
Tiềm năng thương mại điện tử rất lớn
12 năm công tác tại SaiGonBank, anh Nguyễn Trường An chia sẻ: “Sự phát triển của công nghệ (FinTech, BigTech…) tác động tới sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng. Chỉ cần với tài khoản điện tử, người dùng có thể thanh toán các hóa đơn điện nước, điện thoại…một cách nhanh chóng và dễ dàng”. Đánh giá về tiềm năng thương mại điện tử, anh An khẳng định đó là một sự phát triển tất yếu. Trong bối cảnh Internet đang “thống trị” toàn cầu, Thương mại điện tử trở thành loại hình kinh doanh đón đầu xu hướng.
Anh Nguyễn Trường An – Phó Phòng Công nghệ Thông tin, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương SaiGonBank chia sẻ về thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Nielsen đầu năm 2017, 91% số người tiêu dùng tại Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh. Sự lên ngôi nhanh chóng của các thiết bị kết nối (đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính bảng) là các yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần chuyển dịch nhu cầu tiêu thụ hàng hóa qua mạng. Thương mại điện tử được hiểu là hoạt động kinh doanh thông qua internet và các phương tiện điện tử. Đây là những cầu nối giữa người mua và người bán nhằm đảm bảo quyền lợi cho hai bên. Những website về Thương mại điện tử ra đời sẽ xây dựng sự tin tưởng giữa người mua và người bán dựa trên một số dịch vụ…
Anh An chia sẻ về các hình thức thương mại điện tử gồm: Telco, cổng thanh toán trung gian, tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tiền mặt. Trong đó, Telco là hình thức thanh toán sơ khai chủ yếu là thẻ cào. Các loại ví điện tử như MoMo, Payoo, iPay, Vimo, VnMart… cũng đang phát triển bên cạnh các giao dịch liên kết tài khoản ngân hàng. Các hình thức Thương mại Điện tử giúp các giao dịch tiện lợi và nhanh chóng hơn.
Tạo môi trường giúp sinh viên bắt kịp xu hướng
Hiện nay, thị trường Thương mại điện tử phát triển mạnh. Doanh số từ hình thức Thương mại điện tử đem lại cho các doanh nghiệp là rất lớn.
Kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2016 của Thế giới Di động ghi nhận doanh thu trực tuyến (online) đạt 2,944 tỷ đồng. Tháng 12/2014, Sendo.vn (đơn vị trực thuộc tập đoàn FPT) tiếp nhận đầu tư chiến lược từ nhà đầu tư Nhật Bản. Hiện nay, Sendo liên kết với khoảng 80.000 cửa hàng đang kinh doanh với hơn 3 triệu sản phẩm thuộc 14 ngành hàng khác nhau. Trong khi đó, “nhà sách online” Tiki đang kinh doanh hơn 100.000 loại mặt hàng.
Tại buổi chia sẻ với sinh viên trường Đại học FPT, anh Nguyễn Trường An nói: “Triển khai Thương mại điện tử cần chú ý tới các yếu tố: Mô hình 7C (context, content, connuniting, customer, communication, conection, commerce – bối cảnh, nội dung, liên kết, khách hàng, giao tiếp, kết nối, thương mại), Đối tượng khách hàng, Vị trí địa lý khách hàng, Nguồn lực (ngân hàng, đội ngũ)”.
Sinh viên chăm chú lắng nghe chia sẻ về thương mại điện tử
Khi khởi nghiệp trong lĩnh vực Thương mại điện tử, sinh viên cần xác định vị trí là cổng thanh toán hay chủ thể trong chương trình thanh toán điện tử. Hiện nay, có khoảng 22 công ty được cấp phép trở thành cổng thanh toán trực tuyến. Với chủ thể trong chương trình thanh toán, sinh viên cần hình dung sự vận hành gồm kỹ thuật, quy trình, khách hàng…
Ấp ủ xây dựng một website thương mại điện tử, Gia Hiển – sinh viên K11 ngành Kỹ thuật phần mềm chia sẻ: “Những buổi hội thảo như thế này sẽ giúp sinh viên tiếp cận với những loại hình kinh doanh mới. Đây không chỉ là kiến thức dành cho khối ngành Kinh tế mà còn là cơ hội cho sinh viên Kỹ thuật. Xây dựng hệ thống thương mại điện tử cần xác định được đối tượng khách hàng và quy mô kinh doanh để thiết lập phần mềm”.
Với nền tảng công nghệ thông tin vững chắc, trường Đại học FPT luôn đón đầu những xu hướng mới trong giảng dạy. Chương trình đào tạo các khối ngành Kinh tế và Kỹ thuật là sự lựa chọn của nhiều thí sinh.
Sinh viên trường Đại học FPT thường xuyên được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng để lĩnh hội xu hướng. Theo đó, sinh viên học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, tăng năng lực cạnh tranh toàn cầu. Bên cạnh đó, sinh viên khối ngành Kinh tế được học tiếng Trung, sinh viên khối ngành Kỹ thuật được học tiếng Nhật Bản.
Không chỉ vậy, chương trình thực tập tại doanh nghiệp OJT vào năm 3 tại các đơn vị là thành viên và đối tác của trường Đại học FPT đem lại những trải nghiệm để sinh viên trưởng thành. Nhiều sinh viên ra trường đã thành công với khởi nghiệp. Một số sinh viên khác trở thành người lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp khi còn rất trẻ.
Hana