Đề thi THPT quốc gia 2018 tăng số câu hỏi phân hóa

Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học năm 2018 sẽ được ban hành vào đầu tuần tới. Đề thi năm nay sẽ tăng khối lượng kiến thức lớp 11 và nhiều câu phân hóa.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ gồm 5 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Không được bỏ bài thi đã chọn

Theo Bộ GD&ĐT, 3 bài thi bắt buộc mà thí sinh phải làm gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn: Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Để được xét tốt nghiệp THPT, thí sinh phải làm 4/5 bài thi hoặc làm cả 5 bài.

Thí sinh tìm hiểu thông tin trong một chương trình “Đưa trường học đến thí sinh”. Ảnh: Người Lao Động.

Lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết đề thi năm nay nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 nhưng chủ yếu ở lớp 12. Đề thi sẽ có 2 phần: Một phần thuộc khối kiến thức cơ bản, chiếm hơn 50%, phần còn lại là nâng cao để phân hóa thí sinh. Bộ GD&ĐT cũng cho hay đề thi năm nay sẽ tăng số câu hỏi phân hóa để bảo đảm tính phân hóa khi xét tuyển vào các trường ĐH.

Bài thi Toán gồm 50 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút. Bài thi Ngữ văn được ra theo phương pháp tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi Ngoại ngữ (trắc nghiệm) 50 câu, thời gian 60 phút.

Các bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội cũng được ra theo phương pháp trắc nghiệm, tổng thời gian làm bài là 150 phút. Mỗi môn trong tổ hợp có 40 câu trắc nghiệm, thời gian làm bài 50 phút. Sau khi làm hết môn này sẽ thu đề và phát môn tiếp theo, thời gian nghỉ giữa 2 môn liên tiếp trong cùng tổ hợp là 10 phút.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng – Bộ GD&ĐT, lưu ý thí sinh được quyền chọn một trong 2 bài tự chọn để thi. Khi lựa chọn cả 2 bài thi tự chọn, thí sinh sẽ phải làm đủ cả 2, nếu bỏ một trong 2 bài sẽ bị coi là bỏ thi và không được xét công nhận tốt nghiệp. Điều này đồng nghĩa việc không được xét tuyển vào ĐH.

Một điểm trở xuống không được xét tốt nghiệp

Theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật hủy kết quả thi, tất cả bài thi và các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp lấy điểm để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt trên một điểm theo thang điểm 10 và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.

Năm nay, bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Đối với thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT, năm nay, ngoài việc đăng ký dự thi và nộp đầy đủ các giấy tờ, đúng thủ tục, đúng thời hạn, còn phải bảo đảm đã tốt nghiệp THCS.

Trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, thí sinh phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5. Điều kiện này để bảo đảm đủ điều kiện về học lực, lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT cũng xử lý mạnh tay hơn đối với những trường hợp gian lận trong thi cử.

Theo Zing News

Năm 2018, Đại học FPT tuyển sinh các chuyên ngành: Kỹ thuật phần mềm; An toàn thông tin; Khoa học máy tính; Quản trị kinh doanh; Quản trị khách sạn; Kinh doanh Quốc tế; Ngôn Ngữ Anh; Ngôn Ngữ Nhật; Ngôn ngữ Hàn; Ngôn ngữ Trung; Truyền thông đa phương tiện; Thiết kế đồ họa theo hình thức tham gia kỳ thi tuyển sinh ngày 13/5.

Thí sinh có điểm 3 môn trong hai học kỳ cuối THPT đạt 21 điểm* trở lên xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Trường ĐH FPT (riêng ngành An toàn thông tin và Khoa học máy tính đạt 24 điểm* trở lên) đủ điều kiện miễn thi kỳ thi tuyển sinh đầu vào của trường.