Ngưỡng cửa Đại học như một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người, cũng là môi trường mới của hàng ngàn tân sinh viên: cuộc sống xa nhà, tự lập, bạn bè mới, phương thức học mới… Để 4 năm không trôi qua lãng phí, hãy “ngâm cứu” thật kĩ những điều sau:
Học ở đâu
Ngồi trên ghế giảng đường là giấc mơ của biết bao sĩ tử. Nhưng điều bạn cần biết khi bước vào cánh cổng Đại học chính là Giảng đường không phải là nơi độc nhất để bạn học. Ở bậc ĐH, việc học được mở rộng hơn rất nhiều, nhất là đề cao tinh thần và phương pháp tự học khoa học.
Học ở Đại học không chỉ là kiến thức trên giảng đường mà còn là những kiến thức trong những cuốn sách có liên quan đến môn học, là những kỹ năng mềm như nói trước đám đông, làm việc nhóm…, là học ở bạn bè, anh chị đi trước, học trong môi trường doanh nghiệp… Quan trọng là bạn chủ động đến đâu.
Làm bạn với giảng viên tại sao không?
Giảng viên không đơn thuần là người giảng dạy, trao kiến thức, mà còn là “người bạn lớn” của sinh viên. Hãy “kết bạn” với giảng viên trên lớp, trên MXH, kết nối với họ mọi nơi mọi lúc, bạn sẽ học được nhiều điều. Nhiều thầy cô còn trở thành những nhà tư vấn tâm lý cực đáng yêu, hay cô trò cùng nhau học ngoại ngữ, chia sẻ kinh nghiệm thành công…
Tham gia nhiều hoạt động
Bạn có từng nghe nhiều nhà tuyển dụng nhận xét rằng sinh viên ra trường thường thiếu nhiều kỹ năng mềm nên việc đào tạo lại họ là rất khó không?
Vậy làm sao để bạn không là những sinh viên được nhắc như trên? Đó là bạn phải tham gia nhiều, đi nhiều và làm nhiều.
Tham gia gì? Câu lạc bộ, đội, nhóm của trường là nơi bạn có nhiều cơ hội để thể hiện cũng như trau dồi bản thân mình. Đừng “nhốt” mình vào chiếc kén để tự ti ở bản thân. Hãy cho mình cơ hội được giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Tham gia nhiều cuộc thi học thuật của trường hay các tổ chức bên ngoài đều mang lại nhiều lợi ích cho bạn. Bạn sẽ tự học được nhiều hơn, tự tin hơn và nổi tiếng hơn nữa đó.
Đi nhiều là đi đâu? Đi mùa hè xanh, đi tham gia nhiều hoạt động có tuyển tình nguyện viên của các tổ chức. Bạn chỉ có đi nhiều mới khám phá ra bản thân mình là ai, vị trí mình trong xã hội này ở đâu để từ đó mà có động lực phấn đấu, có kế hoạch phát triển rõ ràng hơn cho bản thân.
Làm nhiều là làm gì? Làm thêm, làm những công việc liên quan đến chuyên ngành hay lĩnh vực mình yêu thích để sau này còn có cái ghi vào CV.
Làm nhiều không phải là gặp gì cũng làm để ảnh hưởng tới thời gian học tập, phải chọn việc phù hợp với chuyên ngành hay thế mạnh của mình để được rèn luyện trong quá trình đi làm.
Mở rộng mối quan hệ
Hãy mang về cho mình và nghiền ngẫm cuốn sách “Đừng bao giờ đi ăn một mình” để thấy được sức mạnh của việc tạo lập mối quan hệ trong cuộc sống này.
Bạn nên xây dựng cho mình nhiều mối quan hệ ở nhiều cấp độ khác nhau. Quan trọng không cần phải tạo nhiều mối quan hệ mà quan trọng là bạn phải chân thành và xem trọng mối quan hệ đó.
Có những người bạn thân thiết
Ở Đại học, có những người bạn thân thiết là việc rất khó nhưng rất ý nghĩa. Bạn thử nghĩ xem có bao nhiêu sinh viên trong một ngôi trường Đại học, bạn sẽ phải học nhiều lớp khác nhau, gặp nhiều gương mặt lạ lẫm hàng ngày và rất khó bắt chuyện, việc của bạn thân là xuất hiện và giúp bạn thoát khỏi cảm giác lạc lõng đó.
Ngoài ra, học nhóm ở Đại học là việc làm thường xuyên nên bạn thân cũng là bạn cùng tiến của mình, lợi quá đúng không?
Tóm lại, Đại học là nơi bạn chuẩn bị những bước đi vững chãi nhất cho tương lai. Đừng để phí hoài một phút giây nào khi còn đang là sinh viên Đại học.
PV (tổng hợp)