Ngày (6/12), phòng Tư vấn tâm lý học đường của ĐH FPT đã chính thức đi vào hoạt động. Lễ khai trương ấm cúng được tổ chức với sự tham gia của cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường đánh dấu sự ra đời của một điểm đến đặc biệt, góp phần hoàn thiện môi trường giáo dục toàn diện của ĐH FPT.
Chính thức đi vào hoạt động, phòng tư vấn tâm lý của ĐH FPT mang tên “Cóc Kể” với mục tiêu mang đến sự thân thiện, gần gũi và tin cậy để sinh viên sẵn sàng đến, chia sẻ câu chuyện của mình và nhận được sự giúp đỡ.
Chức năng của phòng tư vấn là hỗ trợ sinh viên vượt qua các khó khăn trong tâm lý liên quan đến cuộc sống học đường, thực hành và phát triển kỹ năng học tập, thực hành và phát triển kỹ năng mềm. Từ đó, bản thân mỗi sinh viên có thể khai thác tiềm năng của mình để cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần nhằm hỗ trợ tối đa cho quá trình học tập và sống độc lập.
Hoạt động tư vấn tâm lý cá nhân, nhóm sinh viên sẽ được thực hiện theo quy trình hỗ trợ, tư vấn tâm lý chuyên nghiệp và bài bản. Từ bước tiếp nhận vấn đề và đặt lịch tư vấn, đến thiết lập mối quan hệ với thân chủ và đánh giá sơ bộ vấn đề, rồi triển khai hỗ trợ, tư vấn đến đánh giá kết quả, kết thúc qúa trình… Tất cả đều được thực hiện bằng phương pháp khoa học bởi cán bộ được đào tạo chuyên môn về tâm lý học đường.
Chị Trịnh Thị Mai phụ trách phòng Tư vấn tâm lý học đường ĐH FPT chia sẻ: “Ý tưởng xây dựng phòng tư vấn cho sinh viên đã có từ lâu, xuất phát từ mong muốn giúp đỡ các em vượt qua những vấn đề về tâm lý. Thực tế thì cuộc sống ở Hòa Lạc đôi khi khá cô đơn, các em sinh viên lại ở trong giai đoạn dễ gặp những vấn đề tình cảm, tình yêu mà không nói được với ai. Nhiều sinh viên sa sút về học tập, thậm chí bỏ học, được thầy cô giáo, cán bộ các phòng ban cố gắng hỗ trợ nhưng không cải thiện được vì nguyên nhân nằm ở vấn đề tâm lý, cần cán bộ có chuyên môn, kỹ năng tâm lý mới giải quyết được.“
Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, chi Mai cho biết: “Ngoài các chương trình tư vấn cá nhân, nhóm sinh viên, phòng Tư vấn tâm lý cũng sẽ triển khai kế hoạch dự phòng về tâm lý trên diện rộng thông qua các hoạt động tập huấn, tuyên truyền thay đổi nhận thức, để những vấn đề được giải quyết ngay khi có dấu hiệu đầu tiên.“
Hiện tại phòng có 3 cán bộ phụ trách với thời gian làm việc buổi sáng từ 8h15 đến 12h00, buổi chiều từ 13h00 đến 17h15 và đã sẵn sàng tiếp đón các bạn sinh viên, cán bộ giảng viên ĐH FPT cũng có thể tới thăm quan và tìm hiểu hoạt động của phòng.
Quang Huy/FE