Điểm danh những điều “kỳ quặc” chỉ có ở Đại học FPT

ĐH FPT vẫn nổi tiếng là ngôi trường mang đậm bản sắc riêng từ văn hóa, con người đến cả những điều… “kỳ quặc” chẳng giống ai. Thế mà, bất cứ ai đã về, đã tới với ngôi trường ấy, dù chỉ một lần, cũng đều thừa nhận rằng điều khiến họ nhớ nhung và tự hào nhất về ngôi trường ba chữ lại chính là những điều “kỳ quặc” này.

Có lẽ chẳng có ngôi trường nào lại ra hẳn một văn bản có dấu mộc đỏ quy định về việc… vặt xoài trong trường. Những điều cấm cũng hết sức “trời ơi đất hỡi” như:

  • Nghiêm cấm vặt xoài khi còn non, trọng lượng dưới 200g/quả
  • Cấm vặt nhiều xoài mà không ăn hết. Mỗi lần vặt phải dưới 3 quả/ 1 người/ 1 ngày
  • Tuyệt đối không dùng xoài để mua bán, biếu tặng

Đúng là một ngôi trường “kỳ lạ”.

Nếu ở các trường khác, WC của giảng viên và sinh viên sẽ là 2 khu vực riêng biệt. Và tất nhiên, khu WC cho giảng viên luôn thơm tho, sạch sẽ hơn vì nhận được nhiều “ưu tiên”.

Thế nhưng ở FPTU, sự “ưu tiên” (có vẻ) “bình thường” này lại chẳng hề xuất hiện. Cả giảng viên và sinh viên đều dùng chung khu vực WC và dĩ nhiên, chúng luôn sạch sẽ vì được lau chùi kỹ càng mỗi ngày.

Sinh viên FPTU vẫn có một câu nói quen thuộc: “Em ăn “cú lừa” nó quen rồi”. Đơn giản vì vào đây toàn thấy “bị ngã” với “bị lừa” thôi. Và “cú lừa” đầu đời chính là câu nói “Cứ vào trường là được phát gấu”.

Tiếp nối những hình thức thưởng phạt “khác người” tại FPTU chính là quy định sinh viên không được phép tặng quà thầy cô quá… 100.000 VNĐ. Tuy nhiên, Nhà trường không cấm điều ngược lại, tức là thầy cô có thể tặng quà sinh viên bao nhiêu tùy thích.

Và tất nhiên, thầy cô của ngôi trường bá đạo này cũng phải là người rất bá đạo rồi. FPTU luôn tự hào vì “sở hữu” thầy Hiệu trưởng lúc nào cũng thương sinh viên bằng cách… phát biểu siêu ngắn trong tất cả các buổi lễ.

FPTU tự hào có đến 5 campus trải khắp các miền Tổ quốc. Và ở mỗi campus, sinh viên lại đặt một tên gọi khác nhau: FPTU Hà Nội tọa lạc ở Hòa Lạc nên gọi tắt là Holaland, FPTU Cần Thơ ở gần cầu Rau Răm nên được gọi với cái tên khá “ẩm thực” là Hovilo (Hột vịt lộn), FPTU TP.HCM là Sago (Sài Gòn) và FPTU Đà Nẵng là FUDA. Mới đây, FPTU đón thêm “em út” là FPTU Quy Nhơn, hãy cùng chờ đợi xem, với óc sáng tạo của mình, sinh viên FPTU sẽ nghĩ ra những cái tên thú vị nào nữa nhé.

Văn hóa STCo vẫn luôn là bản sắc của người FPT nói chung và FPTU nói riêng. Những bản nhạc chế đậm chất người F: vừa tinh nghịch, hài hước, dễ thương lại có chút tưng tửng, bất cần và thường đề cập đến các vấn đề vô cùng nhức nhối của xã hội như… chờ sếp tăng lương, phát thưởng…

Nếu đã là một người FPTU, thì dù có “mù âm nhạc”, chắc chắn bạn cũng phải một lần “được” sếp “dí” cho mấy task ngồi sáng tác STCo đấy.

Và ở FPTU còn 1001 những trải nghiệm “kỳ quặc” khác nữa mà sinh viên, cán bộ, giảng viên nơi đây vẫn làm mỗi ngày: Lên núi hái chè, chạy sự kiện quanh năm, dành cả tháng đi học quân sự…

Chính những trải nghiệm “khác lạ” ấy đã làm nên những con người FPTU luôn nghĩ khác, làm khác, giàu trải nghiệm đời sống và không hề nao núng dù thành công hay thất bại.

Và nếu bạn cũng có những trải nghiệm thú vị “chẳng giống ai” tại FPTU, đừng quên chia sẻ với Vạn dặm FPTU – Cuộc thi viết nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến chào mừng 15 năm ngày thành lập Trường.

Hãy cùng Vạn dặm FPTU thu vén những câu chuyện và khắc họa lại ký ức 15 năm qua của ĐH FPT.

Theo FPT Edu