Trường Đại học FPT

Điểm danh những dự án khởi nghiệp “đình đám” của cựu SV trường Đại học FPT

Tại Đại học FPT, sinh viên được khơi dậy tinh thần khởi nghiệp từ rất sớm và định hướng để chuyển hóa một cách hiệu quả ý tưởng sáng tạo của mình thành một startup. Đó là lý do rất nhiều sinh viên tốt nghiệp sẵn sàng từ bỏ cơ hội việc làm ngàn đô để lựa chọn khởi nghiệp và đạt được thành công như hôm nay. Cùng điểm qua 1 số start-up nổi bật nhé!

  1. Nội dung bài viết

    ColorMe – 19 tuổi khởi nghiệp với số vốn 1 triệu đồng, thu về lợi nhuận khủng.

Từ số vốn ít ỏi – 1 triệu đồng, chàng sinh viên ngành Khoa học máy tính, Đại Học FPT – Nguyễn Việt Hùng khiến nhiều người thán phục trước doanh thu do dự án start-up COLORME của mình mang lại. Đây là một dự án “Giáo dục tự chọn” về thiết kế đồ họa lớn nhất Hà Nội được ra đời vào năm 2015 ngay khi Hùng mới là sinh viên năm 2.

Sau 1 năm triển khai, dự án COLORME đã lọt top 5 đội xuất sắc nhất tại cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai vào năm 2016. Sau 4 năm hoạt động, đến nay, COLOR ME đã trở thành một trong những trung tâm đào tạo có lượng học viên ổn định và quy mô tại Hà Nội. Mỗi tháng COLORME có khoảng 800 học viên trên toàn quốc, có 70 nhân sự ở cả 2 miền Bắc (Hà Nội, Hải Phòng), Nam (Thành phố Hồ Chí Minh). Có 5 chi nhánh trên toàn quốc và 12 môn học. Sau gần 4 năm thành lập, COLORME đã phục vụ được hơn 25 nghìn học viên.

Việt Hùng chia sẻ: “Cho đến nay, quyết định lựa chọn Đại học FPT theo Hùng là hoàn toàn đúng đắn, một quãng thời gian Đại học tuyệt vời. Những điều ĐH FPT mang lại, thực sự là nguồn động lực vô cùng to lớn. Và để có được thành công hôm nay, một phần cũng góp phần từ những người thầy, người cô tại Đại học FPT. Thầy cô là những người luôn ủng hộ và tin tưởng vào mình. Thầy cô không chỉ giỏi về chuyên môn, họ đã và đang có những mảng kinh doanh riêng, và Hùng luôn cảm thấy rất may mắn được theo học.”

 

  1. TopCV – Start up được nhận vốn “khủng” 6 chữ số từ quỹ đầu tư Hàn Quốc

Được thành lập bởi CEO sinh năm 1992 Trần Trung Hiếu, TopCV là nền tảng hỗ trợ người dùng tạo CV online đơn giản, nhanh chóng. TopCV thiết kế sẵn các mẫu CV có thể thu dữ liệu như dạng form điền, cho phép ứng viên lưu và cập nhật thông tin cũng như tải về để ứng tuyển được nhiều nơi. Đây cũng chính là đồ án tốt nghiệp của chàng sinh viên tài năng này!

Năm 2019, Startup tuyển dụng TopCv được nhận vốn “khủng” 6 chữ số từ quỹ đầu tư Hàn Quốc Nextrans (dao động từ 100 nghìn USD đến dưới 1 triệu USD.) Hiện nay, TopCV đã có 2,3 triệu người dùng và 65.000 nhà tuyển dụng, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như FPT, Viettel, Samsung, Vingroup,….

  1. KidiCode – Nữ 9X bỏ việc lương gần 2.000 USD để mở 5 trường dạy lập trình

KidiCode là dự án khởi nghiệp của Bạn Phương Nga, cựu sinh viên ngành lập trình trường Đại học FPT. Đó cũng là thời điểm Phương Nga chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Cô gái trẻ đứng trước 2 lựa chọn: làm việc cho một doanh nghiệp tại Nhật Bản với mức lương khoảng hơn 40 triệu đồng/tháng hoặc tiếp tục theo đuổi nghiệp gõ đầu trẻ với lớp học lập trình.

Ấn tượng ban đầu của phụ huynh và học sinh về KiddiCode thường là môi trường trẻ, năng động, vừa học vừa thực hành phù hợp với tâm lý trẻ nhỏ. 60% học sinh tiếp tục học lên khóa trên sau khi kết thúc khóa học đầu tiên tại KiddiCode. Nhiều học viên KiddiCode đã đạt được giải cao trong các cuộc thi tin học trẻ cấp quận, thành phố… Đến nay, trung tâm đã có 5 cơ sở đào tạo tại các quận nội thành Hà Nội.

  1. APPA N1 – 6 năm ấp ủ dự án khởi nghiệp với nông nghiệp thông minh

Tốt nghiệp ngành Lập trình của trường Đại học FPT năm 2009, Anh Phạm Hữu Việt đã ấp ủ dự  án khởi nghiệp về nông nghiệp thông mình suốt nhiều năm. Đến năm 2012, Việt quyết định bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm. Năm 2016 anh đưa sản phẩm ra chạy thử nghiệm và đến năm 2018 sản phẩm chính thức được đưa ra thị trường ứng dụng vào thực tế.

Với Hệ thống nông nghiệp thông minh APPA – N1, người trồng cây dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể chăm sóc được trang trại của mình, vừa giảm công lao động vừa mang lại hiệu quả cao.

Anh cũng từng lọt Top 10 cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia – Techfest Việt Nam 2018. Thành quả đổi lại sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu là sản phẩm dù mới đưa ra thị trường nhưng đến nay đã xây dựng được gần 20 đại lý phân phối ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

  1. Be the best English – Biến nỗi sợ tiếng Anh thành động lực khởi nghiệp.

Đó là dự án của anh Trần Nguyễn Phước, cựu sinh viên Quản Trị Kinh Doanh của trường Đại học FPT. Be The Best English là một mô hình học tập Talker/Walker và các dịch vụ liên quan đến Tiếng Anh như dịch thuật, huấn luyện cá nhân và chăm sóc lắng nghe.

Mới thành lập năm 2019, bằng chất lượng và những trải nghiệm tốt của sản phẩm, Be the best English đã tạo được niềm tin đối với những công ty trong và ngoài nước như CACDEMODE và DECOX và Đại học FPT.

Nguyễn Phước chia sẻ: “Tiếng Anh từng là nỗi lo lắng rất lớn khi bước chân vào Đại học FPT, nhưng đó cũng là động lực để mình vượt qua. Và giờ đây, tiếng Anh là tâm huyết và là sự nghiệp của mình.”

Thầy Trần Ngọc Tuấn, Phó Hiệu Trưởng trường Đại học FPT cho biết: “Trong cương lĩnh của trường Đại học FPT năm 2006 đã định hướng khởi nghiệp. Mục đích của khởi nghiệp không chỉ tạo ra doanh nghiệp mà còn tạo ra giá trị cho xã hội”.

Yến Linh (tổng hợp)

Exit mobile version