Phi thuyền “Career Spaceship” – dự án hướng ngành, hướng nghề cực khủng với quy mô toàn cầu do Ban Công tác học đường – Tổ chức giáo dục FPT tổ chức. Sự kiện diễn ra song song bằng cả hai hình thức livestream tại fanpage FPT Edu Experience Space và offline tại Hội trường A trường Đại học FPT TP.HCM. Career Spaceship đã thu hút được sự quan tâm và tham gia đông đảo của phụ huynh và học sinh, sinh viên Tổ chức giáo dục FPT.
Với quy mô cực khủng, Career Spaceship sẽ đưa học sinh, sinh viên Tổ chức giáo dục FPT du hành tại 4 panels toàn cảnh về 4 khối ngành, 10+ sessions gặp gỡ doanh nghiệp toàn cầu, 20+ sessions trao đổi chuyên ngành và FES-Webinar: Lựa chọn cho tương lai dành riêng cho phụ huynh và học sinh khối phổ thông.
Tại ngày đầu tiên của sự kiện, học sinh, sinh viên đã có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ và trao đổi cùng các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp với 4 panels toàn cảnh về 4 khối ngành: Kinh tế, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ và Thiết kế mỹ thuật số. Mở đầu cuộc du hành, phi thuyền “Career Spaceship” đã đáp tại panel đầu tiên – khối ngành Kinh tế với sự góp mặt của hai diễn giả khách mời vô cùng đặc biệt là chị Phạm Thị Ngọc Thủy (Giám đốc văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân) và anh Trần Trung Hiếu (CEO TopCV – nền tảng tạo CV số một tại Việt Nam).
Bắt đầu cho những câu chuyện kinh tế, chị Phạm Thị Ngọc Thủy với nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng như trong lĩnh vực kinh tế nói chung, chị đã chia sẻ một cách tổng quan nhất về sự vận động của nền kinh tế hiện tại và xu thế trong tương lai, thông tin về các ngành nghề với những số liệu mới nhất được trình bày một cách cụ thể, chỉ ra những thiếu sót và định hướng những hành trang mà sinh viên cần phải có để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của nhà tuyển dụng khi bước vào môi trường doanh nghiệp và đưa ra các bài toán nhân sự của các doanh nghiệp đã – đang đối mặt.
“Các bạn không chỉ thiếu đi những kỹ năng của thực tiễn mà còn thiếu đi một cái gọi là tư duy tổng thể. Và muốn có được một tư duy tổng thể trước khi mình bắt đầu lựa chọn một cái gì hay tham gia bất cứ một công việc nào thì những thông tin tổng quan về bối cảnh cũng như môi trường mà chúng ta đang sắp tiếp cận, sắp tham gia là rất cần thiết. Chúng tôi mong các bạn trang bị cho mình một cách chủ động thay vì chúng ta cứ chọn vào một công việc trong doanh nghiệp và cứ lao theo công việc đó.” – chị Thủy chia sẻ về những thiếu sót mà các bạn sinh viên mới ra trường hay gặp phải trên cương vị là một nhà tuyển dụng.
Tiếp nối những câu chuyện kinh tế, để giúp cho học sinh, sinh viên có những góc nhìn đa chiều hơn, anh Trần Trung Hiếu (CEO TopCV và là cựu sinh viên K6 của Đại học FPT khối ngành Công nghệ thông tin) đã chia sẻ những câu chuyện gần gũi, thực tế và những điều sinh viên cần trải qua trong quá trình đi học, thực tập để lựa chọn nghề nghiệp cho phù hợp. Với bức tranh gần hơn liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân dựa trên những cuộc khảo sát và phân tích của TopCV, anh Hiếu đã chỉ ra những xu hướng tuyển dụng, những công việc mà thị trường cần, những xu hướng về chuyển đổi số, làm việc từ xa và cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp một cách cụ thể nhất.
Trước khi kết thúc panel đầu tiên là phần Q&A giữa các diễn giả và các bạn sinh viên đang theo dõi trực tiếp cũng như theo dõi livestream. Những câu hỏi hay, những khúc mắt cũng và nỗi băn khoăn về sự lựa chọn ngành nghề, vị trí làm việc của các bạn sinh viên học các ngành khác nhau đặt ra được giải đáp tận tình từ chị Thủy và anh Hiếu. Qua phần Q&A, hẳn các bạn sinh viên đã định hướng được những bước đi kế tiếp của mình.
Với một lĩnh không bao giờ là hết hot, những câu chuyện về kinh tế luôn được các bạn học sinh, sinh viên dù theo học những ngành khác nhau đều rất cần đến những thông tin liên quan đến nền kinh tế, xu hướng nghề nghiệp hiện tại và tương lai. Panels 1: Bức tranh tổng quan nền kinh tế, xu hướng ngành nghề và chân dung người lao động toàn cầu đã mang đến cho sinh viên những góc nhìn thực tế nhất từ tổng quan đến cụ thể của nền kinh tế và doanh nghiệp. Qua đó, học sinh, sinh viên Tổ chức giáo dục FPT có thể trang bị tốt cho mình những hành trang sẵn sàng đáp ứng cho sự nghiệp toàn cầu.
Yến Nhi