Doanh nghiệp cần gì ở sinh viên thực tập?

Đó là thắc mắc của một bạn sinh viên K11 ngành Kỹ thuật Phần mềm trường Đại học FPT trong chương trình Đối thoại cùng doanh nghiệp về kỳ thực tập On the Job Training – OJT.

Chương trình mang đến cho sinh viên cơ hội giao lưu cùng doanh nghiệp và chuẩn bị những hành trang cần thiết trước kỳ học thú vị này.

Nhiều đại diện doanh nghiệp đến tham dự buổi đối thoại

“Hãy xem doanh nghiệp như một cô gái”

Ngay từ đầu chương trình, thầy Thân Văn Sử – Trưởng ban Đào tạo trường Đại học FPT khẳng định kỳ thực tập On the Job Training (OJT) là quãng thời gian thú vị và quan trọng. Đây là cơ hội cũng là thách thức để mỗi sinh viên khám phá bản thân, điểm mạnh, điểm yếu. Sau đó, năm 4, sinh viên trở lại trường học để bổ sung những kiến thức và kỹ năng còn thiếu.

Thầy dí dỏm kể lại câu chuyện về một lần đến thăm sinh viên thực tập tại Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software Hồ Chí Minh): “Hơn 8h sáng, một sinh viên chạy vội vã đến công ty, tôi bảo vào xin lỗi người hướng dẫn của mình ngay. Tại sao đi học có thể đến lớp 7h mà đi làm lại đến sau 8h. Tôi vẫn biết mỗi công ty sẽ có một thời gian làm việc khác nhau nhưng khi người ta đưa ra quy định là 8h thì nên đến sớm. Đi sớm sẽ thể hiện sự tôn trọng của bản thân với người hướng dẫn, với sự kiện đang diễn ra và công việc hiện tại. Và sự nghiêm túc với doanh nghiệp mình đang gắn bó. Tất nhiên, đây chỉ là một biểu hiện rất nhỏ”.

Doanh nghiệp cần rất nhiều ở sinh viên thực tập, sinh viên cũng sẽ học được rất nhiều ở doanh nghiệp. Tuy nhiên, mọi kết quả đều bắt đầu từ những hành động rất nhỏ. Qua những điều rất nhỏ sẽ học được, làm được những cái rất lớn. Hãy xem doanh nghiệp như một cô gái, lần đầu tiên vội vàng chạm tay bị từ chối nhưng đến cô thứ 2, thứ 3 chắc chắn sẽ tán tỉnh thành công. Đi OJT là đi học, học với thái độ chân thành, nghiêm túc và khiêm tốn. Khi đó, người hướng dẫn thực tập sẵn sàng chỉ cho bạn rất nhiều thứ, doanh nghiệp sẽ mang lại rất nhiều cơ hội – thầy Thân Văn Sử nhấn mạnh.

Vừa khám phá, vừa chinh phục

Tại buổi đối thoại, Võ Đông Tuấn Đạt – CEO Công ty TNHH Kins Solution, đồng thời là cựu sinh viên khoá 4 FPTU chia sẻ: “Bên cạnh điểm số môn học, trình độ tiếng Anh, nhiều công ty phỏng vấn trực tiếp sinh viên thực tập”. Sinh viên tìm đến doanh nghiệp với mong muốn tìm một cơ hội việc làm phù hợp. Doanh nghiệp tìm đến sinh viên với mong muốn tìm những ứng viên phù hợp. Đó là lý do mà các bài kiểm tra đầu vào hay khoảng thời gian thực tập, thử việc là cần thiết cho cả đôi bên.

 Võ Đông Tuấn Đạt (cầm mic) – CEO Kins Solutions từng là cựu sinh viên Đại học FPT

Bạn Nguyễn Việt Hùng (K11) có dự định sẽ đăng ký thực tập tại Công ty TNHH Robert Bosch Engineering & Business Solutions Việt Nam nhưng vẫn mong muốn có nhiều chia sẻ để hiểu thêm về FPT Software. Với một đơn vị có đến 4 văn phòng tại Việt Nam và 19 văn phòng đặt tại nước ngoài, môi trường FPT Software có nhiều điểm khác biệt.

Tại Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2017, FPT Software xếp vị trí số 1 và cũng là công ty CNTT duy nhất trong Top 10 của bảng xếp hạng này. Tại FPT Software, đơn vị nhận nhiều sinh viên thực tập của Đại học FPT mỗi năm, sinh viên được làm việc tại các dự án thực tế. Bên cạnh đó, chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối – 10K BrSE sẽ mở ra cơ hội cho nhiều sinh viên tiếp tục theo đuổi đam mê công nghệ thông tin ở đất nước mặt trời mọc.

Bạn Lê Văn Thông (K10) chia sẻ về mong muốn tại kỳ thực tập OJT

Nhiều sinh viên thắc mắc về văn hóa doanh nghiệp. Chia sẻ về đơn vị của mình, anh Đạt, từng là sinh viên của trường Đại học FPT TP.HCM cho biết một điểm riêng ở Kins Solutions: “Với đối tác khách hàng chủ yếu về tại Mỹ và Singapore, kỹ năng giao tiếp Tiếng Anh là vô cùng quan trọng. Lúc 8h-10h, giảng viên của công ty mời về sẽ giảng dạy. Vào ngày thứ 3 và thứ 5 mỗi tuần, toàn bộ nhân viên sẽ bắt buộc sử dụng tiếng Anh hoàn toàn. Từ đó, nâng kỹ năng ngoại ngữ”.

Đại diện Công ty Cổ phần Splus Software khẳng định vào làm việc sẽ cảm nhận được môi trường. Là một trong những công ty về phần mềm có tiếng, trụ sở đặt tại một trong những tòa nhà lớn ở trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, Splus Software còn có trụ sở ở Nhật Bản. Không chỉ được học hỏi được về chuyên môn, kỹ năng, sinh viên thực tập còn có cơ hội nhận lương của một nhân viên chính thức.

Tại buổi đối thoại, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã giúp nhiều sinh viên hình dung rõ những công việc cụ thể, thái độ làm việc trong những tháng thực tập. Họ khẳng định doanh nghiệp sẵn sàng giữ lại sinh viên sau kỳ học này, tương lai của sinh viên rộng mở nếu có sự đóng góp tích cực và năng lực vượt trội.

Hana