Doanh nhân bước lên bục giảng: Tự trẻ hóa để gần gũi sinh viên

Mặc dù bận rộn trong vai trò quản lý ở các công ty, nhiều doanh nhân vẫn dành thời gian lên giảng đường vì niềm đam mê và khát vọng truyền đạt những kiến thức từ trải nghiệm của mình.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải – giảng viên môn Quản trị kinh doanh Đại học FPT (Giám đốc phát triển tại Việt Nam của Công ty Eduworld Consulting, chuyên về tư vấn dịch vụ giáo dục) là một trong những doanh nhân như thế.

thayhaimoi_WSSM

Thạc sĩ Nguyễn Minh Hải, giảng viên môn Quản trị kinh doanh ĐH FPT.

Giảng viên cần năng lực và động lực

Thạc sĩ Hải cho rằng trong giảng dạy ở ĐH, có 2 yếu tố quan trọng mà giảng viên cần đó là năng lực và động lực. Năng lực của giảng viên không chỉ là kiến thức chuyên môn mà còn là sự tích hợp kiến thức thực tế và khả năng tiếp cận sinh viên. Và để thu hút được sinh viên, giảng viên phải tự “trẻ hóa bản thân” mình, để tạo khoảng cách gần gũi giữa thầy và trò, từ đó các em sẽ học tốt khi tìm được niềm vui trong học tập.

Yếu tố thứ 2 chính là động lực. “Cái này xuất phát từ niềm đam mê giáo dục và niềm tin của tôi. Tôi tin những gì mình đang chia sẻ sẽ giúp thế hệ trẻ trưởng thành hơn, thành công hơn những người thầy của chúng”, thạc sĩ Hải chia sẻ.

Từng trải qua nhiều công việc tại các công ty, dự án quốc tế, anh Hải nhận thấy mình yêu nghề giáo và quyết định dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức thực tế đến với giới trẻ. Trước mỗi bài giảng, anh luôn “thiết kế” giáo án trước theo cách riêng của mình.

Bài giảng phải gắn lý thuyết với thực tế

Thạc sĩ Hải tâm sự rằng anh rất thích câu nói của Benjamin Franklin: “Nếu bạn thất bại trong việc chuẩn bị là bạn đang chuẩn bị để thất bại”, nên việc chuẩn bị bài giảng, với anh Hải được xem là yếu tố then chốt để tạo thành công cho mỗi bài giảng, mỗi môn học. “Chuẩn bị để làm sinh động lý thuyết gắn với thực tế. Một bài giảng thành công và hấp dẫn phải vượt qua được khuôn khổ của giáo án, phải gắn được lý thuyết với thực tế”, anh Hải nhận định.

Anh Hải cho biết kinh nghiệm thực tế là một lợi thế của những người làm doanh nghiệp khi giảng bài trước sinh viên. Riêng trong môn quản trị kinh doanh, thầy thường cho sinh viên làm dự án nhóm, yêu cầu là các em cần phải triển khai marketing và bán một sản phẩm hay dịch vụ gì đó. Đây là bài tập nhóm, các em sẽ được chấm điểm, nhưng không chỉ có thế, các nhóm đều đặt thêm mục tiêu ngoài điểm cao là phải có lợi nhuận. Các em có 4 tuần để triển khai một dự án kinh doanh thực tế từ việc lên ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch, tổ chức triển khai, giám sát. Cuối khóa học các nhóm trình bày kết quả với những bài học thực tế đầy cảm xúc gồm cả thành công và thất bại.

“Tôi tin, những trải nghiệm thực tế sẽ giúp các em trưởng thành và biết đâu đây chính là sự khởi đầu cho những dự án kinh doanh lớn sau này”, anh Hải chia sẻ.