Độc đáo tranh ký họa của sinh viên ĐH FPT TP. HCM

Đất sét, phấn màu, bút xóa, bột nghệ… là những chất liệu độc đáo mà sinh viên sử dụng trong các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm tranh ký họa tại trường Đại học FPT TP.HCM.

Tác phẩm tham dự triển lãm cũng là bài thi cuối kỳ môn Ký họa của sinh viên ngành Thiết kế đồ họa khóa 11.

Triển lãm tranh Ký họa diễn ra ngày 20.7 tại Đại học FPT TP. HCM

Những tác phẩm trong 15 phút

Ký họa là cách vẽ nhanh đối tượng bằng những đường nét giản lược. Điều khó nhất của thể loại này là trong thời gian ngắn, những nét vẽ đơn giản phải toát lên đặc trưng, “cái hồn” của bức tranh.

Đi nhiều nơi tìm cảm hứng, Nguyễn Thanh Tâm – sinh viên ngành Thiết kế đồ họa chăm chú quan sát từng cảnh vật và bắt tay thực hiện tác phẩm của mình: “Môn Ký họa giúp mình tăng khả năng quan sát và thỏa sức sáng tạo. Những thứ xung quanh chúng ta đều rất đặc biệt nếu biết nhìn ngắm và cảm nhận”. Trong triển lãm tranh ký họa cuối kỳ, Tâm có hơn 10 tác phẩm trưng bày, mỗi tác phẩm được vẽ trong khoảng 15 phút.

Loạt 30 bức tranh Ký họa âm bản bắt mắt được vẽ bằng bút xóa trên nền giấy đen là tác phẩm của bạn Lê Hoàng Kiệt (khóa 11). Từ bỏ Đại học Kiến trúc, Kiệt quyết định chọn trường Đại học FPT TP.HCM để phát triển đam mê. Ấp ủ ước mơ thực hiện một bộ phim hoạt hình chiếu rạp, ngành Thiết kế Đồ họa tại một trường đại học chú trọng áp dụng công nghệ trong Mỹ thuật Ứng dụng như Đại học FPT có vẻ  phù hợp với Kiệt hơn cả. Thực hiện các tác phẩm một cách nhanh chóng, Kiệt chia sẻ:“Những kiến trúc ở Sài Gòn đem lại cho mình rất nhiều cảm xúc. Khác với việc diễn tả cảm xúc bằng con chữ hay khung hình, dân đồ họa như mình lại thích thú khi truyền tải qua những nét vẽ. Trong một buổi chiều, mình vẽ xong 10 bức”.

Tác phẩm của sinh viên Vũ Nhi Huyên trong triển lãm

Một ký họa âm bản bằng bút xóa trên nền giấy đen

Thầy Nguyễn Viết Tân – Chủ nhiệm bộ môn Thiết kế đồ họa trường Đại học FPT TP.HCM đánh giá: “Một số tác phẩm của sinh viên thực sự nổi bật. Sinh viên đã biết tạo điểm dừng của ánh mắt giúp người xem cảm thấy ấn tượng. Sự đổ bóng của ánh sáng thể hiện được tư duy sáng tạo của người vẽ. Đó là những tài năng cảm thụ rất có tiềm năng”.

Ký họa, trong cảm nhận phổ thông là vẽ khoảnh khắc, nhanh, ít nét. Ký họa có tác động tích cực tới tư duy thiết kế. Người vẽ có rất ít thời gian để ghi nhớ hình khối, màu sác, ánh sáng và vẽ. Điều này giúp người học có tư duy chọn lọc nhanh nhạy và cảm quan tinh tế trong thiết kế sản phẩm.

Một ký họa âm bản bằng bút xóa trên nền giấy đen

Đa dạng từ chất liệu đến ý tưởng

Triển lãm gây ấn tượng với người xem bởi sự đa dạng trong chất liệu thể hiện. Những bức ký họa chân dung, phong cảnh bằng bột nghệ, đất sét, phấn màu khiến người xem trầm trồ.

Một tác phẩm ký họa bằng phấn màu của sinh viên Nguyễn Thanh Tâm

Một vài tác phẩm được vẽ bằng bột nghệ

Không giới hạn ý tưởng, sinh viên được khuyến khích phát triển tư duy sáng tạo. Tại triển lãm, người xem bắt gặp những vật dụng hàng ngày như: hộp sữa, bình nước, ly cà phê… Qua đôi mắt và nét vẽ của sinh viên, các vật dụng bình thường này đều trở lên lạ lẫm và độc đáo.

Những vật dụng hàng ngày trở nên độc đáo trong các tác phẩm

Tại Đại học FPT TP.HCM, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa được đào tạo ứng dụng công nghệ trong học tập và thiết kế. Tuy nhiên, những môn vẽ tay nền tảng như môn Ký họa vẫn nhận được sự yêu thích của nhiều sinh viên. Lê Khoa (sinh viên khóa 11) cho biết: “Phác thảo đường nét rất quan trọng trong việc hình thành tư duy nhanh và chọn lọc”. Những môn học như Ký họa có tác động rất tích cực tới tư duy thiết kế”.

Triển lãm tranh ký họa là cơ hội để sinh viên trưng bày tác phẩm, lắng nghe nhận xét của người thưởng lãm. Điểm số và nhận xét của người xem là cơ sở để sinh viên được tính điểm. Đối với các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, cái đẹp của sản phẩm phụ thuộc phần lớn vào thị hiếu người nhìn. Đây là một trong những yếu tố cần biết của những chuyên gia Thiết kế đồ họa trong tương lai.

Hana