Ai cũng phải công nhận là học tiếng Nhật rất khó, nhưng Sinh viên Đại học FPT thì đặc biệt may mắn vì được học với cô giáo tâm huyết, tài giỏi và xinh đẹp như thế này thì môn ngoại ngữ ấy tự nhiên lại “dễ nuốt” hơn hẳn.
Hồi Covid-19 năm ấy khi sinh viên chuyển sang học online thì cộng đồng mạng “lãi to” vì phát hiện ra hàng loạt những cô giáo 9x vừa giỏi vừa xinh không chê vào đâu được. Nhiều cô giáo bỗng dưng được cư dân mạng đua nhau truy lùng chỉ sau một tấm ảnh.
Cô Nguyễn Hoàng Anh – giảng viên tiếng Nhật tại trường ĐH FPT (cơ sở Hà Nội) là một trong những cô giáo xinh xắn được cộng đồng mạng tìm kiếm nhiều nhất vào thời gian này.
Cô Hoàng Anh nổi tiếng “bất đắc dĩ” sau bức ảnh dạy học online với dòng chữ “Cô iu cả lớp”. Ảnh này do sinh viên lớp cô chụp lại và nhanh chóng được lan truyền trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.
Tìm hiểu về nữ giảng viên xinh đẹp này của ĐH FPT, cư dân mạng phát hiện ra quá khứ cực “đỉnh”, từng được nhận được nhận học bổng trường ĐH Meiji (Nhật Bản) của cô giáo. Tuy nhiên, ít người biết rằng, cô giáo Hoàng Anh cũng từng có thời “đội sổ” và khá chật vật với việc học tiếng Nhật. Quá trình “biến hình” từ một sinh viên học kém gần nhất lớp đại học, đến khi trở thành một du học sinh xuất sắc nhận được học bổng của của cô giáo trẻ này quả là khiến nhiều người tò mò.
Cô giáo 9x từng là du học sinh, có thời gian sinh sống và học tập tại Tokyo, Nhật Bản.
Khi được hỏi về chuyện đi học ngày xưa, cô Hoàng Anh không ngại nhắc đến thời học kém. Ngược lại, cô còn chia sẻ những cách cực hay mà bản thân đã dùng để học tiếng Nhật hiệu quả.
Trước đây, ở giai đoạn phải “cày” kiến thức cấp tốc để chuẩn bị đi du học, cô giáo 9x đã phải tự học cực kỳ nhiều. “Hồi ấy, mình dành hầu hết thời gian để học kỹ năng nghe và đọc. Học tốt hai kỹ năng này rất có lợi, vì nghe đọc tốt thì cũng học được ngữ pháp và từ vựng một cách rất tự nhiên. Lúc học đọc, mình sẽ đọc to bài lên và cố gắng đọc trôi chảy; còn khi học nghe thì mình hay nhại lại, sao cho nghe thật giống với cách nói của người bản xứ. Cứ thế, trong quá trình học nghe và đọc, kỹ năng nói của mình cũng tiến bộ lên”, cô Hoàng Anh kể lại quá trình tự học.
Nữ giảng viên cho biết, học tiếng Nhật hay bất cứ ngoại ngữ nào cũng vậy, muốn nhanh “lên trình” thì không cách nào tốt bằng học kiên trì và chăm chỉ.
Về mặt ngữ pháp, tiếng Nhật có cách dùng hơi ngược so với nhiều loại ngôn ngữ khác. Thêm vào đó, khi học tiếng Nhật còn được “bonus” học thêm cả chữ Hán nên rất dễ làm người học thấy sợ và chán nản. Vì thế, để học tiếng Nhật một cách bền bỉ, theo cô Hoàng Anh, người học cần phải có mục tiêu và kế hoạch học tập rõ ràng.
Ví dụ, với người chưa biết gì hoặc đã mất gốc, có thể đặt ra mục tiêu sau 6 tháng thi đỗ N4 tiếng Nhật. Từ mục tiêu đó, bắt đầu lên lộ trình học tập cho từng giai đoạn cụ thể: Ba tháng đầu học ngữ pháp, từ vựng và luyện các kỹ năng ở mức cơ bản; hai tháng tiếp theo học lên nâng cao; một tháng cuối thì tập trung vào luyện đề. Càng về sau, càng nên tăng thêm thời gian tự học. Giai đoạn nước rút nên học ít nhất là 14 tiếng/tuần. Đây là cách học giúp sinh viên có thể học “chăm lên”, thay vì dồn sức vào vài buổi học đầu rồi sau đó ngày càng “lười đi”, cô Hoàng Anh tận tình chia sẻ.
Có thể nói, tại Đại học FPT, Giảng viên là một trong những yếu tố hấp dẫn sinh viên. Đội ngũ giảng viên trường F không chỉ có chuyên môn cao, mà còn có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế với nhiều trải nghiệm và bài học sẽ mang đến cho sinh viên những giờ học sinh động và ý nghĩa.
Theo Kênh 14