Gặp gỡ nữ Thủ khoa khối ngành Kinh tế ĐH FPT

Nếu như khối ngành Kỹ thuật nổi bật với thành tích xuất sắc của hầu hết bởi các chàng trai thì bên Kinh tế, các cô nàng FPT cũng không hề kém cạnh. Cùng Cóc Đọc gặp gỡ bạn Nguyễn Thị Yến, cô gái nhỏ sở hữu thành tích “đáng nể” – thủ khoa khối ngành Kinh tế kỳ Summer 2017 và cùng nghe những chia sẻ thú vị của Yến về những năm tháng thanh xuân ở Hòa Lạc.

Chào Yến, không biết điều gì đã đưa bạn đến và gắn bó với ĐH FPT?

Nhanh quá đã bốn năm rồi, vừa mới ngày nào nhập trường mà giờ đã ra trường rồi. Mình cũng không còn nhớ rõ tại sao mình lại tham gia kỳ thi tuyển sinh của trường mình nữa. Mình học ở đây ảnh hưởng nhiều từ quyết định của mẹ. Mẹ thích trường ĐH FPT từ trước, lên thăm trường rồi tham khảo mọi người về chương trình giáo dục, môi trường học còn tìm hiểu cả môi trường sống ở Hoà Lạc rồi quyết định cho mình học.

Mình đi theo quyết định đó, bắt đầu cuộc sống xa nhà và gắn bó 4 năm ở ĐH FPT từ đó. Lúc bắt đầu học tập ở đây thì mình có cái nhìn hoàn toàn khác và cảm thấy muốn gắn bó với trường mình hơn: bạn bè thân thiện, thầy cô gần gũi, môi trường và điều kiện giáo dục tốt và nhất là văn hoá ứng xử của trường tuyệt vời luôn. Mình đã coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Giờ xa trường cứ có cảm giác không quen, nhớ nhớ.

Yến mong muốn được làm việc trong ngành tài chính.

Học FPT có cần chăm không và vì sao, theo Yến?

Theo mình, học ở FPT hay bất cứ đâu đều cần chăm chỉ. Từ trước đến nay quan điểm của mình luôn là “cần cù bù thông minh” mà. Mỗi slot trên lớp chỉ có hạn, cũng lớn rồi nên không phải lúc nào cũng cần thầy cô kè kè bên cạnh, phần lớn là bản thân phải học thêm thêm ở nhà, thế nên sao lại không chăm cho được.

Trước mỗi buổi học, mình cố gắng dành thời gian xem lại bài, tìm hiểu thêm, đọc trước bài có gì khó hiểu thì hỏi giảng viên. À, mình muốn nói là giảng viên là một “nguồn tài nguyên vô tận” đó, các bạn đừng ngần ngại có gì không hiểu hãy tự tin hỏi.

Không phải chăm chỉ là cắm đầu cắm cổ học, bạn cũng nên tham gia các câu lạc bộ các hoạt động của trường nhưng phải biết cân bằng thời gian cho việc học tập nữa.

Tưởng tượng nếu bis môn mình tự tin nhất thì Yến sẽ như thế nào nhỉ?

Mình chưa rơi vào tình huống này bao giờ nên không biết sẽ thế nào nữa. Chỉ có lần,  mình không đạt đủ “target” đã đặt ra cho 1 môn học nên thi cải thiện. Tâm trạng hơi buồn nhưng phải lấy lại tinh thân để vượt qua và làm lại tốt hơn nhiều lần. Vì thế nếu tưởng tưởng mình bis thì sẽ chỉ buồn chút thôi, còn phải lấy tinh thần để làm nó trở nên tốt hơn chứ.

Bạn có thể chia sẻ một số “tip” học tập tốt cho các bạn khối ngành Kinh tế?

Theo mình, học khối ngành kinh tế không khó để đạt được thành tích tốt đâu, chỉ cần:

– Chăm chỉ một chút

– Lắng nghe một chút

– Chịu khó hỏi thầy cô về những bài không hiểu

Bạn có dự định gì cho công việc tương lai của mình chưa?

Thực ra mình đang trong giai đoạn muốn tĩnh lại khoảng 2-3 tháng gì đó. Sau thời gian này, mình đang nghĩ đến công việc trong chuyên ngành của mình về tài chính.

Ngoài lề một chút, hình như Yến vẫn đang “độc thân vui vẻ”, vậy mẫu bạn trai trong mộng của Yến là gì?

(Cười rõ tươi) Có cả câu hỏi này nữa à. Thực ra, mình học kinh tế về tài chính nên hơi bị khô khan. Mình cũng có những nguyên tắc nhất định trong tình yêu, tình bạn, về mẫu người bạn trai cũng thế. Một nguyên tắc của mình là không yêu người cùng cơ quan/cùng trường. Thế nên, trong 4 năm học Đại học, mình không có gấu. Nhưng  tự nhiên nghĩ lại mình thấy tiếc quá. (cười đùa)

Cô nàng có những “tip” học tập khá đơn giản

Cảm ơn bạn Yến đã nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm học tập cũng như về bản thân mình trong những tháng ngày Đại học. Chúc Yến sẽ có được công việc mình yêu thích sau 2-3 tháng “an nhiên” nhé.

Nguyễn Thị Yến là sinh viên ĐH FPT tốt nghiệp trong Lễ tốt nghiệp đợt 3 năm 2017. Sự kiện là dấu mốc trưởng thành của các tân khoa đã được tổ chức trang trọng trong sự chứng kiến của các bậc phụ huynh, các doanh nghiệp và các cán bộ, giảng viên nhà trường. Cùng với Lê Ngọc Hiếu là Thủ khoa khối ngành Kỹ thuật, Nguyễn Thị Yến vinh dự là Thủ khoa khối ngành Kinh tế.

Theo Cóc đọc