Hoà hợp với nhịp sống và khí hậu tại TP.HCM, giảng viên tiếng Nhật ĐH FPT – ông Kazama Kohji – quyết định dừng lại 30 năm làm giảng viên Tiếng Anh tại Nhật Bản để sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam. Điều giữ chân ông không chỉ “vì một lời hứa với ngườii bạn đặc biệt” hay vì ông cảm nhận được mình phù hợp với cuộc sống ở thành phố năng động này, mà còn vì ông Kohji ấp ủ hy vọng được góp phần xây dựng những điều tốt đẹp cho đất nước hình chữ S.
Đến Việt Nam được một năm rưỡi, một phần ba thời gian đó vị giảng viên người Nhật gắn bó với ĐH FPT. Trước khi giảng dạy tại đây, ông Kohji đã là giảng viên của một trường Cao đẳng, đang đứng trước cơ hội làm việc tại 3 ngôi trường khác nhưng ông vẫn chọn FPT.
Ông Kazama Kohji là giảng viên tiếng Nhật tại ĐH FPT.
Sau nửa năm công tác ở ĐH FPT, ông Kohji vẫn giữ nguyên ấn tượng tốt đẹp như ban đầu. Với người thầy đến từ đất nước mặt trời mọc, nếu nói về ĐH FPT chỉ trong một từ thì đó sẽ là: “Free” (tự do). Cán bộ, sinh viên được làm việc và học tập trong một môi trường phóng khoáng nhưng vẫn “học lễ, học văn” đúng với một tổ chức giáo dục.
“Ở đây, tôi được chào đón nồng nhiệt. Tôi không gặp khó khăn gì trong công tác. May mắn tôi có thể nói tiếng Anh nên các cán bộ, giảng viên và cả sinh viên thường hỗ trợ tôi bằng cả hai thứ tiếng này” – ông kể về niềm vui của mình khi cảm nhận được sự thân thiện của ngôi trường mà ông lựa chọn. Chưa thể khẳng định được tương lai, nhưng trước mắt ông dự định rằng: “Tôi không còn trẻ, cũng không còn nhiều thời gian nữa. Có lẽ tôi chỉ làm việc được khoảng 10 năm nữa thôi, nên đây có thể sẽ là nơi làm việc cuối cùng của tôi”.
Trong mắt sinh viên, thầy giáo Kazama Kohji là một giảng viên rất dễ gần. Sau tiết dạy, ông thường đi dạo khắp các góc sinh viên trong trường thay vì quay về phòng giáo viên. Đọc các bảng tin về hoạt động CLB xong, thầy Kohji thường hỏi han sinh viên để hiểu hơn về học trò của mình, và cũng là cách để ông dạy thêm cho sinh viên cả về tiếng Nhật lẫn tiếng Anh.
Sinh viên FPT vốn tiếp thu nhanh lại được học tập trong một môi trường hướng ngoại, trong khi đó giảng viên Kohji luôn ấp ủ hy vọng có thể làm điều gì để đóng góp những giá trị tốt đẹp cho Việt Nam. Có lẽ đó cũng là lý do ông lựa chọn ĐH FPT như lời ông chia sẻ: “Ở đây tôi nghĩ mình có thể tác động một cách tích cực nhất đến sinh viên, từ đó tác động đến sự phát triển sau này của thành phố”. Nói rõ hơn, ông Kohji chia sẻ suy nghĩ về vai trò của nơi mình làm việc: “Tập đoàn FPT và ĐH FPT sẽ đóng vai trò lớn trong việc dẫn dắt sự phát triển của TP.HCM – một trong những thành phố lớn tại Châu Á. Khi là một thành viên của một tập đoàn lớn như thế, mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên cần có ý chí và trái tim mạnh mẽ để làm được điều này”.
Với ông, giới trẻ Việt Nam cũng như Nhật Bản, vẫn sẽ có những điểm tốt và chưa hoàn thiện. Ông dành lời khen cho người trẻ Việt: “Các bạn rất lễ phép, thông minh, hoàn toàn có khả năng để đưa Việt Nam vượt qua Nhật Bản hay các nước phát triển”. Song song đó ông cũng không quên chỉ ra những điều sinh viên FPT cần khắc phục, một trong những điều quan trọng chính là: “Các bạn sinh viên cần đảm bảo về thời gian, đừng bao giờ trễ hẹn”.
Kinh nghiệm 30 năm giảng dạy tại Nhật đã được ông vận dụng khi đến Việt Nam đứng lớp để sinh viên cảm thấy môn ngoại ngữ này “dễ thở” hơn. Lưu Thị Thuý Hằng – sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật nói về người thầy của mình: “Học thầy bản xứ, tụi em được học cách phát âm, cách sử dụng những từ ngữ thông dụng trong giao tiếp chuẩn hơn. Thầy hiền, giọng hay, phát âm tiếng Nhật của thầy rất dễ nghe. Mỗi giờ học với thầy nhẹ nhàng vô cùng”.
Bích Vy/theo FE