Hành trình trở thành kiến trúc sư giải pháp cho Amazon của cựu sinh viên ĐH FPT

Đó là Nguyễn Huỳnh Hoài My, một trong những sinh viên khóa đầu tiên ngành kỹ sư phần mềm, Trường Đại học FPT Đà Nẵng. Cùng tìm hiểu hành trình và quyết tâm trở thành kiến trúc sư giải pháp tại tập đoàn công nghệ quốc tế của cô sinh viên tài năng nhà F nhé.

Sau kỳ thực tập trong năm học thứ 3, My chính thức trở thành lập trình viên toàn thời gian ở Công ty TNHH FPT Software dù chưa tốt nghiệp. Chỉ sau khoảng nửa năm, với kiến thức, kinh nghiệm làm việc với khách hàng nước ngoài và khả năng tiếng Anh của mình, My được cử sang thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ) để tham gia làm việc trực tiếp với khách hàng là Công ty RamQuest (chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm) như một nhân sự của công ty khách hàng.

Lần đầu tiên xa nhà, khoảng thời gian 6 tháng ở Mỹ đã khiến cô kỹ sư 21 tuổi mở rộng tầm nhìn về bản thân và công việc. “Ban đầu, mình nghĩ làm việc ở nước ngoài là một điều xa vời, nhưng khi làm việc với đội ngũ của RamQuest, mình hiểu đôi bên đều là những lập trình viên, đều có những ưu, khuyết điểm, đều đề cao sự hiệu quả trong công việc. Khi làm tốt công việc của mình, giữ tác phong chuyên nghiệp thì mình sẽ dễ dàng hội nhập. Thời gian này, tiếng Anh- đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành của mình cũng được cải thiện nhiều”, My kể.

Nguyễn Huỳnh Hoài My chia sẻ kinh nghiệm với các sinh viên Trường Đại học FPT Đà Nẵng. Ảnh: KHANG NINH

Là kỹ sư phần mềm, My sớm xây dựng định hướng nghề nghiệp của mình là trở thành kiến trúc sư giải pháp. Cô tự học thêm về điện toán đám mây; đến năm 2016, My trở thành một trong số rất ít người Việt Nam đầu tiên nhận được chứng chỉ Amazon Web Service Professional (chứng chỉ đánh giá kiến thức chuyên môn về điện toán đám mây ở mức độ “Chuyên nghiệp” do Amazon cấp), cũng là nữ lập trình viên đầu tiên của FPT Software Đà Nẵng nhận được chứng chỉ này.

Với vai trò kiến trúc sư giải pháp của FPT Software, My bắt đầu lên đường sang Mỹ chinh phục nhiều dự án cho công ty. Kể về một kỷ niệm đáng nhớ trong giai đoạn này, cô nói: “Năm 2017, mình được cử đi làm việc với Công ty DigiKey – một trong năm nhà bán lẻ linh kiện điện tử hàng đầu Bắc Mỹ, trụ sở tại bang Minnesota. Hệ thống giao tiếp nội bộ của DigiKey lúc đó rất lớn nhưng đã khá cũ và quá tải, cần được làm lại toàn bộ trong vòng 6 tháng. Đây là lần đầu tiên FPT Software làm việc với khách hàng này, cùng tham gia đấu thầu còn có một công ty của Mỹ và một công ty của Ấn Độ. Hôm lãnh đạo Công ty DigiKey gặp mặt nhà thầu, họ đưa ra một bài toán chuyển đổi hệ thống để cả ba cùng giải. Nhóm của FPT Software (gồm My và một lập trình viên khác) bèn cặm cụi ngồi làm, cuối cùng đã đưa ra được kết quả nhanh nhất và ấn tượng nhất. Khi có kết quả trúng thầu, tụi mình đã rất vui và bất ngờ bởi ban đầu mình nghĩ rất khó có cơ hội thắng hai công ty của Mỹ và Ấn Độ”. Chiến thắng đó đã mở đường cho thêm nhiều dự án khác giữa FPT Software và DigiKey.

Năm 2018, My vừa làm vừa theo học thạc sĩ chuyên ngành khoa học máy tính tại Học viện Công nghệ Georgia (thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ). Vài tháng trước khi tốt nghiệp, My được Amazon Web Services Việt Nam (thuộc tập đoàn Amazon) mời ứng tuyển vào vị trí kiến trúc sư giải pháp. Thời điểm đó cô đang ở Mỹ nên quá trình phỏng vấn phải chia làm nhiều đợt, kéo dài suốt 2 tháng. My cho biết: “Mình được xem xét hồ sơ; kiểm tra kỹ năng chuyên môn, cách làm việc… Yếu tố quan trọng nhất là nền tảng kiến thức và kỹ năng giao tiếp”. Sau khi trở thành nhân viên chính thức, My tập trung hỗ trợ các công ty nhỏ và các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển hệ thống trên nền tảng Amazon Web Services – nền tảng điện toán đám mây dẫn đầu toàn cầu hiện nay.

My chia sẻ, quá trình làm việc ở FPT Software và ở Amazon Web Services đã giúp cô trải nghiệm sự tiến bộ trong công việc cũng như sự thay đổi bản thân. Tại FPT Software, My nhận ra rằng với kỹ năng, kiến thức và ngoại ngữ, làm việc với khách hàng từ các nước phát triển là điều hoàn toàn có thể. FPT Software giúp My xây dựng những kỹ năng nền móng cho công việc của một kỹ sư phần mềm và kiến trúc sư giải pháp, còn Amazon Web Services giúp cô mở rộng giao tiếp, phát triển bản thân. Khi làm việc ở Amazon Web Services, My có nhiều cơ hội để gặp gỡ các chuyên gia đầu ngành. Nhân sự tại đây dù ở bất kỳ đâu trên thế giới đều công khai thông tin và sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ vậy, My mở rộng được tầm nhìn, hiểu được rằng thế giới công nghệ gần như không giới hạn.

“Thời gian đầu mình khá “choáng” khi một mình phụ trách cả một nhóm lớn các startup. Công ty dành ra 3 tháng đầu để huấn luyện nhân viên mới về văn hóa công ty, cũng như những nguyên tắc như giữ bí mật công ty, quy tắc phát ngôn… Amazon Web Services khuyến khích mỗi người tự đổi mới cách làm như tự thiết kế và tổ chức các sự kiện; có quyền bỏ những cách làm hiện tại để thay bằng cách làm mới”, My kể.

Theo baodanang.vn