Cách mạng công nghệ 4.0 phát triển kéo theo sự xuất hiện của những chú robot thay thế con người làm việc. Trong lĩnh vực Graphic Design, điều này có thực sự xảy ra? Graphic Day diễn ra tại trường Đại học FPT đã phần nào trả lời được câu hỏi trên đồng thời mang lại nhiều kiến thức thú vị cho các bạn trẻ. Ngày hội dành cho sinh viên ĐH FPT ngành thiết kế đồ hoạ đã được tổ chức vào ngày 23/10 vừa qua, tại hội trường toà nhà Innovation, công viên phần mềm Quang Trung, Q.12, TP.HCM.
Định hình phong cách nhà thiết kế
Cá tính của mỗi người nằm ở cách ăn mặc, cách cư xử, cách trò chuyện, cách làm việc… và ở chính sản phẩm của họ làm ra. Đối với một nhà thiết kế, sản phẩm nói lên phong cách. Nhất quán hay đa dạng trong phong cách là điều khiến nhiều bạn trẻ theo học ngành Thiết kế Đồ họa băn khoăn.
Tại buổi nói chuyện về Modern Graphic, anh Phan Vũ Linh – Phó viện trưởng, giảng viên Thiết kế Game tại Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam mang đến chương trình nhiều tác phẩm như: tranh biếm họa, nhân vật truyện tranh, nhân vật game, đồ họa phim chiếu rạp, tranh sơn dầu, sản phẩm quảng cáo cho các thương hiệu Heineken, Number One.
Hoạ sĩ Phan Vũ Linh trò chuyện về Modern Graphic.
Tu nghiệp tại Academy of Art University, San Francisco Mỹ, anh Linh kể về câu chuyện đến với mỹ thuật đầy trắc trở của mình. Đam mê vẽ chuyện tranh, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tranh sơn dầu, anh làm đủ mọi thứ. Anh vẽ tranh sơn dầu, vẽ những bức tranh không theo một dự án nào cả, đôi khi chỉ là những suy nghĩ được diễn tả qua từng nét vẽ. Đối với những người trẻ, thử thách chính là cơ hội để mỗi nhà thiết kế khám phá năng lực.
Thầy Nguyễn Viết Tân – giảng viên ngành Thiết kế đồ họa trường Đại học FPT cũng cho biết: “Bạn có thể học cách hòa sắc của người này, cân bằng sáng của người khác, tham khảo các tác phẩm của họ nhưng không được ăn cắp ý tưởng sáng tạo của người khác”. Thầy chia sẻ, trong phong cách của một nhà thiết kế cần có sự dung hòa giữa những gì học được, nhìn được, nghe được và cảm được.
Tất cả sự sáng tạo trong tác phẩm, sự đa dạng trong phong cách đều bắt nguồn từ những kiến thức nền tảng. Theo đó, hai chuyên gia đều cho rằng để làm được điều đó, sinh viên cần nắm bắt và thành thạo những hình khối cơ bản, cách thức phối màu.
Sáng tạo là không giới hạn
Buổi chia sẻ trở nên thú vị hơn khi nhiều sinh viên đặt các câu hỏi về tương lai ngành nghề. Một bạn sinh viên khóa K13 hỏi: “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đổ bộ, Google và nhiều đơn vị công nghệ cho ra đời những sản phẩm hỗ trợ con người vẽ tranh đẹp hơn, thậm chí những người không chuyên vẫn có thể tạo ra một sản phẩm độc đáo. Vậy sau 3,4 năm nữa, khi ra trường, sinh viên ngành Thiết kế đồ họa có còn được coi trọng và có cơ hội phát huy hay không?”.
Khách mời chương trình giải đáp băn khoăn của sinh viên.
“Điều quan trọng nhất trong một tác phẩm nghệ thuật đó là ý tưởng sáng tạo của người thực hiện. Công nghệ thông tin phát triển hỗ trợ con người trong quá trình thực hiện nhưng không thay thế tư duy sáng tạo. Và người thiết kế không làm thay cho cái máy” – thầy Tân khẳng định. Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cần thẩm mỹ tăng cao đòi hỏi các sản phẩm nghệ thuật có điểm nhấn sáng tạo. Điều mà trường Đại học FPT trang bị không chỉ là kiến thức, kỹ năng bắt kịp công nghệ mà còn cách tư duy của nhà thiết kế. Anh Phan Vũ Linh nhấn mạnh: “Làm những gì mình thích và đừng sợ hãi. Làm thật tốt những gì bản thân thích thì chắc chắn tương lai sẽ đến”.
Tốt nghiệp thủ khoa ngành Thiết kế Đồ họa, đồ án của chị Thiều Phạm Thanh Dung được trưng bày tại sảnh lớn trường Đại học FPT… đồ án là câu chuyện kể về một cô gái cá tính nhưng xã hội và cuộc sống xung quanh khiến cô phải kìm hãm bản thân, cô phải một cuộc sống khác. Bằng monotone, đồ án gửi gắm thông điệp đồng cảm, khơi gợi sự sẻ chia với cộng đồng. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống và quay lại phục vụ cuộc sống.
Thích thú ngắm những bài đồ án đa dạng, bạn Chu Thị Ngọc Bích, sinh viên K13 ngành Thiết kế Đồ họa mong muốn trở thành một họa sĩ thiết kế những game dễ thương, mang tính giải trí cao. Bích vui vẻ: “Một trong những lí do khiến mình chọn ngành Đồ họa vì đó là ngành rộng, đa dạng và không có giới hạn”.
Theo FE