Mỹ thuật ứng dụng là một lĩnh vực rộng lớn. Bất cứ một đồ vật gì ở xung quanh chúng ta đều cần đến bàn tay của người làm Mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay ở VN.
Mỹ thuật ứng dụng là ngành học hướng đến sử dụng kiến thức nghệ thuật chuyên biệt theo hướng thực hành, áp dụng vào sáng tạo nghệ thuật trong ứng dụng nhiều mảng đời sống bao gồm các lĩnh vực thiết kế đồ họa, thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, thiết kế trang trí nội ngoại thất, thiết kế truyền thống, thiết kế thời trang…
Thiết kế đồ họa: tương lai ngọt ngào
Đây là ngành cần lượng nhân lực có kỹ năng cũng như trình độ chuyên môn để sáng tạo trong xu hướng phát triển nhanh của ngành đồ họa.
Thiết kế đồ họa được đánh giá là một trong 10 ngành hot nhất trong thập kỷ tới, và hứa hẹn mang đến những công việc sáng tạo, thú vị, đầy tự do và góp phần tạo ra những trào lưu, xu hướng cho xã hội.
Ngành Thiết kế đồ họa có ứng dụng vô cùng rộng rãi, kéo theo cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho bất cứ ai học ngành này, như thiết kế in ấn, thế kế web, làm đồ họa phim ảnh, đồ họa trên mobile… Nghề này có thể cho thu nhập rất cao phụ thuộc vào năng lực, sức sáng tạo của mỗi người. Đặc biệt, người làm thiết kế đồ họa có thể làm việc ở khắp mọi nơi. Cơ hội làm việc ở nước ngoài, làm việc ở khắp nơi trên thế giới luôn chào đón những người làm trong ngành thiết kế đồ họa. Có thể nói, tương lai ngọt ngào vẫy gọi người trẻ đi theo ngành nghề này.
Theo khảo sát của nhiều trang tuyển dụng hiện nay tại Việt Nam, thu nhập trung bình của một chuyên viên thiết kế đồ họa là từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Thậm chí, khi còn là sinh viên, bạn trẻ đã đủ khả năng nhận các công việc thiết kế tại nhà với mức thù lao khá và tích lũy được kinh nghiệm làm việc thực tế.
Cử nhân ngành Thiết kế đồ họa có thể làm việc ở những vị trí như Họa sĩ thiết kế trong các công ty, các xưởng thiết kế, công ty quảng cáo, marketing, truyền hình, trò chơi (game); Trưởng nhóm thiết kế; Chuyên gia 2D, 3D, hiệu ứng hình ảnh; Giám đốc sáng tạo…
Kiến trúc: hào hoa nhất trong các nghề
Kiến trúc là ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật liên quan đến việc tổ chức sắp xếp không gian, lập hồ sơ thiết kế các công trình kiến trúc.
Công việc của một kiến trúc sư là thiết kế mặt bằng, không gian, hình thức, cấu trúc của một công trình và cung cấp những giải pháp về kiến trúc ở các lĩnh vực xây dựng khác nhau xuất phát từ nhu cầu thực tế về nơi ở, vui chơi, làm việc, đi lại,… của con người.
Một kiến trúc sư thành công là người biết dung hòa hai mảng có vẻ mâu thuẫn trong công việc. Tức vừa sáng tạo, lãng mạn lại vừa phải nắm vững và cập nhật công nghệ, gò mình vào các tính toán khô cứng. Nhưng chính hai mặt tưởng như mâu thuẫn ấy lại tương hỗ nhau, giúp người KTS sáng tạo ra những sản phẩm kiến trúc đạt đến sự cân bằng hoàn hảo.
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực ngành Kiến trúc luôn cao. Giai đoạn 2013-2015 kéo dài đến 2020-2025, Kiến trúc được dự đoán là 1 trong 8 nhóm ngành thu hút nhiều lao động nhất tại TP.HCM, với khoảng 10.800 người/năm. Do đó, học ngành Kiến trúc, sinh viên sẽ không phải lo lắng về vấn đề việc làm với nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Cũng chính vì vậy, ngành Kiến trúc là một trong những ngành được quan tâm lựa chọn hàng đầu hiện nay.
Sau khi tốt nghiệp ngành Kiến trúc, bạn có thể đảm nhận nhiều vai trò vị trí khác nhau như Thiết kế công trình kiến trúc công cộng, dân dụng và công nghiệp; Thiết kế đô thị; Tư vấn, giám sát dự án kiến trúc; Quản lý xây dựng; Bảo tồn, trùng tu các công trình kiến trúc cổ…
Nhưng chọn môi trường học tập nào để ra trường kiếm được việc làm với mức lương hấp dẫn, giỏi ngoại ngữ, sáng tạo, có năng lực dẫn dắt, tham vấn?
Sáng suốt chọn trường học khối ngành Mỹ thuật ứng dụng
Với ưu điểm nổi bật trong phương pháp đào tạo, lợi thế về công nghệ và thuộc doanh nghiệp lớn, Đại học FPT mang đến nhiều hy vọng cho sinh viên theo học Mỹ thuật ứng dụng tại đây.
Với phương thức tổ chức tuyển sinh theo đề thi riêng, đánh giá năng lực thí sinh không phải bằng điểm số 3 môn như truyền thống, Đại học FPT đã luôn khẳng định một lối đi khác biệt trong giáo dục đại học ngay từ đầu vào.
Chương trình ngành Thiết kế đồ họa theo công nghệ số của Đại học FPT đảm bảo đầy đủ quá trình từ hình thành ý tưởng, phác thảo, chỉnh sửa và thực hành tạo ra sản phẩm. Hiện nay, Đại học FPT là một trong số ít trường đưa Computer Graphic vào chương trình học chính thức. Đây là kỹ thuật thiết kế đồ họa tiên tiến nhất trên thế giới chuyên được sử dụng để làm phim, tạo web, làm các ứng dụng cho smartphone, máy tính bảng, games…
Khung chương trình học ngành Kiến trúc của Đại học FPT xây dựng theo tiêu chuẩn đào tạo từ Hiệp hội Kiến trúc Hoàng gia Anh (Royal Institute of British Architects-RIBA). Chương trình thiết kế, điều chỉnh để phù hợp cho sinh viên Việt Nam, thời gian đào tạo chính quy trong 4 năm. Thí sinh không thi vẽ mà được đánh giá năng lực tư duy hình ảnh theo đề thi riêng của Đại học FPT gồm Trắc nghiệm toán, Tư duy logic và khả năng sáng tạo. Đây là cách thức kiểm tra đầu vào ngành Kiến trúc được áp dụng ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.
Yêu cầu đầu vào với sinh viên khối ngành Mỹ thuật ứng dụng
Năm 2017, Đại học FPT tuyển sinh ngành Thiết kế đồ họa, Kiến trúc theo hai hình thức: tham gia kỳ thi tuyển sinh ngày 14/5 hoặc đăng ký xét tuyển. Thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn trong 5 học kỳ liêp tiếp ở THPT từ 21 điểm trở lên (làm tròn đến một chữ số thập phân) hoặc tổng điểm 3 môn đạt từ 21 điểm trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 xét theo tổ hợp môn tương ứng với ngành đăng ký học tại Đại học FPT đủ điều kiện miễn thi kỳ thi tuyển sinh đầu vào của trường có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển vào trường Đại học FPT theo 1 trong 3 cách: Đăng ký xét tuyển trực tuyến trên website của trường; Gửi hồ sơ qua bưu điện; Đăng ký xét tuyển trực tiếp tại văn phòng tuyển sinh. Thời hạn cuối cùng để các thí sinh đăng ký xét tuyển vào Đại học FPT là ngày 11/5/2017. Kết quả xét tuyển sẽ được trường công bố sau ngày 15/5/2017 trên website của trường.
Minh Cúc