Công nghệ thông tin là một trong những ngành liên quan trực tiếp đến cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Chính vì vậy, ngành học này được Chính Phủ đưa vào là một trong hai ngành học đào tạo theo cơ chế đặc thù (Công nghệ thông tin và Du lịch). Thí sinh dự thi, tuyển sinh ĐH năm nay cũng rất quan tâm đến ngành học mang xu hướng thời đại này.
Ban Tư vấn Tuyển sinh, Trường Đại học FPT đã có giải đáp về những thắc mắc liên quan đến ngành Công nghệ thông tin do quý độc giả gửi câu hỏi về cho báo Tiền Phong.
Em muốn hỏi ngành Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, khoa học dữ liệu khác nhau như thế nào? Cơ hội việc làm sau khi ra trường ra sao? (ngocanh19… @gmail.com)
Khoa học Máy tính và Kỹ thuật Máy tính là 2 ngành trong nhóm ngành Công nghệ Thông tin (CNTT). Ngành Khoa học Máy tính học các vấn đề khoa học nền tảng làm cơ sở cho các lĩnh vực CNTTphát triển. Còn ngành Kỹ thuật Máy tính học về thiết bị phần cứng, mạng và truyền thông. Trong nhóm ngành CNTT còn có ngành Kỹ thuật Phần mềm học về phần mềm.
Khoa học dữ liệu là chuyên ngành mới nổi trong những năm gần đây, thường được xem là lĩnh vực hẹp của Khoa học Máy tính gắn liền với Trí tuệ Nhân tạo, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến xử lý dữ liệu lớn.
Nói chung các ngành và chuyên ngành này đều liên quan với nhau. Nếu rất giỏi, say mê nghiện cứu, có tố chất khoa học cơ bản hoặc khoa học ứng dụng, các em có thể chọn học ngành Khoa học Máy tính hoặc chuyên ngành Khoa học dữ liệu. Nếu không rất giỏi, em có thể chọn ngành Kỹ thuật Phần mềm hoặc Kỹ thuật Máy tính. Hoặc đơn giản hơn, em chọn ngành CNTT, và trong quá trình học chọn chuyên ngành hẹp theo các hướng trên cũng được. Xã hội tương lại gắn liền với chuyển đổi số, cho nên cần nhiều chuyên gia về CNTT. Ngoài việc làm trong các doanh nghiệp, tổ chức hiện có, có rất nhiều cơ hội khởi nghiệp để các em tự tạo lập doanh nghiệp, tạo dịch vụ sản phẩm cho xã hội, tự tạo việc làm cho mình và cho bạn bè của mình.
Học công nghệ thông tin có cần phải giỏi toán không? (nguyentrongdat…@gmail.com)
Khi học toán, bên cạnh việc áp dụng các phương pháp, công thức và mô hình toán học, một yếu tố quan trọng nữa phương thức tư duy logic và cách thức đặt vấn đề, giải quyết vấn đề. Đây cũng là tố chất cần thiết của người làm CNTT. Không nhất thiết người làm CNTT phải rất giỏi toán, nhưng toán nói chung cần ở mức khá trở lên, và giỏi về toán sẽ là một lợi thế. Hiện nay đang có xu hướng là nhiều nhà toán học sau hàng chục năm nghiên cứu về toán học giờ chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực CNTT, mang kiến thức và tư duy toán học để giải quyết các vấn đề của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Khi học CNTT, các em sẽ được đào tạo thêm về các lĩnh vực toán ứng dụng cần thiết.
Ngành Công nghệ thông tin và ngành Toán học ứng dụng có liên quan gì đến nhau? (truonggiang…@gmail.com)
Toán học thường được chia làm toán lý thuyết và toán ứng dụng. Toán ứng dụng là việc sử dụng các công cụ toán học xây dựng mô hình, thuật toán để giải quyết các vấn đề thực tếdựa trên CNTT. Đã học toán ứng dụng thì cần phải biết về CNTT, ngược lại khi học về CNTT cũng phải nắm một số lĩnh vực của toán ứng dụng.
Theo Tiền Phong