Chiều 24/6, gần 900.000 thí sinh trên khắp cả nước đến các điểm thi làm thủ tục dự thi THPT Quốc gia năm 2019.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, 14h ngày 24/6, thí sinh có mặt tại các hội đồng thi THPT Quốc gia 2019 nghe phổ biến quy chế, làm thủ tục dự thi và đính chính sai sót thông tin (nếu có). Kỳ thi này, cả nước có gần 38.050 phòng thi; 1.980 điểm thi với 887.104 thí sinh.
Trong đó, có 233.977 thí sinh chỉ đăng ký để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học (chiếm 26,38%); 622.925 thí sinh thi đăng ký để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ (chiếm 70,22%); 30.202 thí sinh chỉ đăng ký để xét tuyển ĐH, CĐ (chiếm 3,04%).
Bên cạnh đó, có 27.066 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp khoa học Tự nhiên và khoa học xã hội.
Tất cả thí sinh dự thi THPT quốc gia phải mang theo chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để đối chiếu khi vào phòng thi.
Tại đây, thí sinh được cán bộ coi thi hướng dẫn kiểm tra lại thông tin cá nhân và chỉnh sửa nếu có sai sót.
Theo kế hoạch, sáng 25/6, các thí sinh sẽ bước vào môn thi đầu tiên – Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút và buổi chiều môn Toán với thời gian làm bài 90 phút. Kỳ thi sẽ kéo dài đến ngày 27/6.
Các địa phương sẵn sàng cho kỳ thi
Tính đến chiều 23/6, các địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Tại Hà Giang, rút kinh nghiệm từ sai phạm năm 2018, năm nay, việc lựa chọn cán bộ được tỉnh lưu tâm đặc biệt. Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, tất cả cán bộ giáo viên mà tham gia làm công tác thi năm 2019 thì đều được thẩm định rất kỹ lưỡng, cẩn trọng theo nhiều vòng.
Để đảm bảo an toàn, năm nay Công an tỉnh Hà Giang đã huy động khoảng 200 cán bộ tham gia các ban của hội đồng thi. Tại các phòng chứa đề thi, bài thi ở 20 điểm thi cũng như điểm in sao đề thi, bảo quản và chấm thi của Sở giáo dục và Đào tạo Hà Giang cũng đã được lắp camera theo đúng hướng dẫn của Quy chế thi.
Hà Giang năm nay có hơn 5.000 thí sinh đăng ký dự thi tại 20 điểm thi, với 224 phòng thi. Tỉnh huy động gần 600 cán bộ, giáo viên địa phương và hơn 300 cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) và Đại học Điện lực làm công tác quản lý, coi thi, giám sát, phục vụ kỳ thi.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hòa Bình, tỉnh huy động 37 trưởng điểm thi, 74 thư ký, 412 cán bộ coi thi, 112 cán bộ giám sát, nhân viên phục vụ là 490 người cho kỳ thi THPT Quốc gia. Năm nay tỉnh có 8.993 thí sinh đăng ký dự thi với 37 điểm thi, 393 phòng thi.
Trong đề nghị giới thiệu nhân sự tham gia thanh tra kỳ thi, Sở GD&ĐT yêu cầu các cán bộ này phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; là cộng tác viên thanh tra có kinh nghiệm thanh tra thi.
Kỳ thi THPT quốc gia 2019, cụm thi số 4 Đà Nẵng có 10.242 thí sinh đăng ký dự thi tại 24 điểm thi. Ngoài 1.075 cán bộ do Sở GD-ĐT chủ trì, kỳ thi THPT năm nay có sự tham gia của ĐH Đà Nẵng và 3 trường ĐH đóng trên địa bàn tham gia công tác thi gồm ĐH Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng, ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng và Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên-Huế với 620 cán bộ.
Quảng Nam có 16.420 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 3.120 em thi tốt nghiệp, 12.920 em vừa thi tốt nghiệp vừa xét tuyển tuyển đại học và 380 thí sinh tự do chỉ xét tuyển đại học. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại đây được tổ chức tại 50 điểm với 712 phòng thi. Tham gia coi thi có 1.400 người đến từ 8 trường đại học. Cán bộ sao in đề thi được cách ly từ 12/6 đến 27/6, khu vực này được bảo vệ nhiều vòng, những người không có nhiệm vụ không được phép ra vào.
Trước thềm kỳ thi THPT Quốc gia 2019, tỉnh Quảng Nam chi 1,3 tỷ đồng hỗ trợ tiền ăn cho hơn 2.000 học sinh dân tộc thiểu số trong quá trình ôn tập. Địa phương cũng di chuyển địa điểm thi cho hơn 200 thí sinh ở Lý Sơn do điều kiện cơ sở vật chất của trường không đảm bảo.
Bộ GD&ĐT có biện pháp gì ngăn ngừa tiêu cực?
Sau bê bối gian lận thi cử năm 2018, năm nay, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ có một số điều chỉnh về kỹ thuật, quy trình để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, an toàn, công bằng, nghiêm túc, phòng ngừa và phát hiện các tiêu cực có thể xảy ra. Một số thay đổi như: ĐH, CĐ phối hợp làm thi theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ thuộc địa phương không làm thi ở địa phương mình; thí sinh tự do, GDTX thi chung với thí sinh là học sinh lớp 12 THPT.
Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức công tác chấm thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì; đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi.
Năm nay, Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi phải đảm bảo nắm vững chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao. Tại nhiều cuộc họp Ban chỉ đạo thi quốc gia và mới đây trong 2 công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng sư phạm tham gia phối hợp làm thi, Bộ trưởng GD&ĐT đều nhấn mạnh lại yêu cầu này.
Song song với đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương, trường đại học phân công nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng cho từng cán bộ tham gia làm thi, có tập huấn chi tiết, để đảm bảo rõ người, rõ việc, nắm chắc quy chế, làm đúng quy trình, không chủ quan dù ở khâu nhỏ nhất.Công tác thanh tra, giám sát năm nay được tăng cường.
Với những Hội đồng thi gặp khó khăn do nhân sự mới ít kinh nghiệm hoặc thiếu nhân sự (không chỉ riêng Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La), Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường đại học tăng cường phối hợp; đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương hỗ trợ tối đa về nhân lực, cơ sở vật chất, đảm bảo trước ngày thi.
Tất cả các khâu của kỳ thi đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, để kỳ thi diễn ra theo đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, không để sai sót ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi.
Theo Kenh14