Triển lãm “Dó Việt” do nhóm sinh viên thực hiện nhằm quảng bá và tôn vinh nghề thủ công truyền thống làm giấy dó, sự kiện thu hút sự quan tâm đông đảo của các bạn sinh viên.
Được biết, đây là dự án thuộc môn học SSG104 – Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm do nhóm “Nắng” gồm các thành viên Trần Trà My (Trưởng BTC), Thân Như Quỳnh, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Vũ Ngọc Linh, Nguyễn Duy Khánh, Nguyễn Thị Ngọc Ly, Nguyễn Thị Hoan và Trịnh Thị Thanh Nga.
Dưới sự hướng dẫn của cô Lê Thuỳ Lân, 8 sinh viên khoá 18 chuyên ngành Digital Marketing Trường Đại học FPT Hà Nội đã tạo nên một không gian triển lãm đầy nghệ thuật, mang nét giao thoa thú vị giữa quá khứ và hiện tại.
Giấy dó là một sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam, là biểu tượng của sự tinh tế và tri thức thế kỉ 18,19. Được sản xuất từ vỏ cây dó, giấy dó không chỉ nổi tiếng với độ bền cao mà còn tạo ấn tượng với vẻ đẹp tự nhiên, mộc mạc. Quá trình sản xuất giấy dó là một nghệ thuật lâu đời, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ năng của những nghệ nhân lành nghề. Từ việc chọn nguyên liệu, ngâm, giã, lọc bột, đến công đoạn phơi khô, mỗi bước đều phản ánh sự khéo léo và tinh thần sáng tạo của người Việt. Được đánh giá là một trong những loại giấy bền nhất trên thế giới có tuổi thọ lên đến 500 – 600 năm, giấy dó đã từng được người Việt rất ưu ái trong đời sống của mình.
Không chỉ được sử dụng trong việc in ấn và viết lách, giấy dó còn được sử dụng làm nhiều sản phẩm thủ công và nghệ thuật khác như vẽ tranh, làm lịch, bìa sách, quạt… giấy dó còn góp mặt trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác như vẽ tranh, làm thiệp, làm đèn lồng, làm bìa sách…
Với khả năng thấm mực tốt và giữ màu lâu, giấy dó đã trở thành lựa chọn ưu việt cho nhiều họa sĩ và nhà thư pháp. Sự mềm mại, nhẹ nhàng nhưng không kém phần bền chắc của giấy dó mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên, đồng thời lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc gãy, ẩm nát.
Để triển lãm thu hút các bạn sinh viên hơn, “Nắng” đã sử dụng những kiến thức được học từ chuyên ngành Digital Marketing Trường F vào khâu truyền thông và tổ chức. Ngay từ khi sự kiện chưa bắt đầu, Vlog “Sắc Dó” của nhóm đã tạo ấn tượng hàng ngàn lượt xem, hàng trăm bình luận. Vlog ghi lại từng giai đoạn chế tác tinh tế của giấy dó, cho người xem khám phá những sản phẩm thủ công độc đáo, đầy sáng tạo và mang đậm ý nghĩa văn hóa từ loại giấy đặc biệt này. Xem Vlog tại đây
Từ Vlog này, nhiều bạn sinh viên đã đến trực tiếp triển lãm để tận mắt chứng kiến những sản phẩm thú vị từ giấy dó. Sự kiện cũng thu hút người tham sự với loạt hoạt động như check-in nhận quà; giới thiệu các loại giấy dó và sản phẩm từ giấy dó như sổ, lịch, quạt, tranh, bông tai; Bán các sản phẩm từ giấy dó và tranh vẽ trên giấy dó;…
Đặt nhiều tâm huyết vào triển lãm, Trần Trà My (Trưởng BTC), sinh viên khoá 18 chuyên ngành Digital Marketing bộc bạch: “Triển lãm ‘Dó Việt’ thực sự là một hành trình đầy cảm xúc và ý nghĩa với em và cả nhóm. Khi bắt đầu dự án, chúng em đã đặt mục tiêu không chỉ quảng bá nghề thủ công truyền thống làm giấy dó mà còn khơi gợi niềm tự hào dân tộc và kết nối thế hệ trẻ với di sản văn hóa này. Khi nhìn thấy ánh mắt tò mò và hào hứng của các bạn sinh viên khám phá quá trình làm giấy dó, chúng em lại càng tin tưởng vào hành trình mình đang thực hiện. Đối với chúng em, ‘Dó Việt’ không chỉ là một triển lãm, mà còn là một không gian gặp gỡ giữa quá khứ và hiện tại, giữa những người yêu nghề và những người yêu văn hóa”.
Người tham dự bày tỏ sự ngạc nhiên và thích thú khi lần đầu được chiêm ngưỡng các sản phẩm thủ công từ loại giấy truyền thống này. Nguyễn Lê Quang Thắng, sinh viên khoá 18, chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số chia sẻ: “Em rất ấn tượng với sự kiện ‘Dó Việt’. Đây là lần đầu tiên em được tận mắt chứng kiến giấy dó truyền thống và hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của nó. Cũng là lần đầu tiên em biết các sản phẩm thủ công làm từ nguyên liệu này lại độc đáo và mang tính ứng dụng cao như vậy. Hy vọng sẽ có thêm nhiều sự kiện như thế này để sinh viên chúng em có cơ hội hiểu hơn và giữ gìn những giá trị quý báu của văn hóa Việt Nam”.
Bên cạnh việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, triển lãm cũng tạo cơ hội kết nối giữa các nghệ nhân và cộng đồng, giúp thế hệ trẻ tiếp cận và trân trọng giá trị của nghề thủ công. Ngoài ra, việc quảng bá rộng rãi các sản phẩm từ giấy dó còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho các làng nghề truyền thống, từ đó cải thiện đời sống của các nghệ nhân.
Bằng việc vận dụng linh hoạt kiến thức giữa chuyên ngành Digital Marketing và bộ môn “Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm”, “Nắng” đã thành công kết nối hàng trăm bạn sinh viên đến với “Dó Việt”. Hy vọng rằng những trải nghiệm thực tế này sẽ giúp các bạn có thêm nhiều hành trang và lợi thế cho con đường sự nghiệp tương lai.
Phương pháp học Project-based learning được áp dụng hiệu quả tại Trường Đại học FPT đã giúp sinh viên phát triển kỹ năng sáng tạo, làm việc nhóm và quản lý dự án. Thông qua việc thực hiện các dự án thực tế, sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn có cơ hội ứng dụng vào thực tiễn, từ đó nâng cao khả năng tự học và giải quyết vấn đề.
Xuân Nguyễn