Trăn trở trước tình trạng trộm cắp xe máy hiện nay, một nhóm sinh viên CNTT đã nghiên cứu và phát triển thành công thiết bị chống trộm tích hợp ứng dụng cảnh báo trên điện thoại di động. Đặc biệt, ứng dụng này còn giúp truy tìm xe bị mất cắp.
“Chỉ vài phút thậm chí vài chục giây, kẻ gian đã có thể bẻ khóa, lấy đi nhiều loại xe máy từ bình dân đến đắt tiền. Đối với người lao động hay sinh viên chúng mình, xe máy là tài sản có giá trị, thật xót xa khi chứng kiến cảnh chủ xe bàng hoàng nhận ra phương tiện của mình đã bị trộm.” – Trần Công Nguyện (SN 1993, sinh viên ĐH FPT) chia sẻ.
Trăn trở trước thực tế đó, Trần Công Nguyện cùng Trần Đức Hạnh (SN 1994, Sinh viên DH FPT) đã nghiên cứu và phát triển thành công bộ thiết bị chống trộm xe máy mang tên Motor Security. Bộ thiết bị gồm phần cứng lắp đặt trực tiếp vào xe tích hợp ứng dụng cảnh báo trên điện thoại di động của người dùng.
Thử nghiệm thực tế với một xe máy thông dụng, thiết bị phần cứng của Motor Security có kích thước nhỏ gọn (75mm x 56mm x 28mm), có thể lắp đặt vào các khoảng trống trong xe (ví dụ như cốp) mà không gây ảnh hưởng đến kết cấu và hoạt động bình thường của phương tiện.
“Sau khi bật chế độ bảo vệ xe, nếu cảm biến trên thiết bị nhận được các tác động ngoại lực như rung, lắc, đập phá… thì sẽ tự động phát ra âm thanh cảnh báo cho chủ xe và những người xung quanh. Âm lượng phát ra ở mức lớn, kéo dài, khiến kẻ gian bất ngờ, sợ hãi, đồng thời đánh động để chủ xe kịp thời xuất hiện giải cứu xe của mình.” Công Nguyện phân tích chức năng phần cứng trong bộ thiết bị Motor Security.
Điểm khiến Motor Security khác biệt so với các loại khóa chống trộm xe máy hiện có trên thị trường nằm ở việc tích hợp thiết bị phần cứng với một ứng dụng cảnh báo trên điện thoại thông minh Android. Ứng dụng này đồng thời có thêm nhiều tiện ích giúp hành trình di chuyển bằng xe máy trở nên an toàn và thuận tiện hơn.
“Ứng dụng kết nối với thiết bị phần cứng qua một sim điện thoại. Mỗi lần muốn bật, tắt chế độ bảo vệ xe, người dùng chỉ cần thao tác trên điện thoại. Ứng dụng sẽ thông qua tin nhắn SMS để truyền tín hiệu từ điện thoại đến phần cứng. Sau khi nhận tín hiệu, phần cứng sẽ thực thi và báo lại trạng thái của phương tiện cho người sử dụng trên điện thoại.” Đức Hạnh cho biết.
Không chỉ có chế độ khóa chống trộm xe, ứng dụng Motor Security còn được phát triển thêm các tính năng như: cảnh báo tốc độ, tìm kiếm xe, định vị vị trí xe, bản đồ, tìm kiếm cây xăng hoặc nhà hàng. Đức Hạnh phân tích: “Bạn có thể tự đặt tốc độ tối đa của xe, nếu lái xe vượt quá tốc độ đó, thiết bị phần cứng sẽ phát ra âm thanh cảnh báo đến người dùng.”
Trong trường hợp người khác sử dụng xe, bạn cũng dễ dàng xác định được vị trí phương tiện nhờ tính năng tìm và định vị vị trí xe. Khả năng định vị xe của thiết bị đạt độ chính xác đến từng mét.” Ngoài ra, việc xem bản đồ hay tìm kiếm địa chỉ cây xăng, nhà hàng ngay trên ứng dụng hỗ trợ người sử dụng khi di chuyển trên quãng đường dài.
Giao tiếp với thiết bị phần cứng qua sim nên một ứng dụng Motor Security trên điện thoại có thể cùng lúc quản lý nhiều phần cứng lắp đặt trên các phương tiện khác nhau. Toàn bộ dữ liệu về hành trình, trạng thái của mỗi xe sẽ được lưu trữ trên ứng dụng. Tính năng này đặc biệt phù hợp cho phụ huynh muốn quản lý phương tiện của con cái hoặc cho đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch bằng xe máy.
Phát triển nhiều chức năng trong một bộ thiết bị nhỏ gọn là thử thách không nhỏ đối với những sinh viên 9X như Công Nguyện và Đức Hạnh. “Chúng mình mua nhiều loại linh kiện khác nhau rồi bóc tách, chọn ra linh kiện nhỏ chất lượng tốt và giá thành hợp lý nhất. Để lắp ráp thiết bị phần cứng Motor Security, nhóm phải tự đọc hiểu chức năng mỗi linh kiện. Quá trình này khá phức tạp vì tài liệu nhiều và khó. Nhóm chỉ có 2 thành viên nên chúng mình phải thay nhau làm việc liên tục.” – Công Nguyện chia sẻ về quá trình làm sản phẩm.
Hai sinh viên DH FPT cho biết thêm, mặc dù có tên Motor Sercurity nhưng bộ thiết bị này hoàn toàn có thể sử dụng cho các loại ô tô thông dụng hiện nay. Điều khiến Công Nguyện và Đức Hạnh tiếc nhất là chưa có đủ thiết bị kiểm thử để phát triển bản iOS hay Windows Phone cho ứng dụng. Đây cũng là hạn chế của sản phẩm, khiến Motor Security chưa tương thích với mọi thiết bị di động.
Là đồ án tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm của Công Nguyện và Đức Hạnh, Motor Security được đánh giá cao về tính thực tiễn. Bản thân hai thành viên nhóm phát triển sản phẩm cũng tự tin vào thành quả của mình: “Nếu được đầu tư vốn, bộ thiết bị hoàn toàn có thể thương mại hóa để đưa đến tay người tiêu dùng” – Công Nguyện cho biết.
Dân trí