Áp dụng công nghệ thông tin để hình thành thói quen đọc sách, khơi dậy văn hóa đọc tưởng chừng đã bị giới trẻ hiện nay lãng quên là mong muốn của nhóm sinh viên ĐH FPT khi nghiên cứu và phát triển mạng xã hội sách.
Nhóm sinh viên Phạm Thị Huyền, Nguyễn Thị Hải Yến, Vũ Hải Đăng, Thái Thị Cẩm Vân và Chu Minh Hải cùng có niềm yêu thích đặc biệt với những cuốn sách. Theo học công nghệ thông tin, phần lớn thời gian của các bạn dành cho những dòng code bên chiếc laptop nhưng bất cứ khi nào rảnh rỗi, nhóm lại cùng nhau đọc và chia sẻ về những cuốn sách hay.
Nhận thấy thực tế hiện nay, văn hóa đọc đang bị giới trẻ lãng quên, thay vào đó là thời gian dành cho những chương trình truyền hình, trò chơi điện tử hay các trang mạng, nhóm sinh viên ĐH FPT ấp ủ dự định làm một sản phẩm giúp khơi dậy niềm đam mê với những trang sách. Trưởng nhóm Phạm Thị Huyền chia sẻ đó là lý do khiến 5 thành viên lựa chọn đề tài “Mạng xã hội sách” cho đồ án tốt nghiệp của mình.
“Đọc những trang sách kín chữ trong nhiều giờ khiến phần lớn các bạn trẻ cảm thấy chán nản. Những cuốn sách dày, đọc sách một mình không phù hợp với tâm lý tiếp nhận thông tin của giới trẻ hiện nay. Vậy tại sao chúng ta không khiến cho việc đọc sách trở nên dễ dàng và thú vị hơn nhờ việc áp dụng công nghệ thông tin, tạo ra một mạng xã hội nơi nhiều người có thể cùng đọc và chia sẻ những cuốn sách hay.” Nhóm đồ án chia sẻ.
Một số mạng xã hội sách đã được xây dựng ở nước ngoài nhưng chưa được người yêu sách trong nước đón nhận bởi nội dung các cuốn sách chia sẻ trên mạng này không phù hợp với văn hóa đọc Việt Nam và đa phần không hỗ trợ tiếng Việt. Trong khi đó, sản phẩm của nhóm sinh viên ĐH FPT khắc phục được 2 nhược điểm này.
Bạn Thái Thị Cẩm Vân (thành viên nhóm) cho biết: “Chúng mình chủ yếu dùng Photoshop để thiết kế giao diện sản phẩm, đảm bảo sự hài hòa về thị giác, đơn giản về kết cấu để ai cũng có thể sử dụng.” Đăng nhập vào mạng xã hội, người dùng có 2 lựa chọn vai trò: độc giả hoặc tác giả sách.
“Độc giả” cũng có thể theo dõi (follow) một hoặc nhiều tài khoản khác để chủ động nhận thông tin theo nhu cầu.
Chọn “độc giả”, người dùng sẽ được hệ thống cung cấp một tài khoản cá nhân để đăng nhập và đọc sách. “Độc giả” cũng có thể chia sẻ thông tin về những cuốn sách hay có trên hệ thống qua các bài đăng (post) nhưng bắt buộc mỗi bài đăng phải gắn kèm (tag) tên một cuốn sách. Tính năng này nhằm lọc và loại bỏ các bài đăng sai chủ đề, không phục vụ việc chia sẻ thông tin về sách. “Độc giả” cũng có thể theo dõi (follow) một hoặc nhiều tài khoản khác để chủ động nhận thông tin theo nhu cầu.
Nếu chọn “tác giả sách”, người dùng cần cung cấp chứng minh thư để đảm bảo sự chính xác trong thông tin cá nhân và tính bảo mật của các ấn phẩm được chia sẻ trên hệ thống. “Tác giả sách” ngoài quyền đọc ấn phẩm như những người dùng khác còn có quyền chia sẻ ấn phẩm của mình và nhận được phản hồi từ người đọc.
“Sản phẩm mạng xã hội hướng đến tính tương tác cao cho người dùng tuy nhiên cũng đặt ra yêu cầu về bảo mật thông tin. Ngoài các tài khoản người dùng, hệ thống của chúng mình còn có tài khoản quản trị viên, có quyền thêm hoặc loại bỏ các tài khoản, thêm tác giả và sách cùng các tính năng quản lý khác. Chức năng này giúp chúng mình dễ dàng theo dõi và kiểm soát hoạt động của mạng xã hội hơn.” Phạm Huyền cho biết.
Nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong hơn 3 tháng, nhóm sinh viên ĐH FPT gặp khó khăn khi chưa thành viên nào có kinh nghiệm làm hệ thống mạng xã hội. Các thành viên trong nhóm đã tiến hành kiểm thử hàng nghìn trường hợp để hoàn thiện tính năng hệ thống. Vũ Hải Đăng (thành viên nhóm) chia sẻ: “Thay vì dành 5 tiếng làm việc mỗi ngày, nhóm phải tăng thời gian lên để chăm chút cho sản phẩm một cách kỹ lưỡng nhất nhưng vẫn đảm bảo tiến độ.”
Tuy còn một số hạn chế về hệ thống nhưng các sinh viên nhóm “Mạng xã hội sách” đã bảo vệ thành công đồ án của mình và nhận được đánh giá khá tốt từ phía Hội đồng chấm đồ án. Đặc biệt, tình yêu sách và mong mỏi khơi dậy văn hóa đọc trong các bạn trẻ qua sản phẩm này của nhóm sinh viên được đánh giá cao. Các thành viên trong nhóm cho biết bản thân sẽ là những người sử dụng và chia sẻ sản phẩm này đến bạn bè, người thân của mình để tạo nên một “xã hội” đọc sách trong cuộc sống thực chứ không chỉ trên mạng ảo.
Ngọc Trâm/theo FE