800 cuốn sách được đặt mua ngay trong ngày đầu tiên phát hành, “Code dạo ký sự – Lập trình viên đâu phải chỉ biết Code” đã tạo nên một “cơn sốt” không hề nhẹ trong cộng đồng IT. Tác giả của cuốn sách ấy là Phạm Huy Hoàng, cựu sinh viên khóa 6A, ĐH FPT TP Hồ Chí Minh, đồng thời là “cha đẻ” blog IT “Toidicodedao” được đông đảo sinh viên ngành công nghệ thông tin yêu thích.
Bạn bè ấn tượng với một Phạm Huy Hoàng đa-zi-năng, vừa là một full-stack developer, writer, blogger cùng nhiều tài lẻ khác. Chọn FPT Software TP. Hồ Chí Minh để “đầu quân” ngay sau khi ra trường, tiếp đó, Hoàng thử thách mình ở vai trò Junior Developer cho ASWIG Solutions. Xuất sắc dành được học bổng 18000 Bảng, hiện cựu sinh viên ĐH FPT này đang theo học Thạc sĩ ngành Khoa học máy tính (Computer Science) tại Đại học Lancaster, Anh quốc.
Không phải chờ đến khi “Code dạo ký sự – Lập trình viên đâu phải chỉ biết code” ra mắt người ta mới biết đến Phạm Huy Hoàng với vai trò là một người viết sách. Trước đó, anh chàng này đã tung ra ebook free “Bảo Mật Nhập Môn”, Surviving in Mr.KhanhKT’s courses for Dummies (cuốn sách lưu hành nội bộ ĐH FPT) cùng nhiều bài viết về IT đều đặn ra hàng tuần trên trang blog cá nhân “Toidicodedao”.
Chia sẻ với Cóc Đọc, khi còn đi học, Hoàng thường hay có những thắc mắc về kĩ thuật, về con đường nghề nghiệp sau này của một sinh viên phần mềm nhưng chưa tìm được lời giải đáp thấu đáo. Sau khi đi làm một thời gian, đã có hiểu biết nhất định, Hoàng đã bắt đầu viết blog để chia sẻ những điều mình biết đến các bạn trẻ yêu công nghệ thông tin, đặc biệt là những bạn mới bắt đầu nhưng lại không có một nguồn thông tin đáng tin cậy.
Những “tip” về kĩ năng mềm, kĩ năng viết, những tư chất để trở thành một lập trình viên, con đường phát triển sự nghiệp của một developer, phương pháp học tiếng Anh, tự học… đều được tác giả của “Code dạo ký sự” cập nhật và chia sẻ liên tục đều đặn trên blog cá nhân hàng tuần.
Hiện tại, nội dung trên blog khá lớn khiến các thành viên mới khó theo dõi, Hoàng đã tổng hợp và hệ thống lại các bài viết, xuất bản thành sách để các bạn dễ theo dõi. Đứng trên vai trò là một người anh đi trước, từng trải qua nhiều vị trí làm việc khác nhau cùng kinh nghiệm làm việc bỏ túi từ khi đến với công nghệ thông tin, mục đích của Hoàng không phải là viết blog để bán sách, mà là bán sách để những nội dung mình chia sẻ đến được với nhiều bạn hơn, giúp đỡ được nhiều bạn hơn.
Nội dung của “Code dạo ký sự – Lập trình viên đâu phải chỉ biết Code” tập trung vào ba phần chính, bao gồm những bài viết được tổng hợp trên blog “Toidicodedao” cùng nhiều bài viết được Hoàng bổ sung thêm cho phù hợp với nội dung cuốn sách. Phần 1 nói về những kĩ năng mềm và thái độ mỗi lập trình viên cần có trên mỗi chặng đường. Phần 2 đi sâu hơn về những kĩ thuật lập trình từ cơ bản đến nâng cao. Phần 3 là những mẩu chuyện và trải nghiệm nho nhỏ của chính tác giả trong quãng thời gian làm lập trình viên ở trong và ngoài nước.
Điểm đặc biệt của “Code dạo ký sự” đó chính là cách mà tác giả của cuốn sách tập trung vào phần kĩ năng mềm mà mỗi lập trình viên cần có. Thay cho những chương sách dày đặc toàn chữ dẫn đến tâm lý ngại đọc thì thì nội dung sách được chia làm nhiều bài viết ngắn gọn, mỗi bài viết lại đề cập đến một khía cạnh khác nhau, tiện lợi cho việc đọc và tìm kiếm lại thông tin khi cần thiết. Cách kể chuyện hài hước qua giọng văn của tác giả khiến cuốn sách viết về kỹ thuật không quá cứng nhắc, khô khan, xa rời với tâm lý người đọc, đặc biệt là đối tượng độc giả anh hướng đến là các bạn học sinh lớp 12 và những người mới bắt đầu học lập trình.
Nói về khó khăn trong quá trình đưa cuốn sách đến tay độc giả, Hoàng chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất mình gặp phải là việc quảng bá cho sách. Trước khi sách được in mình đã tổ chức thu thập ý kiến bạn đọc và quảng bá cho cuốn sách trước khi ra mắt. Và ngay sau ngày xuất bản, việc đáp ứng một số lượng lớn sách đến tay người đọc một cách nhanh chóng cũng khiến mình và các nhân viên bên nhà xuất bản gặp nhiều khó khăn.”
Trải nghiệm nhiều môi trường làm việc khác nhau, Với Phạm Huy Hoàng, điều quý nhất mà ĐH FPT mang đến cho anh chính là cách tự học và tự tìm hiểu kiến thức. “Những thầy cô tâm huyết như thầy Khánh, thầy Phương, thầy Sử, thầy Nam của ĐH FPT TP Hồ Chí Minh, đăc biệt là thầy Khánh, đã truyền cảm hứng cho việc học tập và công việc của mình hiện tại.” cựu sinh viên khóa 6 tâm sự.
Hoàng cũng nhắn ngủ đến các bạn sinh viên yêu IT và chọn IT gắn bó làm con đường phía trước cho mình “Đại học chỉ là khởi đầu, kiến thức được học không đủ để đi xin việc, đi làm đâu. Hãy chịu khó trau dồi them kiến thức bằng cách tự tìm hiểu, tự học nhé”
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về “Code dạo ký sự” và các bài viết bổ ích khác bằng cách ghé thăm blog toidicodedao.com của Phạm Huy Hoàng hàng tuần nhé. Hiện nay “Code Dạo Ký Sự” đã được bán trực tuyến, rất tiện lợi cho việc đặt mua và sở hữu cuốn sách đắt giá này với các bạn sinh viên sống và học tập tại các cơ sở của FE. Đặc biệt, sắp tới, Phạm Huy Hoàng sẽ trở lại cơ sở ĐH FPT tại TP Hồ Chí Minh nơi anh từng học tập để tặng 2 cuốn sách “Code Dạo Ký Sự” cho thư viện của trường.
Cóc đọc