Dù trả lương cao, đãi ngộ lớn, nhưng việc không tuyển đủ kỹ sư phần mềm đang khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu.
Lương khủng
Trên các trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Việt Nam như Vietnamworks, Topcv.vn, Careerbuilder.vn, Timviecnhanh.com, Vieclam24h.vn, Itviec.com… thì kỹ sư phát triển phần mềm luôn đứng số 1 trong nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT, Bkav, AIC…
Con số ấn tượng nhất của báo cáo Thị trường nhân lực ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam thập niên 2010 – 2020, do VietnamWorks vừa công bố thì chiếm đến 58% nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT là kỹ sư phát triển phần mềm. Nhóm này có mức lương đăng tuyển trung bình là 1.527 USD/tháng, cao thứ 2 trong các nhóm ngành, chỉ sau nhóm quản lý dự án – sản phẩm được trả lương 1.775 USD/tháng.
Nếu xét theo lĩnh vực công việc, Top 3 lĩnh vực có mức lương cao nhất lần lượt là fintech với mức lương đăng tuyển trung bình là 1.115 USD, công nghệ cao (IoT; AI; Blockchain…) có mức lương trung bình tháng là 1.055 USD, thương mại điện tử (E-Commerce) với mức lương là 895 USD.
Thậm chí, kỹ sư phần mềm ở một số nhóm ngành công nghệ cao mới nổi còn được trả lương cao ngất ngưởng như kỹ sư lập trình vạn vật kết nối (IoT Developer) với mức lương 1.800 USD/tháng, kỹ sư lập trình trí tuệ nhân tạo (AI Developer) với mức lương 1.958 USD, kỹ sư lập trình công nghệ chuỗi khối (Blockchain Developer) được đề xuất mức lương 2.033 USD, kỹ sư lập trình dữ liệu đám mây (Cloud Developer) với mức lương 2.006 USD, kỹ sư lập trình thị giác máy tính (Computer Vision Developer) với mức lương 2.382 USD.
“Kỹ sư phần mềm lĩnh vực High-tech luôn nhận được mức lương hậu hĩnh nhất, nguyên do chính vẫn là sự thiếu hụt nhân lực đáp ứng được yêu cầu chuyên môn cao của các công việc này”, đại diện VietnamWorks nhận xét.
Đáng chú ý, giai đoạn 2010 – 2020, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành phát triển phần mềm luôn chiếm hơn 50% và có ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu tuyển dụng của toàn ngành CNTT. Khi so sánh nửa đầu thập kỷ và nửa cuối thập kỷ, nhu cầu tuyển dụng của nhóm ngành này tăng trưởng gần gấp đôi.
“Nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành CNTT đã tăng tới 4 lần trong thập kỷ qua. Riêng ngành công nghệ phần mềm là 4,1 lần”, ông Gaku Echizenya, CEO của Navigos Group cho biết.
Nhu cầu ngày càng lớn
Tăng trưởng nóng và nhu cầu nhân lực CNTT tăng cao bởi nhiều lý do. Về tổng thể, Việt Nam đang thực hiện một chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số. Việt Nam đang trên đà trở thành quốc gia IT của khu vực với mục tiêu phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT, trở thành cái nôi của make in Việt Nam và start-up Đông Nam Á.
Đặc biệt, thời gian gần đây, với sự dịch chuyển chuỗi sản xuất của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới về Việt Nam như Panasonic, Nintendo, Sharp, Komatsu, Kyocera, Luxshare-ICT, Google… càng khiến nhu cầu nhân lục CNTT tăng mạnh.
“Nhu cầu tuyển dụng CNTT tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm 2020. Vì Việt Nam đã gây được sự chú ý khiến cho các công ty công nghệ lớn trên thế giới tìm đến để thuê và xây dựng đội ngũ phát triển sản phẩm”, ông Nguyễn Hữu Bình, CEO TopDev nhận xét.
Hiện thị trường IT tại Việt Nam rất cần nhân lực chất lượng cao, nhưng lượng cung luôn ít hơn cầu. Đã xuất hiện một cuộc cạnh tranh săn đầu người, “đào góc tường” lẫn nhau giữa các công ty công nghệ. Có tới 89% nhân sự CNTT nhảy việc vì “lương cao hơn”, 67% vì khả năng thăng tiến. Điều đó đã cho thấy sự tăng trưởng mức lương đang là yếu tố hấp dẫn nhân lực nhất. IT là một trong 4 ngành có tỷ lệ nhảy việc cao nhất, với 20 tháng là thời gian trung bình cho một lập trình viên nhảy việc và tỷ lệ nghỉ việc đạt mốc 24% trong năm 2020.
Trong cuộc cạnh tranh nhân lực đó, các công ty công nghệ non trẻ hoặc start-up mới thành lập đang rất yếu thế.
TopCV là một trong những công ty Start Up thành công của cựu sinh viên Đại học FPT
Theo ông Đỗ Văn Long, Giám đốc Công ty Vietnam Blockchain Corporation, nhân lực là một trong nhiều vấn đề mà các start-up công nghệ thường “đau đầu”. Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao dẫn tới cạnh tranh người tài giữa các doanh nghiệp, khiến các start-up dễ mất người vào tay các doanh nghiệp khác với lời chào mời hấp dẫn, từ đó có thể tác động đến sự thành bại của start-up. Theo ông, giải quyết được vấn đề con người cũng cần được tính toán trong giai đoạn phát triển tới đây.
Ông Chris Harvey, CEO Itviec.com dự đoán, sự phát triển vượt bậc của các ngành công nghệ cao như Big Data, Al, IoT sẽ dẫn đến cuộc chiến gay cấn nhất dành cho các công ty công nghệ. Những công ty giành chiến thắng, tiếp tục phá vỡ kỷ lục doanh thu sẽ là những người tìm được câu trả lời cho câu hỏi “làm thế nào để thu hút nhân tài”.
Theo báo cáo mới nhất của TopDev, năm 2020, Việt Nam cần hơn 400.000 nhân lực ngành IT, và con số này sẽ tăng lên đến 500.000 vào năm 2021. Nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt này nằm ở nhiều phương diện, mà chủ yếu đến từ chương trình đào tạo thiếu định hướng khi chưa đúng trọng tâm mà doanh nghiệp tìm kiếm, hay lớp sinh viên ra trường đang thiếu những kỹ năng cần thiết cùng trình độ tiếng Anh chưa thành thạo.
Chìa khóa duy nhất để giải quyết vấn đề nan giải này nằm ở khâu đào tạo. Hiện tại, các trung tâm đào tạo tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp về nhân sự. Chỉ 30% trong số sinh viên CNTT ra trường đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp.
Năm 2020, Đại học FPT tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin với các chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, IoT, Thiết kế mỹ thuật số.
Thí sinh có thể xem thông tin chi tiết về điều kiện đăng ký vào trường Đại học FPT tại Quy chế Tuyển sinh năm 2020 hoặc để lại thông tin để cán bộ trường tư vấn chi tiết hơn. |
Theo Báo Đầu Tư