“Hà Lan không đơn giản là một chuyến đi, là 1 học kỳ thực tập có lương mà đó còn là hành trình trong mơ của mình. Ở đó mình không chỉ được học hỏi, tích luỹ kiến thức mà còn được mở rộng thế giới quan với một nơi mà… Cuộc sống vận hành trên cơ sở niềm tin!” – “Cóc Vàng”- Hoàng Đình Quang, Sinh viên ĐH FPT chia sẻ.
Khát vọng
Tuổi trẻ là dám mơ ước, dám thực hiện, dám đưa ra những thử thách để vươn tới những khát vọng. Với tinh thần ấy, trong suốt thời gian ngồi trên giảng đường, Hoàng Đình Quang liên tục đề ra những đích đến và vẽ ra những lộ trình rõ ràng để cán đích một cách ấn tượng. Ngay khi vào trường ĐH FPT, Quang đã đặt ngay mục tiêu chinh phục cuộc thi lập trình quốc tế ACM-ICPC, và quyết tâm đạt danh hiệu “Cóc vàng” danh giá của trường dành cho sinh viên có thành tích học xuất sắc và hoạt động phong trào sôi nổi nhất.
Quang chia sẻ: “Mình nhớ nhất là mùa ACM-ICPC 2015 với chuỗi trận đấu cân não khốc liệt giữa 2 team (3 Animals và Primal Spirit) trong trường để giành suất tham dự vòng Asia tại Indonesia. Hầu như ngày nào mình và các thành viên trong đội cũng training, ăn ngủ, code ở phòng CLB. Không chỉ là tinh thần chiến đấu, quyết thắng, mà ACM-ICPC còn cho mình nhiều hơn thế, đó là tình đồng đội, là lòng kiên trì, và cách làm việc nhóm”.
Hoàng Đình Quang chụp cùng bạn bè trong lễ tổng kết và trao danh hiệu Cóc Vàng.
Kết thúc kì thi ACM-ICPC 2015, Quang và đội giành giải nhất vòng loại Quốc gia; Giải nhì ACM-ICPC vòng loại Châu Á điểm thi Hà Nội; và xếp hạng 5 cuộc thi SMAC Challenge 2015. Cũng trong năm này, Quang còn giành được danh hiệu Cóc Vàng mà cậu hằng mơ ước. Chính bởi thế mà cái tên Cóc Vàng là cái tên thân mật mà nhiều bạn bè gọi cậu cho tới bây giờ bên cạnh biệt danh Nick.
Không những thế, Quang cũng gây dựng cho mình một “cơ ngơi” thành tích học tập khủng: Với cuộc thi Olympic Tin học, Quang đạt giải nhì năm 2013; năm 2014 và 2015 đạt Giải vô địch.
Trong 2 cuộc thi lập trình Java FSoft Codecamp 2014; Coding Inspiration 2014 Quang đều rinh về cho mình Giải 3.
Với cuộc thi lập trình quốc tế ACM-ICPC Quang và đội liên tiếp gặt hái nhiều thành công qua các năm từ 2014 đến 2015 như Giải nhì ACM-ICPC vòng chung kết Quốc gia 2014; Giải khuyến khích ACM-ICPC vòng loại Châu Á điểm thi Kuala Lumpur 2014…
Quang còn là người luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào, hoạt động ngoại khóa, từng làm chủ nhiệm CLB FMIT (câu lạc bộ Công nghệ Microsoft) …
Trượt dốc
Cũng như nhiều bạn sinh viên khác, Quang luôn mơ ước được thực tập tại một công ty nước ngoài và “Nhật Bản là mảnh đất em ngắm tới đầu tiên”. Ngỡ tưởng với bảng thành tích cực chất, lại thêm hoạt động phong trào sinh viên sôi nổi sẽ giúp cho giấc mơ của Quang thành hiện thực. Nhưng không! Tất cả những nỗ lực của Quang trong việc apply đáp lại là “sự vô duyên với nước Nhật”, là sự trầy trật “khi hết lần này đến lần khác bị các công ty Nhật Bản từ chối”. Lần đầu Quang thấy mình đang “trượt dốc”.
Quang cũng gây dựng cho mình một “cơ ngơi” thành tích học tập khủng
Đôi lúc Quang cảm thấy mệt mỏi và có ý định bỏ cuộc, rồi những câu hỏi kiểu như: “mình có đang quá ảo tưởng về sức mạnh, khả năng của mình? Liệu khát vọng của mình quá viển vông? Hay mình cứ ngồi học bình yên như bao người, không mơ ước học tập tại nước ngoài nữa?… Những câu hỏi khiến đầu óc cậu sinh viên rối bù. Khát vọng, ước mơ của tuổi trẻ tưởng chừng bị dập tắt nhưng chính những thất bại đã giúp cho những bước đi sau này của Quang chắc chắn hơn trên con đường tới chân trời mới – Hà Lan.
Hành trình trong mơ
“Việc nhiều lần bị từ chối khi apply job cho em bài học là: Bị reject không có nghĩa là bạn kém, mà chỉ là may mắn chưa mỉm cười với bạn mà thôi, hoặc cứ cho rằng bạn chưa hợp với nó lắm. Những lần trầy trật apply đó cũng giúp mình tích luỹ thêm kinh nghiệm cho những hành trình tiếp theo, nên các bạn trẻ đừng sợ, mà hãy apply càng nhiều càng tốt, rồi cũng có ngày bạn nhận được tin vui từ phía các công ty, doanh nghiệp như mình”
Được công ty Fenestrae B.V, một công ty hàng đầu Châu Âu về xử lí document và fax tuyển dụng với vị trí là thực tập có lương trong 1 năm khi còn ngồi trên ghế nhà trường khiến cậu sinh viên Hoàng Đình Quang ngất ngây.
Những người bạn quốc tế mang tới cho Quang những tình cảm thật gắn bó, yêu thương, là những người tương trợ cậu trong cuộc sống xa nhà.
“Hành trình đến với Hà Lan bắt đầu khi em thông qua AIESEC, một tổ chức sinh viên quốc tế, apply vị trí thực tập sinh kỹ sư phần mềm. Quá trình tuyển dụng diễn ra nhanh chóng vỏn vẹn trong 1 tuần với 2 vòng phỏng vấn. Nhưng mọi việc mới chỉ bắt đầu vì thủ tục Visa và giấy tờ từ cả hai phía hết sức phức tạp và do kì thực tập này kéo dài 1 năm, lâu hơn các kì thực tập thường lệ tại đại học FPT (thường 4 tháng). Rất may mắn khi em được sự giúp đỡ tận tình và tạo điều kiện của các bạn trong AIESEC; các anh Trung phòng đào tạo và đặc biệt là thầy Phan Trường Lâm, lúc đó đang là trưởng ban đào tạo tại Đại học FPT cơ sở Hòa Lạc. Sau hơn 2 tháng đằng đẵng chờ đợi, Mùng 5 tết 2017, lúc em đã sẵn sàng cho chuyến bay thì được tin có trục trặc về visa, khiến em phải trì hoãn chuyến đi nửa tháng đồng nghĩa với việc phải đặt lại vé máy bay cũng như phải tìm nhà ở lại từ đầu”
Cho tới cuối tháng 2/2017, chuyến hành trình vươn tới ước mơ của Quang mới thực sự được chắp cánh mang theo bao kì vọng hoài bão của tuổi trẻ. “Chuyến bay dài 24h đưa em đến sân bay Schiphol – Amsterdam với dự chào đón của các bạn sinh viên từ AIESEC. Một chân trời mới mở ra trước mắt khiến em thực sự hạnh phúc”.
Tại công ty Fenestrae B.V, cậu thực tập sinh tới từ Việt Nam luôn nỗ lực hết mình, vừa mày mò tìm hiểu, vừa học hỏi tích luỹ kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, bạn bè. Đáp lại tình thần làm việc, học hỏi hăng say của Quang là sự hài lòng từ phía công ty. Quang chia sẻ: “Ở công ty, em làm về mảng Cloud computing. Em khá bất ngờ vì project đầu tiên em được giao là việc nghiên cứu và phát triển một tính năng hoàn toàn mới cho phiên bản mới của sản phẩm hiện tại. Bởi vì task này khá thử thách và quan trọng, trái ngược với những lần thực tập ở Việt Nam, em thường bắt đầu bằng những task nhỏ, nhẹ để làm quen. Quá trình thực tập của em được trả lương đủ để sống ở Hà Lan và thỉnh thoảng vi vu thăm thú các đất nước trong khối Schengen.”
Cuộc sống vận hành trên cơ sở niềm tin
Cuộc sống của một thực tập sinh tại Hà Lan thực sự lạ lẫm khiến Quang mất nhiều tuần mới làm quen được. Nhất là khoản đồ ăn Hà Lan không hợp nhưng khá may mắn là ở đây người nhập cư từ Trung Quốc nhiều nên cũng không khó khăn mấy để tìm một siêu thị bán đồ châu Á. Một khó khăn nữa là vì trong khoá thực tập này, Quang đi một mình nên khá buồn, “buổi tối online chat chit thì bạn bè ở Việt Nam đi ngủ gần hết rồi”.
Cũng vì là thực tập sinh Việt Nam duy nhất ở công ty Fenestrae B.V nên Quang hiểu hơn hết sự quan trọng về sự gắn kết tình bạn quốc tế. Họ chính là những người bạn mới nhưng lại mang tới cho Quang những tình cảm thật gắn bó, yêu thương, là những người tương trợ cậu trong cuộc sống xa nhà. “Thân nhất là anh bạn Hồi giáo người Tunisia, cũng là thực tập sinh cùng đợt. Lúc nói chuyện thì cả hai mới vỡ ra là anh kia chả hiểu gì về các nước phương Đông và em cũng không biết gì về Trung Đông cũng như thế giới Hồi giáo. Qua những cuộc nói chuyện 2 đứa hiểu nhau hơn. Và chính em mở rộng được thế giới quan, cách nhìn nhận thế giới Ả-rập, để biết rằng họ không chỉ có mỗi khủng bố, hay những quy định hà khắc với phụ nữ” – Quang hào hứng.
Quang bất ngờ nhất ở đất nước Hà Lan xinh đẹp là rất nhiều công việc ở đây được vận hành trên cơ sở niềm tin.
Ấn tượng đặc biệt phải kể đến mảnh đất và con người Hà Lan. Bao trùm Hà Lan là sự bình yên, là đất nước rất văn minh và không phô trương. Mọi người thường dùng xe đạp để đi làm. Người Hà Lan có một câu rất hay là “Nếu khoảng cách là dưới 10km, hãy đi xe đạp”. Hệ thống giao thông công cộng ở đây cũng hết sức tiện lợi nào là tàu điện, xe bus, metro, tàu cao tốc… Người bản địa đa phần đều nói tiếng Anh lưu loát và hết sức thân thiện.
Quang cũng chia sẻ: “Điều làm em ngưỡng mộ và bất ngờ nhất là rất nhiều công việc ở đây được vận hành trên cơ sở niềm tin. Từ việc đi lại bằng phương tiện công cộng, đến việc đi siêu thị. Mọi người đều tự tính tiền và tự giác thanh toán, ít khi có bóng dáng của người soát vé hay nhân viên thu ngân. Phong cách làm việc của người Hà Lan cũng khá khác biệt, mọi người chỉ làm tầm 7h/ ngày, nhưng làm cực kì hăng say và hiệu quả với tinh thần làm ra làm, chơi ra chơi. Các ý tưởng mới luôn được đón nhận cởi mở dù nó đến từ một nhân viên đầy kinh nghiệm hay từ thực tập sinh.”
½ kì thực tập đã đi qua, cậu thực tập sinh người Việt vẫn luôn luôn cố gắng học hỏi, hoàn thiện và khẳng định mình trong một môi trường mới, đầy năng động và chuyên nghiệp; hàng ngày vẫn miệt mài cần mẫn để lại trong lòng những đồng nghiệp, những người bạn quốc tế ấn tượng đẹp về đất và người Việt Nam thông qua những việc làm, những câu chuyện về đất nước mình của chàng trai trẻ.
*Cóc Vàng là danh hiệu dành cho sinh viên có kết quả học tập xuất sắc nhất trong học kỳ đó ở mỗi khối ngành, phần thưởng dành cho Cóc Vàng là 10 triệu đồng tiền mặt nhằm khích lệ và tuyên dương nỗ lực của sinh viên Đại học FPT.
Phương Phạm