Không buông tha ngay cả các show truyền hình nổi tiếng, cứ có show nào hot chỉ cần vào ĐH FPT là sẽ thấy phiên bản chế lại xuất hiện trong các sự kiện sinh viên của trường. Hài hước và rất sinh viên, các chương trình này thậm chí còn thu hút cả sinh viên trường khác vào xem mỗi khi diễn ra.
Vietnam’s Got Talent thành FPTU Talent Show
Vietnam’s Got Talent lần đầu lên sóng truyền hình quốc gia vào năm 2011. Gần như ngay lập tức, sinh viên FPT đã “bắt sóng” và đem sự kiện này về sân trường của mình theo một cách rất riêng.
FPTU Talent Show ra đời, kéo dài trong 5 mùa với quy mô ngày càng hoành tráng. Đêm chung kết FPTU Talent Show mùa 5, mùa gần đây nhất khiến người xem trầm trò bởi tài năng của những chàng trai cô gái ĐH FPT qua các màn trình diễn Vovinam, nhạc cụ dân tộc – “đặc sản” riêng của trường, sáng tác và ca hát.
Đến 2017, cuộc thi có phiên bản mở rộng là học bổng tài năng, dành cho các học sinh năng khiếu đặc biệt trong nghệ thuật – thể thao. Những cái tên như Trần Hồng Diệu Linh, Nghiêm Hoàng Linh, Nguyễn Châu Khang… đã tỏa sáng với những biểu diễn ca hát, ảo thuật, sáng tác, đại diện cho một thế hệ sinh viên mới tài năng của FPT.
Rung chuông vàng bản truyền hình và Rung chuông vàng bản trường mình
100 sinh viên, 1 chuông vàng, trả lời sai lập tức bị loại khỏi sàn đấu, mong chờ thầy cô giáo cứu viện, luật chơi thú vị và những cung bậc cảm xúc mà nó đem lại khiến Rung chuông vàng khác biệt với những game show kiến thức khác trên truyền hình vào những năm 2007 – 2008. Tính trí tuệ, khát khao chinh phục các câu hỏi thuộc “nghìn lẻ một” lĩnh vực khác nhau có lẽ là điều đã thôi thúc SV FPT đem rung chuông vàng về chế lại với những thay đổi thú vị.
Được tổ chức nhiều lần bởi sinh viên ĐH FPT, Rung chuông vàng phiên bản “trường mình” thu hút khoảng 50 sinh viên vào vòng chung kết sân khấu từ hàng trăm đơn đăng ký và vài vòng sơ loại cam go. Vẫn thử thách trí tuệ thông qua các bộ câu hỏi nhưng sinh viên ĐH FPT “cài” thêm cả những đặc trưng riêng mà trường mình mới có vào cuộc thi. Nếu như Rung chuông vàng bản truyền hình có câu hỏi Việt Nam của tôi, câu hỏi tình huống do diễn viên thể hiện thì Rung chuông vàng của sinh viên FPT có câu hỏi FPTU của tôi, câu hỏi tình huống do giảng viên và sinh viên tự biên tự diễn. Tình huống cứu trợ cũng không giảm đi sự hồi hộp khi tất cả giảng viên, cán bộ có mặt tại “trường quay” được huy động giải cứu học trò của mình.
Điểm thú vị mà chỉ Rung chuông vàng bản ĐH FPT mới có đó là những câu trả lời “bá đạo” của thí sinh được tiết lộ sau chương trình. Những gương mặt thân quen ở trường được nhắc đến, những bí mật của sinh viên được tiết lộ trong những câu hỏi chỉ sân chơi trí tuệ ở ĐH FPT mới có.
Táo quân kết hợp Ơn giời, cậu đây rồi!
Sự kết hợp giữa chương trình truyền hình được chờ đón nhất năm và show hài kịch không có kịch bản, gây cười từ những tình huống bất ngờ có lẽ là điều ít ai nghĩ tới. Nhưng ở ĐH FPT, hai hot show này đã có dịp đứng chung sân khấu vào những ngày đầu năm 2018 khi các câu lạc bộ sinh viên trong trường cùng nhau tổ chức “Ơn giời, Táo về rồi!”.
Sức hút của “Táo quân” nằm ở cách nhìn nhận những vấn đề gai góc theo hướng hài hước, sâu sắc. “Ơn giời, cậu đây rồi!” hút khán giả ở tình tiết bất ngờ, không có kịch bản thử thách độ linh hoạt của diễn viên. Cả hai yếu tố làm nên độ hot của các show truyền hình này đã được sinh viên ĐH FPT đưa vào “Ơn giời, Táo về rồi!”
Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu và các Táo là các nhân vật không thể thiếu trong show hài kịch. Khán giả được dịp cười lăn cười bò với nhiều màn tung hứng, “chặt chém” giữa các Táo và bộ ba còn lại mỗi lần báo cáo. Những đề tài xã hội nóng hổi được lồng ghép khéo léo với câu chuyện xung quanh cuộc sống, học tập, bạn bè thầy cô của sinh viên ĐH FPT. Có chút lúng túng, có khi quên thoại nhưng ngay lập tức, các diễn viên không chuyên đã thể hiện sự thông minh và linh hoạt trong cách ứng biến. Ngoài ra, các tiết mục văn nghệ, Vovinam dàn dựng công phu khiến người xem liên tưởng đến một chương trình Táo quân cuối năm thực sự nhưng đâu đó vẫn mang đậm chất FPT.
Theo Kenh14