Làm giám đốc vì lỡ mắc nợ 200 triệu đồng

Mắc nợ 200 triệu đồng, anh Đỗ Tiến Hưng tìm cách khởi nghiệp để có tiền trả nợ. Anh hiện là CEO của công ty chuyên về công nghệ với hàng trăm nhân viên.

Chia sẻ câu chuyện lập nghiệp của mình trong chương trình khởi động cuộc thi Start – up Uni, anh Đỗ Tiến Hưng – CEO Công ty G.V.N (cựu sinh viên Đại học FPT) cho biết, để có được thành công, anh đã phải nếm trải không ít khó khăn.

Trước khi trở thành CEO, anh Hưng mắc một khoản nợ 200 triệu đồng. Có thể số tiền này không lớn với người khác nhưng lại là số nợ khổng lồ của anh thời điểm đó. “Nợ nần, mỗi tháng tôi chỉ chi tiêu một triệu đồng cho tất cả sinh hoạt phí. Tuy nhiên, chính lúc khó khăn nhất thì tôi lại nghĩ tới việc khởi nghiệp, tự đứng ra kiếm tiền để nhanh chóng trả hết khoản nợ”, anh Hưng tâm sự.

Không có tiền, anh Hưng chấp nhận làm việc và mang lại nguồn thu lớn cho một công ty khác. Khi đã có kinh nghiệm, anh tự đứng ra thành lập công ty chuyên về phần mềm và dịch vụ. Nhờ khả năng nhạy bén, cùng những kỹ năng có được trong trường học, anh Hưng bắt đầu có hợp đồng từ khách hàng.

“Ngay từ đơn hàng đầu tiên, tôi đã cố gắng làm tốt nhất có thể để lấy lòng tin từ họ. Cứ thế, đơn hàng ngày mỗi nhiều hơn cũng như niềm tin họ dành cho tôi vậy”, anh Hưng nhớ lại. Bước lên từ nợ nần, hiện công ty anh Hưng đã có đội ngũ nhân viên trẻ và năng động với hàng trăm người.

“Thất bại sẽ mang lại thành công nếu như bạn học được những bài học quý giá từ nó. Niềm tin chính là yếu tố giúp tôi không bỏ cuộc trước mọi khó khăn, dù có thời điểm nợ lên đến 200 triệu đồng”, anh Hưng chia sẻ.

“Start – up Uni: become a preneur” là cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên, giảng viên, cán bộ trên địa bàn Hà Nội.

Cũng khởi nghiệp rất sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Việt Hùng, sinh viên năm 2, Đại học FPT đang là CEO của Color Me – công ty đào tạo có hơn 3.000 học viên học thiết kế trên khắp Hà Nội.

Chia sẻ về lý do khởi nghiệp, Việt Hùng cho biết, mục đích ban đầu của em là khởi nghiệp để kiếm mỗi tháng 10 triệu đồng. “Chưa khởi nghiệp nhưng lúc đó tôi đã nhẩm tính, sau 10 tháng sẽ kiếm được 100 triệu đồng bỏ túi. Nghe có vẻ khá ngông và không thực tế nhưng chính suy nghĩ này đã tạo động lực rất lớn giúp tôi khởi nghiệp thành công”, giám đốc trẻ chia sẻ.

Mục đích kiếm tiền rõ ràng cùng kỹ năng, đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, Việt Hùng sáng lập nên Color Me. Sau hơn 13 tháng hoạt động, điều khiến Hùng tự hào chính là đã đào tạo hơn 3.000 học viên. Ngoài ra, trong quá trình phát triển Color Me, chàng trai này đã áp dụng mô hình đào tạo đặc biệt của Đại Học FPT để đưa vào các khóa học Color Me. Đối với Hùng, đây là những công cụ tuyệt vời để hỗ trợ học viên của mình.

“Chúng ta đừng nghĩ đến những sản phẩm to lớn, bùng nổ, hãy nghĩ đến những điều mà các bạn thấy nhức nhối. Nếu bạn nhức nhối ở đâu, xã hội đang thiếu cái gì, hãy bắt đầu từ đó”, Hùng gợi ý cách khởi nghiệp.

Còn Nguyễn Hà San – sinh viên năm cuối Đại học Ngoại Thương thì cho rằng lý do khởi nghiệp của mình khá “củ chuối”. Đang là Giám đốc Marketing tại TechKids – Coding school và ILIAT school, Đại sứ Google Việt Nam nhưng cô cho biết có được thành công như hôm nay là do anh trai đi lấy vợ.

Trước đó, chi phí học tập và chi tiêu của Hà San đều do anh trai chu cấp đầy đủ. Tuy nhiên sau khi anh trai lấy vợ, không còn nhiều thời gian và điều kiện để chăm lo cho em gái, cô quyết định buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Lúc đầu, nữ sinh này chọn bán sách, vở rồi sau đó nghĩ tới việc kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục.

Nhận thấy nhu cầu về nhân lực ngành Công nghệ thông tin ngày càng tăng cao, Hà San quyết định phát triển những khóa học về lập trình, đồng thời giúp các bạn trẻ có cơ hội đi du học. Mặc dù trong quá trình lập nghiệp, cô gặp phải rất nhiều phản đối từ gia đình, nhưng cô vẫn quyết tâm và nỗ lực theo đuổi kế hoạch đã đề ra.

Chia sẻ về cuộc thi Start – up Uni, Hà San cho rằng, trước đây chị không bỏ thời gian để tham gia những cuộc thi khởi nghiệp vì nhận ra, sau những cuộc thi đấy không có những khóa học và quá trình hỗ trợ để ý tưởng sáng tạo trở thành hiện thực. Tuy nhiên, khi thấy cuộc thi Start-up Uni khắc phục được những nhược điểm này, cô động viên bạn bè mình tham gia để có cơ hội lập nghiệp theo cách của mình.

 

 

Có mặt tại buổi giao lưu của chương trình, nhiều sinh viên đặt câu hỏi cho diễn giả về con đường khởi nghiệp.

Chia sẻ với sinh viên, những CEO trẻ cho rằng khởi nghiệp càng sớm càng tốt. Trong đó, Hà San, cho rằng sinh viên thường cho rằng khởi nghiệp là một điều rất to lớn, nhưng thực ra sự tự thay đổi tư tưởng của mỗi người cũng chính là khởi nghiệp. “Khi có những ý tưởng gì đấy ta phải bắt đầu thay đổi tư tưởng và bắt tay vào làm ngay”, nữ giám đốc trẻ tài năng nói.

Cuộc thi Start – up Uni do Đại học FPT, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ cao (HBI), Quỹ Đầu tư FPT Venture, Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức. Chương trình nhằm tạo sân chơi để thực hoá giấc mơ khởi nghiệp, khát vọng đổi thay của những người có đam mê, ý tưởng hay. Cuộc thi dành cho các giảng viên, cán bộ, sinh viên của các trường Đại học trên địa bàn Hà Nội. Xem thêm tại website hoặc liên hệ qua email: startupuni.fpt.edu.vn.

Theo Vnexpress