Workshop tò he nằm trong khuôn khổ hoạt động của lớp Business Communication, nơi sinh viên ĐH FPT cùng làm việc nhóm để hoàn thiện được một sản phẩm.
Khách mời của chương trình là nghệ nhân Đặng Văn Kha. Sau hai buổi thực hành ngày 4/7 về nghề làm Tò he, với sự hướng dẫn của nghệ nhân, sinh viên Đại học FPT đã làm được những sản phẩm tò he vô cùng sinh động.
Thay vì các hoạt động thường thấy như chương trình gameshow, cuộc thi tài năng, chương trình thiện nguyện… các bạn sinh viên nhóm Tê đã thử nghiệm với một loại hình mang đậm chất văn hóa dân gian – Tò he.
Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam, có thể ăn được. Ngày nay, nặn tò he là một nét văn hóa dân gian ở các vùng quê Việt Nam, đặc biệt là Bắc Bộ.
Cùng tìm hiểu một vài sự thật #facts về workshop lần này nhé!
#Fact1: 0 đồng – là chi phí tham gia workshop.
Tám sinh viên trong BTC workshop đã làm việc với nhau, cùng lên ý tưởng bán hàng để gây quỹ, đảm bảo 100% nguồn kinh phí xây dựng chương trình. Workshop Tò He vì thế đã đến được với người tham dự hoàn toàn miễn phí trong khi vẫn giữ được chất lượng xuất sắc.
Những sản phẩm sắc màu của sinh viên Đại học FPT.
#Fact2: 2 tiếng đồng hồ – là quãng thời gian từ lúc mở đơn đến đóng đơn.
Mặc dù nhóm đã có khảo sát từ trước và dự tính sơ qua được mức độ quan tâm của sinh viên trong trường đến hoạt động Tò he nhưng thực sự là một bất ngờ khi số lượng đăng kí vượt xa mong đợi của BTC: chỉ 2 tiếng sau mở đơn các buổi học đều đã kín chỗ. Các hoạt động văn hóa dân gian từ trước đến nay vẫn luôn có một vị trí đặc biệt trong triết lý giáo dục của Đại học FPT: 100% các bạn sinh viên nhập học đều được tham gia tập võ truyền thống Vovinam và học nhạc cụ dân tộc. Có lẽ đó là lí do vì sao một hoạt động như workshop Tò He lại thu hút các bạn sinh viên FPT đến vậy.
#Fact3: 19 – là số tuổi nhỏ nhất, 33 – là số tuổi lớn nhất của học viên tham gia workshop.
Không chỉ mang đậm tính truyền thống dân tộc, tò he còn mang độ phủ rất lớn vì hoạt động phù hợp với nhiều lứa tuổi. Ngoài đối tượng truyền thống là các em nhỏ, buổi workshop lần này đã chứng minh Tò he có sức hút rất lớn với cả các bạn sinh viên và các cán bộ đang làm việc tại ĐH FPT. Chị Phạm Tuyết Hạnh Hà, trưởng phòng Công Tác Sinh Viên đã cực kỳ năng suất khi dù chỉ tham gia được một nửa thời gian buổi học vẫn làm được tới 5 sản phẩm mang về nhà.
Chị Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng phòng CTSV khoe sản phẩm tò he của mình.
#Fact4: 100% – là tỉ lệ học viên mang được sản phẩm do chính mình tạo ra về nhà.
Sáng tạo và hợp tác – sinh viên ĐH FPT không những giỏi trong các bộ môn chuyên ngành mà còn rất sáng tạo trong các bộ môn nghệ thuật. Hai sản phẩm cơ bản được bác nghệ nhân hướng dẫn là hoa hồng và lợn con nhưng không một bạn sinh viên tham dự nào dừng lại ở đó. Các bạn cùng lập những nhóm nhỏ, hợp tác làm những tác phẩm khó cần ghép nhiều bộ phận với nhau. Totoro mang ô chiếc lá, Pikachu, và nguyên một mâm thức ăn từ cơm cuốn đến hoa quả là một vài trong số vô vàn những tác phẩm đáng yêu khác mà các bạn sinh viên đã làm được…. Với tinh thần sáng tạo và ham học hỏi, trong thời gian tới bộ môn Business Communication sẽ có thêm nhiều chương trình và khóa học thú vị như lớp tò he.
Hạnh Nguyên – Hạnh Hà