Khởi nghiệp may đo âu phục nam khi mới là sinh viên năm 2, Trần Nhật Anh có khá nhiều kinh nghiệm phân tích thị trường và khách hàng. Chia sẻ những hiểu biết này với 4 người bạn, nhận ra mong muốn tìm hiểu thêm về ngành hàng trước khi tốt nghiệp, nhóm đã cùng nhau nghiên cứu: “Các yếu tố chính tạo nên sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ may đo âu phục nam tại Hà Nội”.
Nhật Anh dành nhiều thời gian nghiên cứu thị trường may đo âu phục nam tại Hà Nội, tâm lý và hành vi khách hàng sử dụng dịch vụ này. Chia sẻ những hiểu biết của mình, cậu sinh viên tìm thấy sự đồng điệu khi Vân Anh, Thu Hà, Lê Yến, Tùng Lâm cũng hào hứng với chủ đề này. Đó là lý do khiến nhóm quyết định lựa chọn nghiên cứu “Các yếu tố chính tạo nên sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ may đo âu phục nam tại Hà Nội.”
Nhanh nhẹn, chủ động đặc biệt là sự xuất hiện của hai thành viên nam chỉn chu trong những bộ âu phục như một thông điệp “ngầm” về sự tự tin của nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT: Trần Vân Anh, Kim Thị Thu Hà, Lê Thị Yến, Trần Tùng Lâm và Lê Nhật Anh trước khi bắt đầu phần bảo vệ tốt nghiệp của mình.
Nhóm sinh viên bảo vệ đồ án: “Các yếu tố chính tạo nên sự hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ may đo âu phục nam tại Hà Nội”
Nhóm sinh viên tự đặt ra những câu hỏi cho mình trong quá trình nghiên cứu đề tài: Thế nào là sự hài lòng của khách hàng? Lựa chọn mô hình nào để đo lường sự hài lòng của khách hàng? Các yếu tố nào đóng góp vào sự hài lòng của khách hàng? Khách hàng quan tâm đến yếu tố nào nhất khi lựa chọn sử dụng dịch vụ, sản phẩm may đo âu phục nam?…
Phương pháp nghiên cứu của nhóm sinh viên FPT khá bài bản khi bắt đầu tìm hiểu quá trình phát triển của âu phục qua các thời kỳ lịch sử đến khi du nhập vào Việt Nam và đến nay trở thành trang phục khó có thể thiếu của các đấng mày râu hiện nay. Ngoài khảo sát trực tuyến (online survey) – hình thức thuận tiện thường được sử dụng trong nghiên cứu hiện nay, nhóm còn dành thời gian gặp gỡ, phỏng vấn sâu (in-depth interview) với nhiều người cung cấp dịch vụ may đo âu phục chuyên nghiệp và khách hàng nam đã sử dụng các sản phẩm này.
Nhóm tận dụng được ưu điểm của cả hai phương pháp nghiên cứu này. Hình thức surver online – khảo sát trực tuyến giúp nhóm sinh viên tiếp cận được nhiều người với chi phí thấp, tiết kiệm thời gian và có thể nhanh chóng đưa ra kết quả. Ngoài ra, người được sẽ cảm thấy dễ dàng chia sẻ hơn khi họ có thể trả lời online, không cần trực tiếp hỏi – đáp với phỏng vấn viên. Ngược lại, hình thức phỏng vấn sâu giúp thu thập thông tin chi tiết hơn thông qua cả câu trả lời và thái độ của người được hỏi.
“Chúng mình đã tiến hành hơn 500 khảo sát trong vòng 2 tháng với khách hàng nam giới ở Hà Nội, độ tuổi từ 20-45, có mức thu nhập từ 5 triệu đồng/ tháng trở lên. Ngoài ra, các thành viên cũng gặp gỡ phỏng vấn trực tiếp nhiều khách hàng và người quản lý một số thương hiệu âu phục nam có tiếng ở Hà Nội như Sir Tailor.” Kim Hà (thành viên nhóm) cho biết.
Thông tin về hành vi khách hàng mà nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT tổng hợp được khá thú vị. Âu phục đã trở thành loại trang phục không thể thiếu với đấng mày râu nhất là trong những dịp đặc biệt. Nam giới hiện đại coi đó như một loại thời trang: cần đẹp, cần cập nhật xu hướng thế giới… “Chất liệu sản phẩm và mẫu mã thiết kế là điều được khách hàng nam quan tâm nhiều nhất. Phần lớn sẵn sàng chi trả từ 3-7 triệu đồng để mua được một bộ âu phục ưng ý.” Nhật Anh chia sẻ.
Nhóm thảo luận trả lời câu hỏi được Hội đồng chấm đặt ra
Tuy nhiên, qua nghiên cứu của nhóm sinh viên, thực tế ngành may đo âu phục nam hiện nay tại Hà Nội còn một số bất cập như chưa có một thương hiệu nào thực sự nổi bật, chưa cập nhật xu hướng thời trang âu phục thế giới… Nhật Anh nói: “Những bộ âu phục chuyên dùng khi ăn tiệc hoặc âu phục có khả năng chống ám mùi thuốc lá đã xuất hiện khá lâu ở các nước châu Âu nhưng gần như chưa được ứng dụng ở Việt Nam.” Từ đó, nhóm kiến nghị: các thương hiệu cần tập trung đào tạo kiến thức thời trang cho nhân viên, kiểm soát quy trình may đo sản phẩm hiệu quả để nâng cao chất lượng và giảm giá thành, phát triển các kênh thương mại điện tử và dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Chia sẻ đây là một đề tài nghiên cứu khá thú vị, thuận lợi của nhóm là có thành viên đã trực tiếp làm việc với khách hàng, thầy Nguyễn Minh Hải (Chủ tịch Hội đồng chấm tốt nghiệp) trao đổi khá kỹ với nhóm sinh viên về đối tượng chọn phỏng vấn, cách thức nghiên cứu… “Nếu các bạn chọn một case study cụ thể, một thương hiệu âu phục nam nào đó ở Hà Nội, để nghiên cứu thì sẽ hay hơn. Giải pháp các bạn đề xuất khi đó sẽ cụ thể và có khả năng ứng dụng cho chính thương hiệu đó.”
Theo FE