Ngô Quang Trọng, tân sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm vinh dự nhận giải Ba phần mềm Hỗ trợ học tập Hóa học CLS-TR trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc Vifotec do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào đầu tháng 3 tới đây tại Hà Nội.
Luôn trăn trở về việc mang lại một công cụ hữu ích nhất trong việc dạy và học môn Hóa học dành cho giáo viên và học sinh, ngay từ lớp 11, được sự hỗ trợ của thầy giáo trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Thanh Hóa), Ngô Quang Trọng đã hình thành ý tưởng về việc xây dựng một phần mềm hỗ trợ trong bộ môn Hóa học. Sau bốn tháng, Quang Trọng đã bắt tay vào viết đề tài “Phần mềm hỗ trợ học tập Hóa học CLS-TR”, đặc biệt là việc điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt cho người khuyết tật.
Chia sẻ về giải thưởng, Trọng bộc bạch “Giải thưởng lần này là sự may mắn dành cho em. Nó tạo bước đà lớn cho em trong quá trình nghiên cứu các đề tài khoa học sau này và tiếp thêm niềm đam mê cho em về công nghệ thông tin nói chung và sáng tạo khoa học nói riêng”.
Thực hiện dự án từ năm lớp 11, đến nay qua nhiều giai đoạn cải tiến và nâng cấp, “Phần mềm hỗ trợ học tập Hóa học CLS-TR” đã giải quyết các vấn đề cần thiết phục vụ cho việc dạy và học trong bộ môn hóa học THPT. Đồng thời mang lại giá trị nhân văn cho xã hội – hỗ trợ học tập cho người khuyết tật thông qua điều kiển bằng giọng nói Tiếng Việt, giúp các bạn phần nào tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên máy tính.
Vào cuối tháng 3/2016, Ngô Quang Trọng sẽ nhận giải thưởng trong Lễ trai giải được tổ chức tại Hà Nội với giá trị giải thưởng là 15 triệu đồng.
Hy vọng trong thời gian tới, với niềm đam mê và sáng tạo, chàng sinh viên năm nhất ngành Kỹ thuật phần mềm, Đại học FPT sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong các cuộc thi khác.
Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam – VIFOTEC hàng năm là giải thưởng được trao tặng cho các tác giả có những công trình khoa học công nghệ có giá trị khoa học – kinh tế – xã hội lớn được thực hiện và áp dụng tại Việt Nam, nhằm khuyến khích các nhà khoa học – công nghệ nghiên cứu áp dụng các thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại và các công nghệ thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam vào sản xuất và đời sống.