Tối ngày 21/12, buổi talkshow với chủ đề “Ngồi xuống, đọc và viết” đã thu hút sự tham gia của những bạn đọc yêu sách nói chung và sinh viên ĐH FPT trên toàn quốc. Đến với buổi talkshow lần này, khán giả có cơ hội được nghe khách mời Nguyễn Quốc Vương chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề đọc sách của sinh viên đại học, đồng thời chia sẻ con đường viết sách của bản thân.
Mỗi học kỳ, trường Đại học FPT sẽ tổ chức các buổi giới thiệu sách cho sinh viên nhưng vì tình hình dịch phức tạp nên lần này chương trình phải tổ chức online trên nền tảng Google Meet. Đây cũng là sự kiện thường niên nhằm nâng cao văn hóa đọc, khơi gợi niềm đam mê và nhiệt huyết đọc sách đến với các bạn trẻ Việt Nam. Sự kiện lần này là những chia sẻ của diễn giả về việc tại sao trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, công việc bận như vậy, chúng ta lại phải chú trọng đến việc đọc và viết?
Khách mời Nguyễn Quốc Vương hiện đang là tác giả, diễn giả tự do
“Ngồi xuống, đọc và viết” có sự góp mặt của hai “người đọc sách chuyên nghiệp” bao gồm host của chương trình – Cô Hồ Yên Thục – giảng viên bộ môn Kỹ năng mềm và đồng thời là tác giả của hai cuốn sách Nhật ký cô giáo: Học kỳ xuân, Nhật ký cô giáo: Học kỳ hè. Tác giả Nguyễn Quốc Vương – nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, nguyên giáo viên trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, ông từng có 2 năm làm cố vấn, tổng biên tập cho Ehomebooks và hiện đang là tác giả, diễn giả tự do.
Theo ông Vương chia sẻ, việc đọc và viết không chỉ cần thiết đối với những người làm việc chuyên nghiệp như ông mà nó nên trở thành năng lực, công việc thường ngày của tất cả những người làm việc liên quan đến trí tuệ. Vậy tại sao đọc và viết lại quan trọng đến vậy? Để trả lời cho vấn đề này, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã nhìn nhận theo hai góc độ khác nhau.
Góc độ thứ nhất ông ví việc đọc như một chiếc flycam, nếu chúng ta muốn hình dung được khung cảnh rộng lớn nào đó, ta phải lùi ra xa để ngắm nhìn bao quát vẻ đẹp của nó. Và việc đọc sách cũng vậy, khi muốn nhìn nhận về việc đọc và viết, chúng ta phải phóng tầm nhìn ra xa hơn. Khi nhìn vào xã hội loài người, từ khi xuất hiện trên trái đất con người đã mất một khoảng thời gian rất dài sống trong trạng thái mông muội, không phát triển nhiều. Tuy nhiên kể từ khi chữ viết được hình thành, chúng ta biết dùng một phương tiện trung gian để truyền tin và dùng nó để suy ngẫm thì xã hội đã có một sự phát triển vượt bậc về tư duy, mở ra thời kỳ văn minh, lịch sử loài người tăng tiến về cách thức tổ chức và trí tuệ.
“Những phát minh, phát kiến lớn của con người đều liên quan đến chữ viết.” – Tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ
Hơn nữa khi nhìn vào góc độ quốc gia, tất cả các nền tảng phát triển một xã hội văn minh phải dựa trên nền tảng văn hóa, trong đó văn hóa đọc và viết là một trong những văn hóa quan trọng nhất. Đọc và viết vừa là phương thức xã hội giao tiếp quan trọng bậc nhất, truyền được nhiều tin, truyền cho nhiều người, tiết kiệm được thời gian công sức, vừa là cách thức thúc đẩy sự sáng tạo của con người. Việc đọc sách giúp con người hình thành năng lực giao tiếp trong công việc, tạo nền tảng văn hóa cơ bản và cần thiết nhất, ngoài ra còn là phương thức thức giải trí văn mình, lành mạnh, ít tốn kém.
Tuy nhiên hiện nay, mỗi năm Việt Nam xuất bản khoảng 3,3 nghìn tựa sách. Với một số lượng sách lớn như vậy thì cho dù có chăm đọc thế nào đi nữa, một năm chúng ta không thể đọc hết chừng ấy sách được. Vậy chúng ta nên đọc sách gì? Đọc rộng hay đọc sâu? Ông Vương cho rằng: “Đọc rộng và đọc sâu đều có ý nghĩa riêng của nó. Ví dụ đọc rộng giúp người đọc tạo nền tảng, khơi gợi cảm hứng và tầm nhìn rộng rãi. Đọc sách sâu về chuyên môn giúp người đọc trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Vì vậy, khi đọc sách cần kết hợp cả đọc rộng và đọc sâu, tôi gọi đó là cách đọc phong phú”.
“Bên cạnh sách chuyên ngành, người đọc nên tìm hiểu thêm lĩnh vực khác như văn học, triết học, lịch sử, tâm lý và khoa học để bổ trợ cho kiến thức của bản thân”
Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc đọc đơn thuần thì đôi khi chúng ta không thể khắc sâu và khi trải qua thời gian, những kiến thức đó sẽ dần bị quên lãng. Vậy chúng ta nên đọc như thế nào cho hiệu quả? Làm thế nào để trở thành người đọc sách thông minh? Đầu tiên và quan trọng nhất để việc đọc sách trở nên thú vị, hữu ích và trở thành thói quen là người đọc cần có những hiểu biết nền tảng về việc đọc sách. Nếu các bạn đọc sách mà không có nền tảng sẽ rất khó để đọc lâu dài. Tiếp đến, khi đọc được một quyển sách hay, người đọc nên viết ra những cảm nhận của bản thân về quyển sách ấy, đây có thể là viết blog chia sẻ với mọi người hay viết nhật ký lưu trữ cho chính mình. Điều này vừa giúp bản thân ghi nhớ lâu hơn, vừa góp phần nâng cao văn hóa đọc sách cho mọi người.
Sự kiện được diễn ra trong bầu không khí vui vẻ và thoải mái
Phần cuối của chương trình là những câu hỏi, thắc mắc của khán giả xoay quanh việc các bạn muốn đọc sách nhưng lại chưa biết phải bắt đầu từ đâu, chưa có động lực hay đủ kiên trì để tiếp tục lâu dài và muốn nghe diễn giả tư vấn hướng giải quyết.
Talkshow “Ngồi xuống, đọc và viết” đã diễn ra thành công trong hai giờ chia sẻ với bầu không khí vô cùng thoải mái cùng những thông tin hữu ích của tác giả Nguyễn Quốc Vương. Bên cạnh đó, đây cũng là không gian gần gũi dành cho những người yêu sách ngồi lại tâm sự cùng nhau.
Thu Hà