Nổi danh là khó tính và khắt khe trên giảng đường, nhưng thầy Kiều Trọng Khánh – chủ nhiệm bộ môn chuyên ngành hẹp (ITS) lại là một trong những người thầy khó quên nhất đối với nhiều thế hệ sinh viên Đại học FPT.
Bất chấp những thở than của sinh viên, thầy Khánh vẫn luôn là một giảng viên khó tính, luôn đặt yêu cầu cực cao trong công việc và giảng dạy. Thế nhưng, đằng sau “bản sắc” ấy là những trăn trở và nguyên tắc sống còn của một người thầy yêu nghề, thương trò.
Thích Y nhưng chọn Công nghệ thông tin
Thầy tốt nghiệp trường Asian Institute of Technology – AIT và chính thức “trao thân” cho FPTU từ năm 2009 tới nay. Thầy nói “Công việc tại FPTU đòi hỏi rất nhiều công sức và sự nỗ lực. Bên cạnh đó, kiến thức và kinh nghiệm của tôi ngày được trau dồi từ các sinh viên mà tôi đã tham gia giảng dạy, một trong những sinh viên đó đã làm tôi “trưởng thành” hơn rất nhiều”.
Dù trên lớp nghiêm khắc nhưng ngoài đời thầy Khánh là người chí công vô tư.
Trước khi bén duyên với nghề giáo, thầy thích trường Y nhưng chọn CNTT vì không thể “thêm một thời gian để học tiếp”. “Chạy trời không khỏi nắng, giáo dục không phải nghề mà là nghiệp đối với tôi” – thầy nói.
Tính thầy vô cùng phóng khoáng nhưng trong công việc lại nghiêm khắc và luôn tạo áp lực cho sinh viên bởi mong muốn học trò biết chăm chỉ và “xứng đáng với tấm bằng đại học của mình” (chữ dùng của thầy).
Dù nhiều người phải học lại, đứng tim, vã mồ hôi hột, lửa đốt, kim châm trong mỗi giờ lên lớp nhưng những người đã học qua môn của thầy đều tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng và niềm ngưỡng mộ khi nhắc về người thầy ấy – thầy Kiều Trọng Khánh – trưởng bộ môn SE nhưng mọi người thường gọi vui là thầy Khánh kute.
Thầy nổi tiếng khó tính, nghiêm khắc trên lớp nhưng ngoài đời lại chí công vô tư, luôn vui vẻ, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ sinh viên bất cứ khi nào họ cần và thích đá banh cùng sinh viên, chơi học rõ ràng.
Cuốn sách bí kíp “sống sót” những môn mà thầy Khánh giảng dạy được cựu sinh viên Phạm Huy Hoàng, Nguyễn Thanh Hòa viết thành sách.
Bìa sách với lời văn dí dỏm của sinh viên IT.
Phụ trách giảng dạy hai môn học đòi hỏi sinh viên nắm vững các kiến thức nền (từ OOP, DB, OS, các kỹ thuật lập trình cơ bản,…) là Advanced Java (hiện nay là Web-based Java Application) và XML, áp lực của thầy trong việc truyền tải kiến thức không hề nhỏ. Thầy thường yêu cầu sinh viên “đọc sách trước lấy ý niệm, lên lớp nghe thầy giảng, phát hiện đúng sai trong nhận thức để bổ sung kiến thức của mình, và tối về đọc lại lần nữa để hiểu kỹ hơn”. Việc học trên lớp, sinh viên luôn nhận được yêu cầu phải tập trung nghe, ghi chép, sau đó giúp sinh viên ôn lại kiến thức cũ trong những buổi học sau.
Trong quá trình học, thầy thường đặt các câu hỏi liên quan bài cũ trực tiếp đến sinh viên trên lớp và yêu cầu trả lời (khiến không ít bạn “không tập trung và không chăm chỉ” luôn giật mình thon thót!).
Hạnh phúc trước những “thị phi”
“Tiếng tăm” về thầy Kiều Trọng Khánh thì hầu như sinh viên SE nào cũng từng được nghe, khóa trước rỉ tai khóa sau, lớp này truyền tai lớp khác.
Sự nghiêm khắc, yêu cầu cao trong học tập, nghiên cứu của thầy Khánh đã cho ra đời nhiều “truyền kỳ” về thầy trong trường. Nào là thầy giáo “hắc ám”, “đao phủ”, “người hành nghề gươm đao”… lớp học luôn trong tình trạng căng thẳng vì nỗi lo bị 0 điểm, bị đánh vắng treo lơ lửng trên đầu. Nào là sinh viên nghe đến tên thầy ai cũng tim đập chân run, hồn phi phách tán… Trước những “thị phi” ấy, thầy Khánh chỉ mỉm cười.
Góc nghiêng “thần thánh” của “sát thủ” khi ngồi Hội đồng đồ án tốt nghiệp.
“Những truyền kỳ ấy, tôi có nghe, một phần là huyền thoại và một phần cũng là sự thật. Đối với tôi, “rất ít người sẽ cho tôi biết quan niệm của người ta về chính mình”. Vì vậy, biết được điều các bạn nghĩ về bản thân của mình cũng là điều hạnh phúc. Vì qua đó, tôi có cơ hội nhìn lại chính mình và biết mình như thế nào trong mắt người khác. Từ đó, tôi sẽ tinh lọc nhưng điều cần tiếp thu, những điều cần sửa chữa và rút kinh nghiệm cho bản thân nếu những điều đó không đúng” – thầy nói.
Thầy Khánh, hàng ngồi, thứ hai từ phải qua cùng các giảng viên ngành CNTT trong một giải bóng đá của nhà trường.
Thầy chia sẻ, thực tế, với tính khiêm khắc và yêu cầu cao, thầy lại nhận khá nhiều điều bất ngờ trong công việc: “Có những ngày 20/11, những ngày sau khi bảo vệ đồ án, những sinh viên tôi nghĩ là ghét tôi đến mức độ không thể nào ghét hơn vì tôi yêu cầu làm đi làm lại, làm cho đến khi hoàn thiện- nếu không sẽ không được bảo vệ hay được pass – lại gửi những lời nói về việc cám ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ của tôi (kỳ thực, theo quan điểm của tôi là tôi chẳng làm gì cả). Thậm chí, có một project chỉ còn một sinh viên làm vì những sinh viên khác không làm và bạn sinh viên ấy vẫn đạt điểm cao khi bảo vệ. Sau này, tôi mới biết rằng, bạn sinh viên ấy làm vì thầy, và để thầy không thất vọng cho dù có những lúc bạn ấy đã muốn bỏ cuộc. Và còn nhiều kỷ niệm như thế nữa giúp tôi tiếp tục vững tin vào công việc của mình”.
Người đứng sau những giải thưởng lập trình
Là một giảng viên tâm huyết, thầy Kiều Trọng Khánh thường khích lệ sinh viên của mình không ngừng học hỏi, áp dụng kiến thức vào thực tế. Thầy quan niệm, không có ai không qua luyện tập, rèn luyện mà có thể giỏi được. Tất cả mọi việc, cần phải làm – làm – học hỏi – rút kinh nghiệm – cải thiện và làm tiếp. Có như vậy mới có thể học tốt, làm tốt được. Đây cũng là lời khuyên để các bạn sinh viên có thể học tốt, cả môn chuyên ngành thầy dạy và trong việc học tập nói chung.
Với quan niệm ấy, thầy Khánh đã góp phần đưa nhiều sinh viên của mình đến với thành công. Đặc biệt, thầy là người đứng sau nhiều giải thưởng lập trình của sinh viên FPT như cuộc thi lập trình S.M.A.C Challenges 2015, cuộc thi Smart Hackathon Bình Dương 2016, cuộc thi FPT Hackathon 2016 do tập đoàn FPT tổ chức, Mobile Hackathon 2016 do Google Developer Group – GDG tổ chức tại HCM… Những ý tưởng của sinh viên do thầy hướng dẫn đều mang tính thực tế cao, được các doanh nghiệp quan tâm phát triển.
Nhóm SV FPT do thầy Khánh hướng dẫn đạt giải trong cuộc thi Smart City Hackathon Bình Dương 2016 do IBM tổ chức.
Theo thầy Khánh, thực chất, những sản phẩm đoạt giải ấy đều là những đồ án tốt nghiệp, được các bạn sinh viên nỗ lực nghiên cứu thực hiện với tất cả khả năng, tinh thần đam mê và nhiệt huyết (hay là sự sống còn). Trong quá trình làm việc, thầy luôn nghiêm khắc và đặt ra những đòi hỏi cao về tính hoàn thiện của sản phẩm. Nhờ vậy, những sản phẩm ấy đã vượt qua khỏi khuôn khổ của đồ án tốt nghiệp của sinh viên.
Thầy tâm sự, mong muốn lớn nhất của thầy khi động viên sinh viên đi thi, chính là để học hỏi và tiếp thu ý kiến đánh giá của những người sử dụng, những người có chuyên môn.
Một cựu sinh viên viết “thầy là động lực để e đi học, giống như khi người ta có mục tiêu trả thù thì võ công luyện nhanh hơn”.
“Khi có các cuộc thi về chuyên ngành diễn ra và phù hợp với đề tài đồ án tốt nghiệp tôi đang hướng dẫn và sinh viên đang thực hiện, tôi luôn khuyến khích các bạn đi tham dự. Khi đặt vấn đề dự thi, tôi chưa bao giờ đặt nặng chuyện giải thưởng. Tôi chỉ trao đổi với các bạn, đi thi không phải để đoạt giải, mà để học và chúng ta có cơ hội trình bày ý tưởng, cách thức tiếp cận và thực hiện đến những người có chuyên môn và những người sử dụng để từ đó chúng ta có được những nhận xét đánh giá khách quan. Qua đó, chúng ta có thể cải thiện được những gì chúng ta đang làm, giúp sản phẩm của chúng ta trở nên hữu dụng và thực tế hơn” – Thầy chia sẻ.
Với ý nghĩa ấy, thầy cùng sinh viên bỏ tiền để đầu tư cho sản phẩm để làm đồ án, sẵn tiện đem dự thi, nhất là với những ý tưởng sản phẩm sử dụng công nghệ hay công cụ hoàn toàn mới. Mọi vấn đề trong cuộc sống đều có những khó khăn nhất định, song đó là một trong những nỗ lực của thầy để sinh viên của mình háo hức tìm tòi, sáng tạo và có cơ hội khẳng định bản thân.
Với thầy, khi đã làm việc gì thì phải làm hết sức mình, biết sửa kịp thời bằng cách đi hết con đường và không có chữ “nếu” trong cuộc sống vì hối hận chẳng làm được việc gì. Khi được hỏi thầy có yêu công việc hiện tại hay không thì “làm một việc thì nỗ lực hết mình” là câu trả lời của thầy.
Quỳnh Anh – Minh Cúc