Vnexpress – Thiếu kinh nghiệm chuyên môn, yếu ngoại ngữ, kỹ năng mềm… là những trở ngại khiến không ít sinh viên thất nghiệp khi ra trường
Đối với các doanh nghiệp, nhân sự trẻ giỏi chuyên môn là lực lượng chủ chốt cho nhiều chiến lược kinh doanh. Để thu hút người tài, không ít công ty đưa ra chế độ đãi ngộ hấp dẫn nhưng vẫn không tìm thấy ứng viên phù hợp.
Phụ trách bộ phận nhân sự cho một công ty công nghệ nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam, anh Nguyễn Quốc Dũng (Hà Nội) cho biết hiện có rất nhiều vị trí cần người trẻ. Mặc dù mức lương khá hấp dẫn nhưng nhiều bạn sau khi thử việc không thể đáp ứng các tiêu chí đề ra.
“Việc tuyển dụng các tân cử nhân rất khó khăn, nhất là chuyên ngành kỹ thuật, vì đa phần ứng cử viên không sử dụng được tiếng Anh và thiếu kinh nghiệm làm việc thực tế. Có những bạn, hồ sơ xin việc đầy đủ bằng cấp, nhưng khi hỏi kỹ, hay đưa ra yêu cầu cụ thể thì không biết gì”, anh Dũng chia sẻ.
ương tự, chị Bùi Nhật Vy, đại diện công ty East Agile (TP HCM) chia sẻ một loạt khó khăn gặp phải trong tuyển dụng nhân sự. Theo chị, phần lớn sinh viên mới ra trường không chỉ non kém kinh nghiệm thực tế, mà ngay cả những kỹ năng cơ bản khi đi xin việc cũng không có.
“Viết CV hay đơn giản là email cho nhà tuyển dụng cũng là một vấn đề lớn. Nhiều bạn không thể hiện sự tôn trọng đối với nhà tuyển dụng, câu cú lủng củng, không có cấu trúc. Nhiều email thậm chí chỉ đính kèm file mà không có một dòng chữ nào…”, chị Vy nhận xét.
Mỗi doanh nghiệp có một yêu cầu riêng khi tuyển dụng, nhưng đều có chung những yêu cầu cơ bản như kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Để đáp ứng những tiêu chí này, sinh viên cần phải tự trang bị cho mình khi còn trên ghế nhà trường.
Theo đánh giá của bà Phạm Như Quỳnh, đại diện công ty Cổ phần Vật giá Việt Nam (VNP), sinh viên Việt Nam phát triển không đồng đều giữa các trường, các ngành nghề. Khả năng định hướng công việc tương lai, tự đánh giá nhìn nhận bản thân cũng có sự khác biệt. Phần lớn tân cử nhân đều thiếu trải nghiệm thực tế, không được va vấp nhiều, nhưng lại e ngại với các công việc bắt buộc phải vận dụng kỹ năng như bán hàng, dịch vụ khách hàng…
Từng tuyển dụng sinh viên của nhiều trường khác nhau, bà Như Quỳnh đánh giá cao thái độ và kỹ năng làm việc của cử nhân Đại học FPT. “Một trong những ưu điểm của các bạn là năng động, tự tin, hầu hết chấp hành kỷ luật tốt”, bà Như Quỳnh nhận định.
Sinh viên Đại học FPT có 4-8 tháng thực tập tại doanh nghiệp, để có thể được làm việc như những nhân viên thực thụ (on the job training). Sau kỳ thực tập, sinh viên có khả năng làm việc ngay, ít phải đào tạo lại về kỹ thuật, nghiệp vụ.
Với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm lên đến 98%, chương trình đào tạo của trường đề cao việc đảm bảo đầu ra cho người học. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, sinh viên còn có điều kiện tham gia nhiều hoạt động, phát triển kỹ năng sống. Ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật… là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc học của sinh viên FPT.
Đại học FPT đào tạo 11 chuyên ngành gồm Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Quản trị Kinh doanh, Tài chính Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Thiết kế đồ họa, ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Nhật, Quản trị khách sạn, Toán học, Truyền thông đa phương tiện.
Hiện trường có hơn 10.000 sinh viên theo học, trong đó có sinh viên đến từ 19 quốc gia trên thế giới. Theo thống kê mới nhất từ phòng Công tác sinh viên, 98% sinh viên FPT ra trường có việc làm ngay, với mức lương khởi điểm trung bình một tháng là 8,3 triệu đồng. 15% sinh viên đã và đang học tập và làm việc tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Singapore…
Theo Vnexpress