Nhật ký cách ly tại Pháp của cựu sinh viên FPT

Tròn 4 tuần cách ly tại Pháp, ngồi kể chút chuyện về tình hình bên này.

Nội dung bài viết

Tuần -1: Chuyện ngoài lề

Kết thúc câu chuyện lần trước, “hắn” vượt qua học kỳ 1 với kết quả không quá nát. Kỳ 2 lao đến với bao hứa hẹn. Quyết tâm lấy động lực học tập, “hắn” nhẹ nhàng book vé đi Ý vào cuối tháng 2 và đi Hà Lan – Luxembourg – Bỉ vào cuối tháng 4 cho 2 đợt nghỉ trong kỳ. Và dĩ nhiên cuộc sống ai biết trước đâu chữ ngờ. Trước ngày bay một tuần, Ý bắt đầu bùng dịch mạnh mẽ. “Hắn” chấp nhận mất trắng một phần tiền chứ không thể bỏ mạng nơi đắt khách quê người này được. Lớn rồi.

Tuần 0: Bước đầu

Mặc dù hơi muộn, nhưng khi ý thức được tình hình nghiêm trọng của dịch bệnh, chính phủ Pháp đã lập tức bắt tay vào thực hiện các biện pháp phòng chống. 8h tối thứ 5 12/03: Tổng thống Pháp lên truyền hình thông báo đóng cửa tất cả các trường học từ tuần tới.

Hình ảnh sinh viên Pháp khi nghe thông tin trường học đóng cửa bắt đầu từ thứ 2 – 16/03/2020.Từ mẫu giáo đến trường đại học trên toàn lãnh thổ Pháp sẽ đóng cửa đến khi có thông báo mới từ chính phủ.Một biện pháp muộn nhưng có lẽ cần phải làm điều gì đó vào thời điểm này.

Người đăng: Châu Âu trong tầm tay vào Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2020

Mặc dù là clip ghép thôi, nhưng bọn hắn xem lại vẫn cười không nhặt được mồm. Dĩ nhiên đối với đám học sinh, sinh viên không gì sung sướng hơn việc được nghỉ học. Mặc dù vậy, nghỉ không có nghĩa là được ở nhà đi chơi, mà vẫn phải học, làm bài tập online, thậm chí cả thi nữa.
Trong không khí hân hoan của việc nghỉ học vô thời hạn, các group hội du học sinh tại Pháp lại rầm rầm những bài đăng về việc các bạn trẻ được nghỉ học băn khoăn có nên về nước hay không. Ủa, mọi người làm gì vậy? Thực ra mỗi người đều có những hoàn cảnh riêng không thể phán xét, hoặc phụ huynh ở nhà quá lo lắng, hoặc nghỉ học mà cách ly xã hội không thể làm thêm kiếm tiền chi trả cho cuộc sống bên này, … hoặc vân vân mây mây lý do khác. Còn bọn hắn, một phần chắc tại có học bổng, vẫn ung dung tự tại, tận hưỡng chuỗi ngày sống chậm hiếm có.
Nhưng chỉ 2 ngày sau đó, sáng thứ bảy đẹp trời, dân Pháp vẫn ra đường, tụ tập đông người, đến công viên picnic, đi cà phê cà pháo, xuống đường biểu tình, … như chưa từng có một Cô Vy nào vậy. Ngay lập tức, 8h tối hôm đó, thủ tướng lại lên ti vi, ra lệnh đóng cửa hết tất cả quán bar, nhà hàng, quán cà phê, … chỉ trừ những dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống.

Tuần 1: Chính phủ hành động

Các sinh viên được lệnh lập tức trở về nhà, KTX phần lớn chỉ còn lại sv quốc tế, đếm số ô cửa sổ đang mở có vẻ cũng không nhiều.
Ngày 16/03, nhận thấy những biện pháp hiện tại chưa đủ mạnh, vào 8h tối, chính phủ lại lên ti vi thông báo trực tiếp, ra lệnh phong tỏa toàn bộ nước Pháp, chỉ được ra ngoài trong trường hợp cần thiết. Bắt đầu từ 12h trưa ngày 17/3, theo lệnh của Tổng thống Pháp, mọi di chuyển ngoài đường đều sẽ phải cần có giấy chứng nhận. Mức phạt ngày đầu tiên chỉ cảnh cáo từ 38 đến 135 euro. Nhưng qua ngày thứ 2, mức phạt đã tăng lên 135 đến 375 euro. Tức là bạn sẽ đi tong 3 củ đến 10 củ nếu chạy long nhong bên ngoài.
Quân đội được huy động để ngăn chặn người dân ra đường. Thời điểm này bọn hắn ngoan ngoãn ngồi trong nhà tận hưởng cuộc sống, tích trữ đồ ăn đầy đủ. Thi thoảng nghe những âm thanh ầm ầm bên ngoài, hóa ra thành phố hắn sử dụng trực thăng để theo dõi tình hình.
Đến 20 giờ tối mỗi ngày, tất cả người dân đứng ngoài ban công, cùng cổ vũ tinh thần cho nhau trong thời gian phong tỏa, cổ vũ và cảm ơn các y bác sĩ đang chống Covid-19. Không chỉ ở Paris, mà vùng quê hắn cũng nghe thấy tiếng xoong nồi loảng xoảng, tiếng huýt sáo, tiếng vỗ tay, … vang vọng cả góc trời.

Tuần 2: Chúng ta đang bắt đầu một cuộc chiến

Bình thường form giấy chứng nhận, phải được in ra rồi tự ký, ai không có máy in thì chép tay và đặc biệt không chấp nhận văn bản trên smartphone. Ngày 24/03, chính phủ lại đưa ra form mới, chép xong muốn gãy tay luôn khỏi ra đường. Form mới với nhiều quy định mới, đi ra ngoài đi dạo hoặc chơi thể thao chỉ trong bán kính 1 km từ nhà, tối đa trong một giờ, tất cả nên một mình và một lần một ngày. Nếu có sự tái phạm trong vòng 15 ngày, hóa đơn phạt sẽ tăng lên 1500 euro. Trên tất cả, việc không tuân thủ các quy tắc *hơn ba lần* trở thành một tội ác, bị phạt tù sáu tháng và phạt tiền lên đến 3.750 euro. Giai đoạn đầu, một bộ phận người bị phạt là người vô gia cư. Chính phủ công bố sẽ cung cấp không gian để phục vụ cho họ. Các hãng thời trang nổi tiếng chuyển qua sản xuất khẩu trang, các hãng nước hoa cũng chuyển qua nước rửa tay phục vụ cho sự thiếu hụt trầm trọng của đất nước. Kết thúc tuần 2, Pháp từ rank 7 nhẹ nhàng lên rank 6.

Tuần 3: Tình hình xấu đi

Hắn đã khá buồn khi mùa đông đầu tiên ở châu âu không được nhìn thấy tuyết. Chuyến đi trượt tuyết do trường tổ chức ở 1 resort cách Limoges 200km cũng bị hủy bỏ do không có tuyết. Vậy mà ngày cuối cùng của tháng 3 ấy tuyết lại rơi. Tuyết rơi không nhiều, không đủ để trắng xóa 1 mảng, cũng càng ko đủ để “Do you want to build a snowman?”, nhưng cũng đủ để hắn biết thế nào gọi là tuyết. Tuyết không như đám đá trong tủ lạnh, cũng không như mấy hạt trắng trắng mưa đá vẫn đập vào cửa sổ lộp bộp. Hồi trước nghe nghe XoneFM có bài gì mà … từng bông tuyết bay ngược lên bầu trời, hòa thành đám mây đổ ngang giữa đời …. Chắc tác giả phải nhìn thấy tuyết thật rồi mới viết được như thế chứ nhỉ. Ồ hóa ra tuyết nhẹ và nó bay được.
Hai phút tả cảnh đã hết, trở lại với thực tại, lương thực bắt đầu cạn kiệt, chép vội giấy chứng nhận, và bịt kín như một ninja thực thụ, hắn lên đường đi siêu thị.
Siêu thị không quá đông, cũng không cháy hàng. Chính phủ cam kết sẽ cung cấp đủ lương thực trong vòng ít nhất 6 tháng tới. Trong 1 thời điểm t chỉ cho Y người được vào, còn lại phải xếp hàng đợi, mọi người đều cố gắng giữ khoảng cách với những người khác.
Sự lây lan nhanh chóng của virus trên lãnh thổ Pháp và tình hình diễn biến ngày càng xấu đi. Các cuộc sơ tán lớn nhất kể từ khi bắt đầu dịch coronavirus diễn ra vào cuối tuần để giảm nhẹ gánh nặng cho các bệnh viện. Chính phủ huy động trực thăng và TGV để di chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện ít quá tải hơn. Các bệnh viện dã chiến được dựng lên liên tục. Tổng thống Pháp thông báo sẽ có chiến lược đầu tư lớn cho hệ thống y tế và tăng lương cho các y bác sĩ. Ngay từ đầu đại dịch, tổng thống Pháp đã tuyên bố “tin tưởng vào khoa học” và lấy đó làm “nguyên tắc định hướng cho hành động” để đương đầu với corona virus. Và chính phủ đã, đang lên các kế hoạch để củng cố và hỗ trợ tối đa cho ngành y tế, nghiên cứu y tế. Như thời sự 7h tối ở VN, hắn cũng chăm chỉ chờ đến 8h tối hằng ngày để nghe những thông tin mới từ chính phủ.
Cuối tuần 3, số liệu từ hệ thống các viện dưỡng lão hiện được thống kê, Pháp chính thức vượt TQ lên top 5 bảng xếp hạng.

Tuần 4: Chờ ngày lên đỉnh

Sau khi cộng thêm gần 20k ca từ các viện dưỡng lao, Pháp lên rank 5. Và cũng không quá khó khăn để mấy ngày sau Pháp vượt qua Đức lên rank 4. So với những ngày đầu tiên thì cuộc sống của hắn sang tuần 4 cũng không khác gì. Tháng 4 đến cùng những deadline ngập mồm, 8 project cần nộp và 7 môn học cần ôn thi. Dạo này mặt trăng khá to, to thật, chắc do rằm.
Sáng sớm thức dậy tập thể dục thể thao. Để cho tinh hoa trời đất nó đi vào từng tế bào. Để cho năng lượng tiêu hao, cho máu dồn lên não, cho tinh thần tỉnh táo và thể chất nâng cao.
Nguyễn Phượng Hoa- Cựu sinh viên ngành Khoa học máy tính
Sau khi xem xét bất cập từ form giấy chứng nhận cũ, Pháp đã đưa ra form mới cho phiên bản điện thoại, việc ra ngoài có vẻ dễ dàng hơn. Lần đầu tiên, các cơ quan y tế đã khuyến khích “công dân, nếu họ muốn”, đeo khẩu trang. Từ đầu dịch, chính phủ luôn nhấn mạnh khẩu trang không cần thiết cho người khỏe mạnh mà chỉ giành cho nhân viên y tế và người bệnh. Sau này, Pháp đã khuyến cáo người dân phải đeo khẩu trang, kể cả khẩu trang vải, ở nơi công cộng, đặc biệt do nhiều người nhiễm corona không có triệu chứng.
Lần đầu tiên trong 2 thế kỷ, Pháp hủy thi tốt nghiệp THPT vì COVID-19. Học sinh sẽ nhận điểm trung bình các môn học để làm cơ sở xét tuyển đại học. Không biết ở VN sẽ thế nào nhỉ? Nhưng chắc sẽ vẫn thi thôi.
Hết tuần 4, Pháp vẫn đang chờ đỉnh dịch, có thể vào tuần tới.

Tổng kết

Cuối cùng, mỗi quốc gia đều có vấn đề riêng phải đối. Hắn thấy ở đâu đó, mọi người chê châu Âu khá nhiều. Nhưng rõ ràng, việc chê xong không khiến tình hình trở nên tốt đẹp hơn, hay lòng yên bình hơn. Trong trường hợp này, cứ chấp nhận tận hưởng cuộc sống nghỉ dưỡng hiếm hoi, sống tích cực, và không làm gì.
Nguyễn Phượng Hoa- Cựu sinh viên ngành Khoa học máy tính