Sau hơn 10 lần thất bại với giấc mơ học tập làm việc tại nước ngoài, rồi phải quay trở lại vạch xuất phát chậm hơn bạn bè trang lứa vì chọn ngành không đam mê, những tưởng chàng trai trẻ Nguyễn Việt Tú sẽ trượt dài. Nhưng không!
Nguyễn Việt Tú sinh viên khóa 10, ngành Kỹ thuật Phần mềm đã vinh dự đại diện cho gần 150 tân cử nhân và tân kỹ sư phát biểu trong lễ tốt nghiệp đợt 2 năm 2018.
Mơ ước du học 10 lần bị dập tắt
“Lúc là học sinh lớp 12, Mình rất mộng được đi nước ngoài, nhưng nhà mình không có điều kiện. Mình dành rất nhiều thời gian săn nhiều học bổng ở các nước khác nhau. Dù ba mẹ biết vẫn rất ủng hộ và sẵn sàng giúp nhưng mình cảm thấy ray rứt nên vẫn giấu gia đình và đa số là tự dành dụm tiền ăn uống của bản thân để trang trải chi phí làm hồ sơ.
Nhớ hôm, mình chạy đến chỗ dịch thuật, khi nghe người ta báo giá dịch hết đống hồ sơ xong thì bụng thắt lại, tay vô thức lỡ vò nát luôn tờ vé gửi xe. Số tiền ba trăm nghìn thật sự quá nhiều để một đứa học sinh có thể nhịn ăn nhịn uống để đóng. Nhưng mình nghĩ mọi thứ khó khăn tài chính lúc đó đều sẽ được đền đáp bằng việc mình được đi du học. Cuối cùng, mình rớt suất học bổng đó.
Gần 10 lần như thế, mình thất bại hết tất cả!”
Khát khao được đi nước ngoài của Tú bị dập tắt và cậu hiểu rằng có những điều quá sức thì dù cố gắng vẫn không thể đạt được.
Hi vọng được đi du học lại được nhen nhóm khi đến một ngày, cố gắng của chàng trai trẻ cũng được đền đáp với suất học bổng bán phần ở một trường bên Nhật. Nhưng bán phần còn lại vẫn vượt khả năng chi trả của cậu và gia đình.
“Giấc mơ du học ấy được gần 3 năm và đó cũng là lần đầu tiên mình dừng lại và nhận ra ba mẹ mình đã lớn tuổi như vậy rồi. Dừng mọi tháng ngày “chân trong chân ngoài”, lơ là việc học để săn cơ hội, dừng việc làm mất thêm thời gian của bản thân và gia đình, dừng cuộc tìm kiếm tốn kém và có phần ích kỷ, để dành thời gian cho mục tiêu bình thường hơn. Đôi lúc, khi điên cuồng theo đuổi ước mơ, người ta không nhận ra bản thân và nhiều điều quan trọng khác quanh mình đã bắt đầu cạn kiệt. Trên đời, ngoài ước mơ và thành công ra, vẫn còn nhiều thứ quan trọng khác”, Tú bộc bạch.
Vạch xuất phát mang tên Đại học FPT
Tú quay về với cuộc sống bình thường, thi đại học như bao người nhưng lại một sai lầm nữa khiến cậu quay trở lại vạch xuất phát trong khi bạn bè cùng khoá đều sắp sửa ra trường, chỉ vì chọn nhầm ngành.
“Khi đó mình nghĩ, nếu đã không thể du học, thì ít nhất cũng muốn được vào một trường quốc tế, với giáo trình tiếng Anh và mở ra nhiều cơ hội sang nước ngoài hơn. Mình tìm thấy Đại học FPT. Lúc viết trong luận văn xin học bổng, mình nhớ mình đã viết rằng “Em chẳng có gì đặc biệt hơn người khác. Nếu có bất cứ điều gì em tự hào mình hơn người khác, chính là em thất bại nhiều hơn”.
Câu chuyện về những cố gắng kia cuối cùng mang lại cho Tú học bổng 100% của trường Đại học FPT.
“Đại học FPT chính là cánh cửa của mình, và đến hôm nay, ngày cuối cùng mình còn là sinh viên trường, mình cũng chưa từng hối hận. Mình được học chương trình bằng tiếng Anh, giáo trình nước ngoài như mình ao ước. Mình gặp các thầy cô có kinh nghiệm, chuyên môn, và cũng rất cá tính”. Tú nói về ngôi trường đại học của mình và những thầy cô đã đồng hành cùng mình trong suốt 4 năm.
“Sau này nếu em có đến được một nơi nào khác xa hơn, như Harvard chẳng hạn, em sẽ rất nhớ giọng cười “Hahahaha” của thầy Sử, sự dẫn dắt suốt mấy tháng làm đồ án tốt nghiệp của thầy Hùng, nhớ sự gần gũi nồng ấm của thầy Khánh, nhớ cô Chung và những tiết học vui nhộn của cô. Cô là người đầu tiên mà em viết email bày tỏ cảm xúc sau khi kết thúc môn học. Và cuối cùng, thầy Hoàng, không chỉ là một người thầy, còn là một người bạn, hướng dẫn không chỉ trong lớp học, còn ở mọi thứ khác trong cuộc sống. Cùng nhiều thầy cô khác, từng người từng người đã cho em đi nhờ chuyến đò…
Và quan trọng hơn, Đại học FPT thật sự đã mở ra cho em nhiều cơ hội trao đổi sinh viên. Được nhà trường tiến cử để rồi sáng sớm mai, em sẽ đặt chân sang Nhật Bản để nhận công việc chính thức công ty JEIS, một công ty con thuộc tập đoàn đường sắt JR ở Nhật Bản. Đây là công việc đầu tiên sau quãng đời sinh viên, và giấc mơ cách đây 7 năm của em lại hiện ra trước mắt”.
Tú dành những lời đầy xúc động dành cho bố mẹ, cho thầy cô: “Người xưa có câu, cha cõng con, cha con cùng cười, con cõng cha, cả hai cùng khóc. Chúng con cảm ơn các bậc cha mẹ, các bậc sinh thành, những người bảo lãnh, những người đỡ đầu, đã cõng chúng con trên vai đến ngày hôm nay. Các bậc phụ huynh đã vất vả rồi, từ giờ, xin hãy để chúng con tự bước trên đôi chân, cõng người đi hết đoạn đường còn lại. Các bậc thầy cô, ngày đầu tiên chúng em bước vào trường, đã cúi đầu hành lễ, mong nhận được sự dạy bảo. Ngày hôm nay, bước ra khỏi cánh cửa lớn kia, lại một lần nữa, chúng em xin được cúi đầu vì tất cả những gì đã được truyền dạy suốt bao năm”.
Sau cùng, cựu sinh viên Đại học FPT gửi gắm đến những người bạn của mình: “Và cuối cùng, như đã nói lúc ban đầu, khi mình kể xong câu chuyện của mình, là lúc các bạn kể câu chuyện của các bạn. Hy vọng lúc đó, mình và tất cả các bạn, đều đã leo qua được bên kia dải cầu vồng, nơi chúng ta nhìn thấy tất cả những ước mơ của mình vẫn luôn nằm ở đó”.
H.B (tổng hợp)