Trường Đại học FPT

Nhu cầu tuyển kỹ sư công nghệ thông tin tiếp tục tăng

Nhiều doanh nghiệp cần gấp nhân sự IT trong năm 2019, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực.

> ĐH FPT nhận giải thưởng ICT Education Award 2018 của ASOCIO
> Sinh viên Đại học FPT được doanh nghiệp săn đón tại Mock Interview Day
> Sinh viên Đại học FPT hấp dẫn trong mắt các doanh nghiệp quốc tế

Trong nhiều năm qua, nhu cầu tuyển dụng nhân sự IT luôn nóng do ngày càng nhiều công ty công nghệ đa quốc gia đặt chân tới Việt Nam. Số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (bao gồm ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng điện tử và dịch vụ) năm 2017 tăng 16,01% so với năm 2016. Tổng số lao động ước tính năm 2017 trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin khoảng 922.000, tăng 22,5% so với năm 2016.

Trang tuyển dụng ITviec.com vừa thực hiện cuộc khảo sát online thường niên vào tháng 12/2018 với nhân viên phụ trách nhân sự của 69 công ty IT tại TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.

Kết quả cho thấy, 53,6% trong 69 công ty IT tại Việt Nam tham gia khảo sát tiết lộ cần thêm 10-30% nhân sự IT trong năm 2019, trong khi 26% có nhu cầu tuyển thêm đến 30-50%. 8,7% doanh nghiệp muốn tuyển dụng hơn 50% nhân sự thuộc ngành này. Hơn một nửa công ty IT tại Việt Nam trong khảo sát cho biết nước ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực.

Nhân sự IT Việt Nam được đánh giá cao

52% công IT nước ngoài cho biết họ cũng từng xem xét tới nhiều quốc gia khác. Tuy nhiên, họ vẫn quyết định thành lập văn phòng ở Việt Nam nhờ Việt Nam có lợi thế về nhân sự IT giỏi, lương cạnh tranh và chính trị ổn định.

Trước đó, 82,6% nhà tuyển dụng đã cho điểm nhân sự IT Việt cao hơn những nước khác ở tiêu chí chuyên môn; 21,7% nhận xét đó cũng là một lợi thế mạnh của ngành IT Việt.

78,3% người tham gia khảo sát tiết lộ Việt Nam có nguồn nhân sự dồi dào hơn trong khi 60,9% đồng ý rằng giáo dục của ngành tại Việt Nam đáng tin cậy hơn những quốc gia khác.

Nhìn chung, 95,7% nhà tuyển dụng nhận thấy đầu tư văn phòng tại Việt Nam là xứng đáng vì chất lượng nhân sự tốt mà chi phí lương lại thấp hơn.

Nhiều cơ hội rộng mở 

Do nhu cầu cao về nhân sự IT, 48,3% công ty được khảo sát tiết lộ đã tăng lương cho các vị trí này 10-20% trong vòng một năm qua, Đặc biệt, 26,7% cho biết mức lương cho nhân sự IT đã tăng hơn 20%, chỉ 21,7% tiết lộ tăng 10% lương trong năm 2018.

Và dù lương cho nhân sự IT Việt Nam đã tăng nhiều nhưng nhà tuyển dụng vẫn khát nhân sự chất lượng cao. Các lập trình viên cấp cao (Senior Developer) – những người có thể tư duy sáng tạo và đưa ra giải pháp cho các vấn đề – là vị trí được các nhà tuyển dụng săn tìm nhất. Có 51,7% công ty IT đồng tình với ý kiến này.

Các lập trình viên với trình độ thấp hơn (Junior/Middle Developer) với khả năng làm theo hướng dẫn và viết code sạch, là vị trí được tuyển nhiều thứ hai – tiết lộ của 40% công ty tham gia khảo sát.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng tiết lộ những điểm cần cải thiện của nhân sự IT Việt Nam.

Dù họ được đánh giá rất cao về kỹ năng chuyên môn, nhưng 35% nhà tuyển dụng khuyên rằng họ cần phải có “năng lực thiết kế phần mềm và tư duy phản biện thay vì chỉ làm theo hướng dẫn”.

Quan trọng không kém là họ cần phải cải thiện khả năng tiếng Anh vì ngày càng có nhiều dự án quốc tế hoặc công ty đa quốc gia bước vào nước ta. Thông tin này được 26,7% các nhà tuyển dụng đồng tình.

Vấn đề nhảy việc thường xuyên cũng được 15% nhà tuyển dụng nhắc đến. Nhân sự IT được khuyên rằng nên trung thành với một công ty hơn là “đứng núi này trông núi nọ”.

Có hàng nghìn cơ hội cho các lập trình viên Việt Nam phát triển sự nghiệp trong năm nay nếu họ cải thiện được những kỹ năng mềm để phù hợp hơn với môi trường làm việc quốc tế.

Ông Chris Harvey, Giám đốc điều hành của ITviec cho rằng: “Việt Nam đang trên đường trở thành trung tâm công nghệ không chỉ của Đông Nam Á mà còn của cả thế giới. Ngày càng có nhiều công ty IT nước ngoài vào Việt Nam, các công ty trong nước cũng phát triển rất nhanh. ITviec chúng tôi rất tự hào hỗ trợ họ trong quá trình phát triển”.

Theo VNEXPRESS

Exit mobile version