Ai bảo gen Z thờ ơ với nghệ thuật truyền thống thì hãy đến ĐH FPT để trải chiếu lắng nghe những nam sinh điển trai, đa tài nơi đây vừa lập trình, ngoại ngữ nhoay nhoáy vừa ca cải lương ngọt như mía lùi và có niềm đam mê sâu sắc với âm nhạc dân tộcc.
Quán quân âm nhạc, song ca cùng nghệ sỹ cải lương gạo cội
Nguyễn Ngọc Lợi đam mê nghệ thuật, đến nỗi “lén ba mẹ” đi học thanh nhạc từ năm lớp 10. Tài năng của Lợi được khẳng định khi nam sinh này nhiều lần tham gia các cuộc thi âm nhạc và “ẵm” giải cao như Á quân cuộc thi The Golden Voice, Quán quân cuộc thi FPT’s Voice…
Âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc truyền thống đã “thấm nhuần trong mình” theo chia sẻ của Lợi: “Sinh ra ở miền Tây, mình may mắn được tiếp xúc với dân ca, cải lương… từ nhỏ. Giai điệu, câu từ của những khúc ca này tạo cho mình cảm xúc rất đặc biệt”. Ở ĐH FPT, Ngọc Lợi không chỉ được học kiến thức chuyên ngành Digital Marketing mà cậu yêu thích mà còn có dịp trải nghiệm, thể hiện đam mê âm nhạc truyền thống.
Lợi từng song ca cùng nghệ sỹ cải lương gạo cội là NSND, Tiến sỹ Bạch Tuyết trong chương trình “Tinh hoa cải lương” do ĐH FPT tổ chức. Giọng ca mùi và ngọt, kỹ thuật tốt của nam sinh năm 2 khiến nhiều nghệ sỹ có mặt tại chương trình không khỏi bất ngờ. “Mình vừa học tập tại ĐH FPT, vừa theo đuổi đam mê âm nhạc”, Lợi cho biết.
Học cực siêu, ca cải lương cũng cực “ngọt”
Hoàng Văn Hoàn sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể. Từ sinh viên học tập xuất sắc của ĐH FPT, thi thố tiếng Anh, tham gia Hội thảo Sinh viên Nghiên cứu khoa học FPT Edu, hay viết bài nghiên cứu chuyên sâu xuất bản trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới, Hoàn cũng “cân được hết”.
Từng đi nước ngoài du học, ngoại ngữ nhoay nhoáy, Hoàn còn có một đam mê khá khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa: cải lương. “Đôi khi, mình thích tìm hiểu những thứ tạm gọi là đi ngược xu hướng, cố gắng nhìn nhận những giá trị ẩn sâu của nó”, Hoàn giải thích. Với cải lương cũng vậy, Hoàn đào sâu nghiên cứu loại hình nghệ thuật này, để lý giải vì sao nó được lưu truyền qua hàng trăm năm, có cách nào để gen Z ngày nay hiểu, nhận ra vẻ đẹp của cải lương…
Rồi “trót yêu” từ lúc nào không biết, anh chàng tham gia Cóc Tài Tử – cuộc thi dành riêng cho âm nhạc truyền thống của sinh viên ĐH FPT và “rinh” luôn giải Nhất.
Môi trường ĐH FPT có nhiều cơ hội để Hoàn tìm hiểu và trải nghiệm cải lương, cũng như âm nhạc truyền thông nói chung. ĐH FPT đưa nhạc cụ dân tộc vào chương trình giảng dạy chính khóa cho sinh viên, thường xuyên tổ chức các webinar, talkshow về nghệ thuật truyền thống, trong đó có cải lương. Có lẽ, đó là những điểm chạm khiến gen Z như Hoàn yêu thích và chọn cách tiếp cận mới mẻ với những bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Dân code mê mẩn cải lương
Trương Lê Tuấn Kiệt học Kỹ thuật phần mềm ở ĐH FPT. Cậu bạn mê CNTT nên rất tích cực tham gia các sự kiện, trải nghiệm công nghệ ở trường như CLB F-Code.
Nhưng nếu gặp Kiệt trong những sự kiện âm nhạc dân tộc đình đám ở ĐH FPT thời gian gần đây nhiều bạn bè ngỡ ngàng khi nghe giọng ca cải lương rất mùi, rất ngọt của anh chàng này. Hỏi ra mới biết, Kiệt vốn là “con nhà gánh hát”, cả tuổi thơ gắn liền với cải lương. Kiệt tâm sự: “Tuổi teen của mình đúng vào lúc cải lương phát triển rực rỡ, nhà lại có gánh hát nên việc mình biết tới và yêu thích cải lương như một lẽ tất nhiên”.
Với Kiệt, cải lương chứa đựng cuộc sống, tâm tư của con người Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung. Bộ môn này còn “rất văn minh và đầy tính bác học”, theo lời cậu bạn. Kiệt vẫn nghe nhạc UK – US thậm chí còn có thể hát Opera bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, từng nhiều lần trình diễn tại các sự kiện lớn ở ĐH FPT. “Càng tiếp xúc với văn hóa cổ điển phương Tây, văn hóa Mỹ, mình càng thấy cải lương quý báu cả về lý thuyết và ảnh hưởng đại chúng”, Kiệt chia sẻ.
Học ĐH FPT, Kiệt cho rằng đó là hội để bản thân thỏa mãn đam mê âm nhạc dân tộc: “Mình rất thích bộ môn Nhạc cụ dân tộc và các sự kiện về văn hóa truyền thống ở trường. Học ĐH FPT còn là cơ duyên giúp mình được gặp NSND, Tiến sỹ Bạch Tuyết – thần tượng của mình”. Mê cải lương, với Kiệt là cách để “giãi bày tâm tư và nhắc nhớ những giá trị”.
Theo Saostar