Bạn có biết CEO của những start-up đình đám như ColorME, ThinkLabs, TopCV đều là cựu sinh viên của FPT Edu? Thú vị hơn, họ đã có những chia sẻ dành riêng cho các bạn sinh viên quanh câu chuyện khởi nghiệp và cả những bí kíp khởi nghiệp thành công giữa những thời điểm khó khăn như giai đoạn hậu Covid-19.
CEO ColorME: “Không có công thức thành công chung cho start-up”
Có lẽ cái tên Color Me đã trở nên quen thuộc với rất nhiều bạn trẻ “tay ngang” đam mê thiết kế và nhiếp ảnh. Ít ai biết được rằng, khi bắt tay vào xây dựng Color Me, Nguyễn Việt Hùng – nhà sáng lập của trung tâm, mới chỉ là sinh viên năm 2 ngành Khoa học máy tính Đại học FPT. Trải qua nhiều khó khăn, thậm chí có giai đoạn không có vốn, anh vừa là CEO, Founder nhưng cũng đồng thời là nhân viên Marketing, kế toán… cho chính dự án của mình.
Nói về bí quyết thành công của mình, Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Bài toán khởi nghiệp thành công không phải là một bài toán có công thức rõ ràng. Chúng ta khó có thể đúc kết được lý do vì sao các start-up thành công. Nhưng từ những bài học thất bại, chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro trong quá trình khởi nghiệp của mình.”
Việt Hùng cũng chia sẻ: “Để giảm thiểu tối đa những sai sót, mình nghĩ các bạn nên tận dụng cơ hội để có thể được tư vấn, nhận lời khuyên từ những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm. Ví dụ như tham gia FPT Edu Biz Talent 2020 cũng là một cách.”
Anh cũng đánh giá rất cao đề bài của cuộc thi năm nay vì cho rằng khởi nghiệp cơ bản là cùng nhau giải quyết các vấn đề của xã hội, có thể là vấn đề đã, đang và sẽ có: “Nhiều người vẫn cho rằng việc khởi nghiệp thành công lúc này – khi Covid đang hoành hành là điều viển vông. Nhưng nếu bạn nghĩ là bạn không thể, chắc chắn là bạn đúng. Dù có Covid hay không, người muốn khởi nghiệp sẽ vẫn khởi nghiệp, người chần chừ sẽ mãi chần chừ.” – Hùng chia sẻ.
Ngoài ra, CEO Color Me gửi những lời khuyên đến các start-up tham gia FPT Edu Biz Talent 2020: “Trong những năm khởi nghiệp của mình, anh có một số chia sẻ với các bạn như sau: Đừng bán thứ mà không ai cần; chuẩn bị kiến thức cơ bản về kinh doanh trước khi kinh doanh; khi đã xác định rõ bài toán mình muốn giải, những người đồng hành là điều rất quan trọng; luôn giữ sức khoẻ và giữ cho đầu óc thoải mái, start-up là một cuộc chiến đường dài.”
CEO ThinkLabs: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”
Giám đốc sản xuất công ty ThinkLabs chính là anh Vũ Hải Nam, cựu sinh viên Đại học FPT. Với sản phẩm tMonitor – hệ thống giám sát chất lượng không khí, anh Hải Nam đã xuất sắc trở thành quán quân của IBM Watson Build 2018 Châu Á – Thái Bình Dương.
tMonitor là ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT) và Học máy (Machine Learning) để cung cấp các phép đo theo thời gian thực, nhận biết hàm lượng các loại bụi mịn và siêu mịn như PM 10, PM 2.5, PM 1 và các khí như SO2, CO, O3, CO2… với độ chính xác cao.
Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp hậu Covid, anh Nam cho biết: “Cả 2 yếu tố khởi nghiệp và Covid đang là đề tài rất nóng bỏng hiện nay. Với sự bùng nổ của đại dịch Covid-19, tất cả mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng đầy thách thức, đòi hỏi những sự chuyển đổi mạnh mẽ về cách mà các doanh nghiệp đang được vận hành.
Hiện tôi đang ở Mỹ – tâm dịch, tâm điểm của kinh tế thế giới, và cũng là cái nôi khởi nghiệp của các công ty công nghệ, tôi nhận thấy các bạn trẻ ở đây đang thích nghi rất nhanh và từng bước sáng tạo ra sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu giãn cách giao tiếp, mua sắm trực tuyến, giáo dục và làm việc từ xa.”
Anh Nam cũng đánh giá rất cao cuộc thi như FPT Edu Biz Talent 2020 và xem đây là cơ hội tuyệt vời cho các bạn sinh viên đam mê khởi nghiệp: “Tôi nghĩ rằng cuộc thi FPT Edu Biz Talent 2020 sẽ là một cầu nối rất tốt để gắn kết sự sáng tạo và khát khao khởi nghiệp của các bạn trẻ tại Việt Nam. Hy vọng các đề tài sau cuộc thi sẽ được triển khai trong thực tế sớm.”
Khởi nghiệp lúc nào cũng thử thách, nhất là còn trong thời kỳ này, do vậy tôi nghĩ sinh viên cần lưu ý một số điểm: Nắm lấy cơ hội, giải quyết các vấn đề của cộng đồng; suy nghĩ thực tế, luôn sẵn sàng thích nghi với các xu hướng mới. Và cuối cùng, hãy giữ liên lạc với nhau, cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này.”
Với kinh nghiệp của một người đi trước, từng là thí sinh tham gia một cuộc thi lớn, anh Hải Nam cũng gửi đến các thi sinh của FPT Edu Biz Talent 2020 những lời khuyên quý giá:
“Khi tham gia một cuộc thi khởi nghiệp, với cương vị là người đi trước, tôi có vài lời khuyên tới các bạn như sau: Mở rộng mối quan hệ quốc tế sẽ giúp mở mang kiến thức, tư duy, cách sống và làm việc tốt hơn; mỗi cá nhân không thể thiếu kỹ năng làm việc nhóm và cần biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình vì “biết mình, biết ta trăm trận trăm thắng”. Cái gì là thế mạnh hãy quyết định làm, nếu yếu thì nên nhờ người giỏi tư vấn.”
CEO TopCV: “Khởi nghiệp cần kinh nghiệm và kiến thức”
Đến nay, TopCV – nền tảng kết nối cơ hội việc làm qua CV tại Việt Nam, đã trở thành cái tên quen thuộc đối với hơn 1,5 triệu người dùng trong đó có khoảng 60% là sinh viên thuộc hơn 600 trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Và Trần Trung Hiếu (cựu sinh viên Đại Học FPT) chính là CEO của start-up đình đám này.
“Ban đầu, chúng mình chưa tiếp cận đúng đối tượng, mỗi ngày chỉ có chưa đến 10 người dùng TopCV. Nhiều bạn bè khuyên mình bỏ dự án này đi vì không hiệu quả. Một người nói thì không sao, đến khi nhiều người cùng nói làm mình băn khoăn nhưng rồi lại tự động viên mình vượt qua.” anh Hiếu chia sẻ.
Thế nhưng với sự kiên trì và tầm nhìn của mình, Trung Hiếu đã từng bước đưa TopCV trở thành nền tảng tạo CV online có lượng người dùng dàng đầu thế giới với hơn 20,000 doanh nghiệp đang đăng ký sử dụng dịch vụ tuyển dụng và 2 triệu lượt truy cập mỗi tháng.
Chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp thành công, Trung Hiếu cho biết: “Để có thể có được một sản phẩm tốt thì phải liên tục thử nghiệm, sai thì sửa lại. Khởi nghiệp thành công hay không cần nhiều yếu tố nhưng không thể thiếu kinh nghiệm và kiến thức trong lĩnh vực mình định làm.”
Bên cạnh đó, anh cũng cho rằng các cuộc thi khởi nghiệp như FPT Edu Biz Talent 2020 rất thú vị, nhất là với đề bài “Khởi nghiệp hậu Covid” năm nay và khuyến khích các bạn sinh viên nên tham gia thử sức để cho bản thân mình một cơ hội thành công ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Có thể thấy, mỗi start-up lại có những bí kíp thành công của riêng mình. Nhưng bạn đều có thể thấy một mẫu số chung giữa họ, đó là dám nghĩ, dám làm. Bạn sẽ không thể thành công nếu những ý tưởng chỉ nằm trên giấy.
Vậy thì bạn còn chờ gì mà không đăng ký tham gia FPT Edu Biz Talent 2020 để biến ước mơ của mình thành hiện thực. Hạn cuối nhận đơn đăng ký là ngày 20/05/2020. Vòng chung kết cuộc thi dự kiến diễn ra vào ngày 20/06/2020 tại trụ sở của Tổ chức Giáo dục FPT ở Khu CNC Hòa Lạc, Hà Nội.
Khánh Như – FPT Edu