Kỳ thi THPT quốc gia khép lại cũng là lúc phụ huynh, thí sinh bắt đầu cuộc đua chọn trường, chọn ngành học. Sự căng thẳng, xung đột đã xảy ra khi phụ huynh áp đặt suy nghĩ cá nhân lên con cái.
Nhiều học sinh chọn trường theo cảm tính vì “thấy thích”, tiêu chí “hot”, bạn bè “dụ dỗ”… Nỗi niềm lo lắng và mong muốn về một tương lai vững chắc khiến không ít phụ huynh tham gia tích cực vào việc chọn trường của con. Đó là những lựa chọn đảm việc làm “bố mẹ lo được” hay nhàn hạ… Tuy nhiên đôi khi nó cũng gây nên những mâu thuẫn giữa hai bên. Đặc biệt khi ngôi trường cha mẹ chọn lựa nhưng các con không đam mê hay đủ năng lực để theo học. Chị Trần Dung Hằng (48 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Bản thân mình muốn con đi theo Y vì có đầu ra chắc chắn nhưng con cứ khăng khăng chọn trường Công nghệ thông tin và thần tượng chú Nguyễn Hà Đông, nên nhiều khi cũng không biết nên khuyên con thế nào”.
Sinh viên Đại học FPT.
Chị Hà Thị Thu Huệ, hiện là nghiên cứu sinh tại bang Massachusetts (Mỹ) chia sẻ, ngày ấy, vốn thích Marketing nên chị chọn một trường tư thục vì không muốn học theo kiểu đọc chép, giảng đường hàng trăm sinh viên nhưng gia đình hướng chị học sư phạm, hợp với nữ, ổn định, mặt khác, gia đình vẫn chuộng trường có bề dày lịch sử hơn. Chị cho biết do lúc đó không có đủ lý lẽ nên thuận theo ý phụ huynh nên học xong cử nhân, chị xin được học bổng để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Theo số liệu thống kê của Mạng việc làm JobStreet Việt Nam có đến gần 90% đối tượng mới tốt nghiệp không bằng lòng với công việc đang làm với các nguyên nhân như mức lương, công việc không đúng với chuyên môn. Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động chưa hài lòng với việc làm hiện tại, trong đó, việc không có hướng đi sự nghiệp rõ ràng chiếm 55%.
Đầu ra công việc là một lẽ, nhưng đam mê, năng lực của người học cũng rất quan trọng. TS. Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó Vụ trưởng, Phó ban chương trình quốc gia về vấn đề việc làm đưa ra lời khuyên: “Các vị phụ huynh hãy tôn trọng đam mê của con cái. Nếu các em muốn trở thành đầu bếp, thành người làm bánh, thành kỹ sư, hay bất cứ nghề nào, chỉ cần chân chính, hãy ủng hộ. Một sự rất khổ tâm của con người là hàng ngày phải đến công ty không phải là một ngày vui mà là một ngày chán nản, gò bó, buồn rầu”.
Sẽ là tốt nhất nếu có thể dung hòa giữa lựa chọn đam mê, năng lực của con và mong muốn của cha mẹ. Đặc biệt giữa một “rừng” trường đại học mọc lên như hiện nay, đó càng không phải là điều dễ dàng. Phụ huynh chỉ nên là người cố vấn, lựa chọn cuối cùng vẫn là con cái mình, để không vô tình phá hủy tương lai của con.
Chứng kiến con mình thực sự trưởng thành trong Lễ tốt nghiệp, phụ huynh mãn nguyện với thành quả mà bao năm qua mình đã chắt chiu vun đắp cho con.
Hầu hết hiện nay cả xã hội Việt Nam đang đều quan trọng bằng cấp, theo TS. Nguyễn Lê Minh đó là một quan niệm sai lầm. “Tôi đã 10 năm làm việc ở Đức, ở đó họ quan tâm và ý thức rất sâu về nghề nghiệp. Thực tế mô hình giáo dục ở Đức đang là tiêu chuẩn giáo dục cho nhiều nước trong khu vực ASEAN. Sự phân biệt giữa trường công lập và tư thục cũng là vấn đề đáng nói. Ở Mỹ, những trường ĐH hàng đầu của quốc gia này đều là trường tư thục, trong đó có Harvard, Mississippi… Hiện nay ở Việt Nam cũng có nhiều trường tư thục nhưng có chất lượng vượt trội so với trường công. Ví dụ như Đại học FPT với kết quả 98% sinh viên ra trường có việc làm với mức thu nhập trung bình là 8,3 triệu/tháng. Quan trọng không phải là trường công hay tư, mà là sản phẩm họ đào tạo ra là ai, sẽ trở thành người như thế nào!”.
Từng băn khoăn khi con gái mình chọn trường đại học tư thục, bác Phạm Mạnh Hùng (Đồng Nai) tâm sự điều khiến bác lo ngại nhất là con mình ra trường có việc làm hay không, lương thế nào. Nhưng sau 4 năm, bác cảm thấy hài lòng nhất khi cho con theo học ĐH FPT chính là bản thân Châu đã có thêm bản lĩnh, kỹ năng làm việc nhóm và sự tự tin khi thể hiện trước đám đông. Với hàng loạt bài thuyết trình nhóm lẫn của cá nhân xuyên suốt hầu hết môn học, nhà trường đã trang bị cho sinh viên kỹ năng thuyết trình tự tin, mạch lạc mà hầu như rất ít sinh viên các trường khác có được.
Sau khi con gái có sự thay đổi đó, “tôi cảm thấy yên tâm khi đứa con trai thứ hai theo học tại ĐH FPT, ngành Ngôn ngữ Nhật. Giờ đây, con gái lớn đã sẵn sàng cho kế hoạch học lên cao học, con trai út vẫn tiếp tục trải nghiệm môi trường đại học mang “khát vọng đổi thay'”, làm khác để làm tốt hơn” – bác Hùng tâm sự.
Theo Dân trí