Quán quân FPT Edu Hackathon 2018 gọi tên V-Team và SHS

Hai ứng dụng “Hệ thống đặt phòng và khóa cửa thông minh cho khách sạn” của đội V-Team (ĐH FPT) và “Ứng dụng điều khiển thiết bị trong nhà bằng giọng nói” của đội SHS (FPT Polytechnic HCM) cùng giành giải Nhất cuộc thi FPT Edu Hackathon 2018. 

Sau 27 giờ lập trình liên tục, 14 đội tham gia Chung kết FPT Edu Hackathon 2018 bước vào phần thi thuyết trình trước hội đồng giám khảo. Các đội chia làm 2 bảng thi đấu: bảng A (các đội ĐH FPT) và bảng B (các đội Cao đẳng và THPT FPT).

Ban giám khảo cuộc thi gồm: Hiệu trưởng ĐH FPT Hà Nội Nguyễn Khắc Thành; Phó Hiệu trưởng ĐH FPT Nguyễn Kim Ánh; Trưởng Hội đồng chuyên môn FPT Edu Hackathon 2018 Phan Trường Lâm; Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT Trần Thế Trung; cùng đại diện các doanh nghiệp Phần mềm như FPT Software; SmartOSC; GVN…

Hội đồng giám khảo FPT Edu Hackathon 2018. 

Sau hơn 3 giờ tranh tài, đội V-Team đến từ ĐH FPT hoàn toàn thuyết phục giám khảo cuộc thi để giành chức Vô địch bảng A. Cả đội nhận được điểm tối đa khi trình bày ứng dụng “Hệ thống đặt phòng và khóa cửa thông minh cho khách sạn”. Tại bảng B, các chàng trai SHS (CĐ FPT Polytechnic đăng quang ngôi vị Quán quân với ứng dụng ”Điều khiển các thiết bị điện trong nhà thông qua giọng nói”.

Là những người yêu thích du lịch, đội V-Team đến từ ĐH FPT Hà Nội đã xây dựng Hệ thống đặt phòng và khóa cửa thông minh cho khách sạn. Đội gồm 4 thành viên đều sinh năm 1997: Nguyễn Đắc Sang, Hồ Hoàng Hiệp, Nguyễn Văn Hưng và Đinh Trọng Nam. Trong đó, mỗi thành viên đều có nhiệm vụ cụ thể: Đắc Sang phát triển host của app Boki, Hoàng Hiệp phụ trách User (người dùng), Văn Hưng làm phần cứng và Trọng Nam làm sản phẩm.

Mã QR mở khóa cửa thông minh của đội V-Team. 

Theo đó, để sử dụng, người dùng truy cập và tải ứng dụng Boki về điện thoại. Sau đó, tìm phòng theo khu vực và giá tiền. Khách hàng thỏa thuận xong với chủ phòng sẽ nhận được một mã QR trên smartphone dùng mở khóa phòng bất cứ lúc nào. Khi trả phòng, số tiền cọc sẽ trở lại ví của người dùng, khoảng 3-5% phí sẽ được trả cho nhà cung cấp dịch vụ. Ứng dụng ”Hệ thống đặt phòng và khóa cửa thông minh cho khách sạn” giúp cho giao dịch đặt phòng nhanh chóng và an toàn hơn. Khách du lịch nước ngoài có thể thuê chỗ ở mà không mất phí đổi ngoại tệ. Bên cạnh đó, khóa thông minh giúp giảm bớt các vấn đề mất, hỏng, trộm khóa, có thể share cho người thân mở cửa. Giá thành lắp đặt dao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Bước vào trận chung kết, chàng trai Đinh Trọng Nam thu hút sự chú ý của BGK và khán giả khi thuyết trình tự tin, mạch lạc trên sân khấu. V-Team là đội duy nhất không dùng slide khi trình bày ứng dụng. Các thành viên đến từ ĐH FPT demo dễ hiểu và không gặp sự cố. Điều đó cho thấy họ đã chuẩn bị kỹ càng trước khi lên sân khấu.

Các thành viên V-Team thuyết trình ứng dụng tự tin trước BGK và khán giả.

Ngồi ở vị trí ghế nóng cuộc thi, Trưởng Hội đồng chuyên môn FPT Edu Hackathon 2018 Phan Trường Lâm đánh giá cao ứng dụng ”Hệ thống khóa cửa thông minh cho khách sạn” ở tính bảo mật cao và dễ thương mại hóa. Anh Lâm nhắn nhủ các chàng trai ĐH FPT cần liên kết với một công ty chế tạo khóa để tích hợp quét mã QR.

Đến từ CĐ FPT Polytechnic HCM, đội SHS gồm 4 chàng trai học chuyên ngành Lập trình di động gồm: Phạm Tiến Dũng (1999), Lê Thành Trường Sơn (1993), Nguyễn Ngọc Đắc và Trần Nguyên Cường (1996). Đội xây dựng ý tưởng sử dụng điện thoại nền tảng Android để điều khiển các thiết bị điện trong nhà thông qua giọng nói, có thể cài đặt điều khiển hệ thống điện tử theo ý muốn người sử dụng.

SHS thuyết trình về sáng tạo điều khiển nhà thông minh bằng giọng nói. 

SHS kỳ vọng sản phẩm sẽ đem nhà thông minh đến gần hơn với người dùng Việt Nam, giúp người dùng thoải mái hơn khi ở nhà. Theo đó, thay vì phải bật từng công tắc, người dùng chỉ cần một chiếc điện thoại Android kết nối Internet và nói để ra lệnh cho điện thoại điều khiển tất cả các thiết bị điện trong nhà.

Chia sẻ về ý tưởng của đội, Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1999) cho hay, trong một lần tham dự hội thảo IoT về công nghệ, cậu nảy ra ý tưởng sáng tạo một ứng dụng điều khiển nhà thông minh bằng giọng nói. Sau đó, Dũng tập hợp những người bạn cùng đam mê lập trình trong trường FPT Polytechnic. Nhóm SHS ra đời gồm 4 thành viên: Phạm Tiến Dũng đảm nhiệm vai trò lập trình arduino; Lê Thành Trường Sơn lập trình hệ thống; Trần Nguyên Cường và Vũ Ngọc Đắc nhận nhiệm vụ làm giao diện, xử lý và gửi tín hiệu xuống arduino hệ thống.

Hiệu trưởng ĐH FPT Hà Nội Nguyễn Khắc Thành trao giải cho hai đội vô địch FPT Edu Hackathon 2018.

Giành ngôi vị Quán quân cuộc thi, hai đội VTeam và SHS nhận được 30 triệu đồng tiền thưởng và một chuyến đi Singapore, Ngoài ra, đội Quán quân còn nhận được nhiều phần thưởng đến từ các nhà tài trợ: Color Me, TopCV, FShare, Techkids,…

Với sáng tạo “Hộp trồng rau tự động F-Greenbox”, đội CodeGang (bảng A) đã giành giải Á quân cuộc thi. Ở bảng B, các chàng trai QTL Team cũng về Nhì với ứng dụng “Thiết bị báo cháy thông minh”. Hai đội Á quân nhận được 20 triệu đồng tiền thưởng. Giải Ba trị giá 10 triệu đồng lần lượt trao cho Captains (ĐH FPT) với ý tưởng sử dụng “Hệ thống nhận diện khuôn mặt thời gian thực” và Jet Lùn với “Ứng dụng điều khiển nhà thông minh dành cho trẻ em từ 8 đến 14 tuổi”.

BTC cuộc thi đã trao giải Khuyến khích cho Olaf (ĐH trực tuyến FUNiX, áp dụng IoT cho trại trồng nấm rơm) và Bonic Smatech (FPT Aptech, ứng dụng hỗ trợ trồng cây thông minh).

Các đội thi chụp hình cùng Ban giám khảo và lãnh đạo ĐH FPT. 
FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên của Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Các thí sinh thi đấu theo đội, mỗi đội gồm 3-4 người. Cuộc thi có 2 bảng đấu với hệ thống giải thưởng riêng biệt và trải qua 3 vòng thi: vòng ý tưởng, vòng sơ loại và vòng chung kết.

Chungta