Sinh viên Đại học FPT chia sẻ bí kíp ôn thi cho 2k

Teen 2k trên cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Các sĩ tử của chúng ta đều đang dốc hết sức chạy đua với thời gian cho giai đoan nước rút này.

Thời gian không còn nhiều nhưng giai đoạn này sẽ có những chiến thuật riêng cho mình. Sinh viên Đại học FPT đã có dòng chia sẻ về kinh nghiệm “xương máu” của chính mình gửi đến các bạn học sinh. Chúc các bạn vượt qua kỳ thi một cách xuất sắc.

Nhớ lại “cửa ải” quan trọng năm ấy, Lương Công Thuận, sinh viên năm 3 ngành Kỹ thuật phần mềm trải lòng: “Với mình thì “thi đại học” có khác với những thí sinh khác đôi chút. Mình có phần lợi thế về mặt tâm lý hơn những bạn khác vì đã đậu đại học trước đó. Một phần cũng vì vậy mà mình muốn thử sức ở những hội đồng thi căng thẳng hơn ở các trường điểm. Thế là mình quyết định thi hẳn khối ngành B và V mà không ôn thi như cách các bạn khác vẫn làm (ngành tay phải của mình là A)”.

Thuận cho biết bản thân chỉ học thêm tuần 3 buổi để có cơ hội gặp thầy trao đổi. “Thời gian chính của mình là tự giải các đề thi và đảm bảo sức khỏe cho cả chặng đường ôn luyện dài hạn. Lúc đó mình cũng có “nghe đồn” vài bạn vì ôn mà mất ngủ, người nhợt nhạt, thấy được cái sai thế nên mình quyết định tự rút kinh nghiệm” – Thuận nói thêm.

SV Lương Công Thuận trong thời gian “du học” tại Pháp theo chương trình Học kỳ nước ngoài do ĐH FPT tổ chức.

Nhớ lại không khí ngày đi thi, Thuận nói “Ngày rời quê vào thành phố cũng tới, với những bạn ở thành phố thì việc chào đón khóa thi đại học có lẽ đã bình thường, nhưng lúc đấy thì mình choáng ngợp với sự nhiệt tình của các anh chị TSMT (tiếp sức mùa thi). Phải nói là không khí nhộn nhịp hẳn. Được gặp các anh chị TSMT là tâm lý các sĩ tử lại được ổn định phần nào”.

Không quá đặt nặng việc thi cử, Thuận cho biết thời gian lúc thi, bản thân đặt mục tiêu nhẹ nhàng, chuẩn bị tâm lý vững vàng vì việc học đã là sự tích lũy của 12 năm qua. Nên bí quyết của Thuận là “Cứ thong thả xách tập, máy tính, bút viết đi thi, cũng vì trước đó mình đã có kinh nghiệm thi đợi HSG Quốc gia nên châm ngôn vẫn là “kiến thức là cả quá trình ôn luyện chứ không phải một ngày may mắn”.

Cùng lúc đậu một trong hai ngành thi nên bản thân Thuận lúc đó cũng ít nhiều phân vân chọn trường, “Thực ra học ở đâu chẳng quan trọng, lúc đấy mình đang chuẩn bị cho đại học vì đại học là học “đại” – Thuận đưa ra lời khuyên.

Năm đó đăng ký dự thi khối A1 và D1, Nguyễn Thị Thu Hương, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh mách nước kinh nghiệm ôn thi của bản thân trước, trong và sau khi thi khá tỉ mỉ. Trước khi thi, cô bạn dành thời gian đọc sách, vở (nội dung chính). Ôn lại những khái niệm cơ bản đến nâng cao. Học cái gì chắc cái đó. Đầu óc thoải mái. Ăn uống đúng bữa, ngủ đúng giờ. Khi đã bước vào phòng thi thì việc cần làm đầu tiên là đọc đề qua một lượt trước, không vội làm ngay. Làm câu dễ trước, khó bỏ qua, quay lại sau, đừng mất quá nhiều thời gian với những câu bạn thấy khó hay bạn chưa chắc chắn. Làm câu nào chắc câu đó. Xong câu nào các bạn nên ghi lại trên phiếu trả lời ngay, tránh sai sót hay viết thiếu. Một lưu ý không thể bỏ qua là  10 phút trước khi hết giờ nên dò lại bài”. – Hương cho biết.

Nguyễn Thị Thu Hương đã xuất sắc dành suất học bổng Nguyễn Văn Đạo vào ĐH FPT.

Thi cử là một cuộc thi cả về kiến thức lẫn tâm lí. Bởi khi tinh thần vững vàng thì mọi vấn đề khác đều được giải quyết nhanh chóng và dễ dàng hơn. Nếu cảm thấy khá tự tin về kiến thức thì bạn có thể gập lại sách vở để đầu óc thư thái và trấn an tâm lí. Còn thực sự còn mơ hồ về kiến thức, bạn cũng có thể xem lại bài vở. Tuy nhiên, hãy giảm cường độ, hãy ôn luyện lại một cách nhẹ nhàng, đừng làm cho đầu óc mình căng thẳng. Bởi như vậy tâm lí mình càng hoang mang và lo sợ. “Chỉ còn thời gian rất ngắn nữa là teen 99 bước vào kỳ thi THPT Quốc gia nên để đầu óc thoải mái, hãy thư giãn, làm điều mình thích – Hương gửi gắm.

Dành thời gian ôn thi khá nhiều, Nguyễn Thanh Phương Thảo, sinh viên ngành Ngôn Ngữ Nhật nhớ lại kỳ thi năm ấy, “ngày nào mình cũng học từ 6h -10h tối, học cả thứ 7, chủ nhật, với mỗi tuần đều thi thử liên tục 2 tháng trước ngày thi”.

Vì đã nắm chắc kiến thức nên khi đi thi, Phương Thảo khá thoải mái, tự tin, kinh nghiệm của cô bạn là “cứ bình tĩnh đi thi không mang tâm trạng nặng nề gì cả, làm bài thi xong không so đo kết quả với bạn, cũng không dò kết quả đăng trên báo hay trên mạng để không bị mất tinh thần, thi xong tất cả các môn rồi mới dò” – Thảo cho biết.

Phương Thảo trong thời gian trao đổi tại xứ sở Hoa anh đào theo chương trình Học kỳ nước ngoài tại Nhật Bản dành riêng cho sinh viên Ngôn Ngữ Nhật.

Dù bạn học như thế nào đi nữa thì sức khỏe vẫn là yêu tố quan trọng. Hãy trang bị cho mình một nguồn năng lượng thật dồi dào để bước vào kì thi quan trọng này.

Trước khi thi một ngày, cô bạn gác lai hết mọi bài vở, dành thời gian thư giãn. “Mấy ngày trước khi thi và ngày thi, mình chỉ ăn cơm nhà nấu. Mình cũng được chuẩn bị số loại thuốc… đi thi thì mang giấy tờ đầy đủ và nên mang đồng hồ kim bên mình nhé”.

Cùng quan điểm việc gần ngày thi không nên ôn luyện nhiều, một sinh viên khác chia sẻ “đừng ôn dồn dập quá nhiều, các bạn nên để đầu óc thoải mải, nghỉ ngơi; hoặc cùng lắm xem lại các kiến thức mà mình chắc nhất, để đừng lan man mất điểm. Vào thi hãy bình tĩnh, lỡ làm không tốt thì cũng bỏ qua vì còn những môn khác cần phải vượt qua”.

Minh Cúc