Sinh viên Đại học FPT đón Tết Đinh Dậu ở Nhật Bản

Mùa xuân đã gõ cửa từng nhà. Trong không khí rộn ràng của những ngày giáp Tết, những sinh viên Đại học FPT tham gia “Học kỳ ở nước ngoài” tại Nhật Bản không kịp về nhà đón Tết, không được hưởng không khí Tết trọn vẹn. Cùng xem lần đầu tiên đón năm mới xa nhà của các bạn sinh viên như thế nào nhé.

Tết xa nhà: tự tạo không khí Tết

Người Nhật không đón tết Âm nên ngày Tết Nguyễn Phương Thảo – Du học sinh tại Đại học Risso (Nhật Bản) vẫn đi học bình thường. Thảo dự định ngày 30 Tết sẽ cùng các bạn đi ăn buffer bằng tiền làm thêm dành dụm bấy lâu nay, mua cho mình thứ gì đó mới, quét dọn phòng sạch đẹp để tự tạo không khí tết cho mình.

Đón Tết xa nhà, Nguyễn Phương Thảo sẽ tự tạo không khí Tết cho mình bằng cách mua đồ mới, quyét dọn phòng sạch sẽ.

Dù ăn Tết xa nhà nhưng vẫn mong được thưởng thức những món ăn truyền thống của quê hương, Thảo bật mí: “Em đã đặt bánh chưng và cây giò qua mạng, mùng 1 sẽ cùng các bạn liên hoan 1 bữa; sẽ đủ các món ăn ngày Tết: bánh chưng, giò chả, gà, nộm, làm nem các thứ các thứ đón chào năm mới. Nhất định không quên gọi về cho gia đình, họ hàng, bạn bè hỏi thăm chúc tết, ăn tết xa nhà nên chỉ cố gắng được vậy thôi.”

Tết xa nhà: tự thưởng cho mình 1 ngày đón giao thừa

Còn với Nguyễn Lan Anh – du học sinh tại trường Đại Học Ngoại Ngữ Kyoto hài hước chia sẻ sẽ đón Tết cổ truyền của dân tộc tại Nhật cùng với những buổi học và kỳ kiểm tra. “Nhật Bản ăn tết dương lịch nên hiện giờ hoàn toàn ko có 1 chút không khí Tết nào chị ạ. Đây là cái Tết đầu tiên xa nhà, nó chắc chắn là sẽ khác xa so với mọi năm, theo dự kiến thì đến ngày 30 tết Việt Nam thì e mới hoàn thành xong những buổi học cuối cùng và kì kiểm tra.”

Nguyễn Lan Anh sẽ tự “thưởng” cho mình 1 ngày nghỉ đón giao thừa

Bận rộn với việc học, việc đi làm thêm, Lan Anh cho biết sẽ “thưởng” cho bản thân 1 ngày nghỉ – đúng vào ngày giao thừa ở Việt Nam và sau đó lại tiếp tục công việc. Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ không khí Tết ấm áp ở Việt Nam, Lan Anh sẽ cùng những người bạn thân ăn uống, trò chuyện, nhớ lại những niềm vui của Tết các năm trước.

Tết xa nhà: nhớ những món ăn truyền thống

Khi nói về Tết Việt Nam, cô bạn xinh xắn Phan Linh – du học sinh tại trường Đại Học Ngoại Ngữ Kyoto xúc động nhớ lại ngày tết những năm trước: “Ở Việt Nam tầm 26 – 27 tết là em sẽ có nhiệm vụ đi mua bánh kẹo. Chiều cuối năm sẽ cùng bà đi tảo mộ các cụ; đêm giao thừa cùng mẹ chuẩn bị mâm cúng tổ tiên rồi cùng bố uống bia xem táo Quân.”

Tết xa nhà, Phan Linh nhớ nhất món “bánh chưng”

Năm nay đón Tết Đinh Dậu xa nhà, cô bạn dự định sẽ xuống bếp tự tay nấu những món ăn Việt Nam: gà luộc, nem rán, canh hầm. Phan Linh chia sẻ cảm thấy tiếc nuối nhất là rất thích ăn bánh chưng nhưng vì ở đây đặt hàng khó nên sẽ để dành tháng sau về Việt Nam ăn sạch bánh chưng mẹ để phần. “Tuy không được về nhà đón tết những có cơ hội được trải nghiệm Tết ở Nhật Bản, cũng có 1 chút an ủi. Ngày đó em đã viết thiệp chúc tết và trang trí đẹp gửi đến những người thân quen.” – Phan Linh bày tỏ.

Với những người trẻ Việt đón Tết xa quê, Tết là sự sẻ chia của những người con xa xứ, là tự thưởng cho mình 1 ngày nghỉ, là những giây phút hạnh phúc xuống bếp làm món ăn dân tộc và nhớ về Tết cổ truyền. Đón Tết xa nhà sẽ càng trân trọng hơn những cái Tết được sum vầy cùng gia đình.