Sinh viên Đại học FPT làm web hỗ trợ cứu nạn người dân vùng lũ

Nhận thấy những bất cập trong việc cứu trợ người dân vùng thiên tai khi các hoạt động diễn ra tự phát, đoàn tình nguyện gặp khó khi xác định vị trí cần cứu hộ…, nhóm nam sinh Đại học FPT đã tạo một ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề này.

Thiên tai là điều không ai mong muốn và cũng không thể né tránh, nhưng bằng tình yêu thương, lòng san sẻ, chúng ta có thể phần nào khắc phục những hậu quả đau lòng. Năm 2020, miền Trung gồng mình trong mưa bão, lũ lụt liên tiếp, hứng chịu những thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Chứng kiến những gian nan vất vả của người dân nơi đây, nhiều cá nhân, tổ chức trên cả nước đã không quản ngại khó khăn, quyên góp tiền và nhu yếu phẩm để đến tận nơi, trao tận tay cho người dân vùng lũ.

Tuy nhiên, trong quá trình cứu trợ, do nhiều đoàn tình nguyện là tự phát nên không tránh khỏi những bất cập phát sinh. Ví dụ có người nhận được rất nhiều quà, tiền, có người lại không có do thông tin bị thiếu sót. Mặt khác, việc tổ chức đi trao quà tự phát cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhiều trường hợp lạc đường, bị thương trong quá trình di chuyển. Với mong muốn sử dụng công nghệ để khắc phục những vấn đề trên, nhóm 5 nam sinh Trường Đại học FPT Hà Nội gồm Nguyễn Ngọc Hiển, Nguyễn Tuấn Anh, Đinh Thế Hiệp, Nguyễn Tiến Thành, Trần Đức Nam đã quyết định nghiên cứu và phát triển đồ án mang tên “Ứng dụng hỗ trợ cứu nạn người dân vùng thiên tai” với nhiều tính năng tiện lợi và thiết thực.

Ứng dụng web cứu hộ người dân vùng thiên tai là đồ án tốt nghiệp được nghiên cứu và phát triển bởi 5 sinh viên ĐH FPT Hà Nội

Ứng dụng hiện được xây dựng trên nền tảng website, hướng đến 3 nhóm đối tượng sử dụng chính là Staff – nhóm quản lý thông tin thuộc đơn vị chủ quản ứng dụng), Rescuer – nhóm cứu trợ và Guest – người cần cứu trợ. Các cá nhân/tổ chức có nguyện vọng tham gia cứu nạn người dân vùng thiên tai chỉ cần đăng ký tài khoản trên hệ thống và Staff có trách nhiệm kiểm tra thông tin xem cá nhân/tổ chức đó có phù hợp với yêu cầu hay không.

“Về phía người dân vùng thiên tai, họ có thể gửi yêu cầu hỗ trợ đến hệ thống thông qua mẫu có sẵn trên web, hoặc gọi điện, nhắn tin thông qua số hotline. Ngay sau đó, thông tin của họ sẽ được cập nhật trên bản đồ và đoàn cứu trợ có thể nhìn thấy các yêu cầu chi tiết của người dân. Khi một cá nhân/tổ chức đã chọn vị trí cứu hộ thì những cá nhân/tổ chức khác không thể chọn nữa, điều này nhằm đảm bảo công tác cứu hộ được triển khai trên diện rộng và đều, không người dân nào bị bỏ quên.

Nhóm sinh viên đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu công nghệ, khảo sát thực tế để phát triển đồ án này

Ngay trên bản đồ của web, người dân cũng có thể theo dõi xem vị trí phát tín hiệu cứu hộ của mình đã được ghi nhận hay chưa. Bản đồ này cũng tích hợp tính năng chỉ đường, hướng dẫn phương tiện và phương thức di chuyển phù hợp để công tác cứu hộ được thuận lợi và an toàn nhất” – Sinh viên Ngọc Hiển cho biết.

Ứng dụng web tích hợp bản đồ thông minh, giúp đoàn tình nguyện dễ dàng xác định vị trí cũng như yêu cầu cứu hộ của người dân vùng thiên tai

Cũng theo sinh viên này, điểm đặc biệt của ứng dụng này so với những sản phẩm đã có mặt trên thị trường trước nay đó là cung cấp bản đồ định vị và tính năng quản lý nhóm, quản lý kho hàng (nếu có) cho đoàn cứu trợ. Cụ thể, hệ thống sẽ cung cấp cho các cá nhân/tổ chức tình nguyện một trang để quản lý thông tin thành viên, thảo luận nhóm cũng như kiểm kê kho hàng hóa cứu trợ. Việc quản lý thông tin số thay vì làm theo phương pháp thủ công như vậy sẽ giúp đoàn tiết kiệm được tối đa công sức, thời gian, dễ dàng trong việc lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ và phân chia hàng hóa.

Sinh viên Đức Nam thuyết trình về ứng dụng trong buổi bảo vệ đồ án

Hơn 4 tháng ăn, ngủ cùng đồ án, nhóm sinh viên ĐH FPT Hà Nội không chỉ tìm tòi, sáng tạo về công nghệ mà còn phải đi thực tế, liên hệ với những đoàn cứu trợ, tình nguyện tự phát để khảo sát xem họ gặp những vấn đề gì, kỳ vọng những tính năng nào cho một ứng dụng hỗ trợ cứu nạn thiên tai. Hiện tại, nhóm vẫn đang nghiên cứu phát triển thêm cho website một số tính năng mới, ví dụ như mở rộng đối tượng cần hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

“Cả nhóm hy vọng ứng dụng sẽ được nhận đầu tư để phát triển hoàn thiện và sớm đi vào ứng dụng thực tế trong tương lai. Việt Nam mình tuy không có điều kiện như các nước lớn nhưng chúng ta có một cộng đồng tình nguyện viên đông đảo, sẵn sàng vươn tay giúp những đồng bào đang gặp khó khăn và nhóm hy vọng ứng dụng này sẽ góp một phần công sức trong đó” – Nhóm sinh viên ĐH FPT Hà Nội chia sẻ.

Theo Dân Trí