Sinh viên Đại học FPT sáng tạo ứng dụng truy vết Covid-19

Khi có ca nhiễm Covid-19 được phát hiện, lịch sử tiếp xúc trong ứng dụng sẽ thông báo cho người dùng nếu họ từng tiếp xúc bệnh nhân và cả 2 cùng sử dụng ứng dụng. Đây là ứng dụng được phát triển trong đồ án tốt nghiệp của SV ĐH FPT có tên SafeZone.

Xét nghiệm, truy tìm dấu vết tiếp xúc, cách ly và kiểm dịch là chiến lược tối ưu nhất hiện nay nhằm giải quyết bài toán ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 được nhiều chuyên gia đưa ra cho chính phủ và các cơ quan Y tế. Tuy nhiên việc theo dõi thủ công đang cho thấy nhiều hạn chế: Tốn thời gian, khó mở rộng do người theo dõi tiếp xúc cần được đào tạo tốt, thường xuyên quá tải do phải xử lý khối lượng lớn thông tin, việc ghi nhớ những người từng tiếp xúc cũng rất khó khăn với bệnh nhân…

Nhận thấy có thể áp dụng công nghệ vào giải quyết những vấn đề này một cách nhanh chóng, nhóm sinh viên ĐH FPT gồm Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Anh Hào, Ngô Xuân Lộc, Phạm Quốc Việt đã cùng nghiên cứu và xây dựng ứng dụng giúp truy vết việc tiếp xúc gần với người có khả năng nhiễm Covid-19 – Ứng dụng SafeZone. Đây cũng là đồ án tốt nghiệp của nhóm tại đợt bảo vệ đồ án kỳ Summer, ĐH FPT. Ứng dụng giúp tìm kiếm nhanh, khoanh vùng đầy đủ những người có khả năng nhiễm Covid-19, giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan chức năng. Đồng thời, thông báo nhanh chóng đến người dùng giúp họ có thể liên hệ với các cơ sở Y tế nếu đã từng tiếp xúc với người bệnh.

Cơ chế hoạt động của SafeZone rất đơn giản: Sau khi cài đặt, người dùng sẽ được cấp một mã nhận dạng. Khi có bất cứ mã người dùng nào khai báo trên ứng dụng về việc từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, SafeZone sẽ lập tức kiểm tra trên kho dữ liệu thông tin của Bộ Y tế để xác minh. Nếu thông tin là đúng, ứng dụng sẽ truy lại lịch sử tiếp xúc gần và gửi thông báo về điện thoại nếu như bạn và người dùng đó có tiếp xúc. Ứng dụng cũng sẽ truy xuất thường xuyên dữ liệu của Bộ Y tế để cập nhật nhanh chóng, chính xác và thông báo với người dùng của mình nếu trường hợp tương tự xảy ra.

Sau khi được thông báo về việc đã tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19, người dùng sẽ nhận được hướng dẫn về cách thực hiện các hành động tiếp theo như làm thế nào để liên hệ với cơ quan Y tế gần nhất, các quy tắc, biện pháp phòng tránh lây nhiễm… Như vậy, càng nhiều người cài đặt ứng dụng thì hiệu quả phòng tránh Covid-19 sẽ càng cao.

Để làm được điều này, SafeZone sử dụng công nghệ Bluetooth, 1 trong 3 công nghệ tối ưu nhất hiện nay trong việc xác định độ tiếp xúc gần (2 công nghệ còn lại gồm định vị qua BTS (Trạm phát sóng di động) và GPS (Hệ thống định vị toàn cầu). Trong khoảng cách từ 2 – 10m, ứng dụng có thể phát hiện chính xác các tiếp xúc với người sử dụng nếu cả hai cùng cài đặt ứng dụng. Các nước Châu Âu hiện tại cũng đang sử dụng công nghệ này vì vừa tiết kiệm chi phí, hiệu quả, lại thuận tiện và ít tốn năng lượng để sử dụng trên các thiết bị di động.

“Trong suốt hơn 4 tháng, chúng tôi đã nghiên cứu và xây dựng thành công giải pháp Công nghệ Bluetooth Low Energy phát hiện khả năng tiếp xúc gần với dịch bệnh trên nền tảng di động Android”. Dự án đã hoàn thành và kiểm tra thành công các bước tiếp xúc trên điện thoại và nhận được tin nhắn thông báo liên lạc, đồng thời giúp người dùng cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh xung quanh với chính nước sở tại và trên thế giới” – Anh Hào, đại diện nhóm phát triển ứng dụng chia sẻ.

Ứng dụng cũng đảm bảo tính riêng tư và sự bảo mật khi chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại người dùng, không lưu về hệ thống cũng như không thu thập vị trí của người dùng. Ứng dụng cũng không cung cấp thông tin quá cụ thể của những người nhiễm/nghi nhiễm Covid-19 như họ tên, địa chỉ nhà… mà thay vào đó là một mã đã được cấp từ trước và thông tin tiếp xúc của họ để đảm bảo tính ẩn danh và quyền riêng tư.

Trên thế giới, các giải pháp sử dụng công nghệ bluetooth năng lượng thấp để phát hiện lịch sử tiếp xúc với người có khả năng mắc Covid-19 không phải hiếm, nhiều ứng dụng đã được Châu Âu và Úc sử dụng. Việt Nam cũng đã triển khai giải pháp sử dụng hệ thống dò tìm khoảng cách kỹ thuật số như Bluezone, Blue Tracer.

Tuy nhiên, ưu điểm khác biệt của SafeZone là giúp người dùng dễ dàng nhận thông báo về việc tiếp xúc với người, khả năng lây nhiễm bệnh và nắm được tình trạng tổng quan về bệnh Covid-19 theo từng ngày, từng giờ bằng việc cung cấp các biểu đồ, đánh giá. Người dùng thậm chí có thể tìm kiếm thông tin về dịch bệnh tại các vùng, quốc gia khác thông qua một công cụ “Search”. Nhờ vậy, người dùng hoàn toàn có thể cập nhật tình hình dịch Covid-19 tại nơi người thân, bạn bè đang sinh sống.

Ứng dụng của nhóm sinh viên ĐH FPT còn có Phần You test positive để người nhiễm dương tính chủ động gửi mã code khai báo lên hệ thống, mã code chứa dữ liệu người đó và hệ thống sẽ xác nhận với dữ liệu của Bộ Y tế. Nếu trùng khớp sẽ thông báo xuống các máy đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19.

“Hiện tại, nhóm chỉ mới xây dựng và phát triển ứng dụng cho điện thoại sử dụng hệ điều hành Android vì thời gian làm và hoàn thiện đồ án có hạn. Trong tương lai, nhóm sẽ tiếp tục phát triển ứng dụng trên hệ IOS cũng như tối ưu các tính năng, bổ sung thêm nhiều chức năng khác để sản phẩm sẽ dễ tiếp cận hơn với người dùng, giúp họ được bảo vệ sức khỏe trước đại dịch Covid-19” – Nguyễn Anh Hào, đại diện nhóm sinh viên chia sẻ.

4 chàng sinh viên ĐH FPT cũng cho biết cả nhóm có ý định đưa ứng dụng ra thị trường trong thời gian tới sau khi sản phẩm hoàn thiện.

Theo Dân Trí