Gần 20 sinh viên, thủ lĩnh tương lai đến từ ĐH FPT và các trường ĐH khác như Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân đã tham gia khóa học “Thử thách khả năng lãnh đạo” (Leadership in Action 2015) nhằm phát triển các kỹ năng lãnh đạo của mình, thông qua việc vượt qua chuỗi các thử thách, thực hành bộ công cụ và thực hiện dự án cá nhân. Qua khóa học này, các học viên cũng nâng cao kỹ năng sử dụng tiếng Anh, do chương trình được thiết kế và điều phối hoàn toàn bởi giảng viên quốc tế Guus Wink đến từ tổ chức giáo dục Knowmads Business School Amsterdam (Hà Lan).
Đúng như tên gọi và tính chất của khóa học, các sinh viên đã trải qua chuỗi các thử thách do các huấn luyện viên liên tục đưa ra trong năm ngày. Có thử thách mang tính cá nhân như Pecha kuccha thuyết trình giới thiệu bản thân, viết blog đúc kết bài học theo quan điểm của mỗi người. Có thử thách mang tính làm việc nhóm như cùng làm tạp chí, hay thực hiện sự kiện cộng đồng nhằm chia sẻ những công cụ được học trong chương trình.
Trong số đó, thử thách cam go và thể hiện rõ tinh thần lãnh đạo, đồng đội nhất chính là “Paperclip challenge”- thử thách kẹp giấy. Nhiệm vụ của các bạn là từ một chiếc kẹp giấy đổi ra những vật khác có giá trị hơn, chỉ bằng cách thuyết phục chứ không qua bất cứ sự trao đổi tiền bạc nào. Sau bốn tiếng triển khai ở phố cổ dưới cái nắng như đổ lửa, sau rất nhiều lần bị từ chối, cuối cùng mỗi đội đã thu được những kết quả hết sức bất ngờ như chiếc áo phông, đồng xu, bài thơ hay thậm chí là… bao cao su.
Khi nói về trải nghiệm đắt giá đó, Trần Anh Tuấn (sinh viên khóa 10) khẳng định: “Lần đầu em tham gia một thử thách hấp dẫn như vậy, qua thử thách này em đã có thêm bài học về tinh thần trách nhiệm, cách giao tiếp và giải quyết các mâu thuẫn, cách đưa ra cam kết và vai trò cụ thể cho mỗi cá nhân trong nhóm”.
Khi tham gia chương trình, các sinh viên cũng có cơ hội thực hành bộ công cụ để phát triển kỹ năng lãnh đạo và làm dự án. Các công cụ được cung cấp ở các mức độ khác nhau, từ kỹ thuật đến trải nghiệm, và để tối ưu hóa được các công cụ này, mỗi người học cần tự làm việc và luyện tập theo các tình huống thực tế của mình.
Nguyễn Thị Chúc (sinh viên khóa 8) chia sẻ cảm nhận khi ứng dụng công cụ Power to Flower: “Em suy nghĩ về bản thân nhiều hơn, đặt rất nhiều câu hỏi cho bản thân mình, nghĩ theo nhiều hướng và thực sự dành thời gian để suy ngẫm và quyết định. Em nhân ra việc hiểu, kiểm soát bản thân và bắt bản thân hành động là vô cùng quan trọng, nó là tiền đề của việc trở thành một người lãnh đạo, đúng như câu Lead yourself first”. Trong khi đó Lâm Yến Đình (sinh viên khóa 9) thì tâm đắc với công cụ Brainstorming: “Trước đây em từng học và có áp dụng brain storming nhưng ở chương trình này cách áp dụng rất khác lạ. Theo kỹ thuật mới này, y tưởng không chỉ được đưa ra theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu. Mỗi người cũng đều có thể lên tiếng và lắng nghe nhau, cùng hợp tác và hợp lực.”
Sau mỗi thử thách, công cụ, mỗi học viên làm giàu thêm kỹ năng, kinh nghiệm, niềm tin vào bản thân để bắt tay vào thực hiện dự án cá nhân mình ấp ủ. Các học viên khác cũng có nhiều kế hoạch khác nhau rất phong phú như: Tổ chức talkshow, nâng cao nhận thức bình đẳng giới, rèn luyện việc học ngoại ngữ, chơi thể thao… Tuy cách tiếp cận khác nhau nhưng qua chương trình, mỗi người học đã tạo ra sự thay đổi tích cực cho bản thân và đóng góp cho cộng đồng.
PDP